1. Trang Chủ
  2. Tin Tu Đoàn
  3. Bản Tin Thường Ngày
  4. Tu Đoàn Anh Em Bác Ái Xã Hội Tĩnh Tâm Quý

Tu Đoàn Anh Em Bác Ái Xã Hội Tĩnh Tâm Quý

111 01/11/2016
Tu Đoàn Anh Em Bác Ái Xã Hội Tĩnh Tâm Quý

Trong những ngày vừa qua, bầu khí Tu Đoàn Anh Em Bác Ái Xã Hội trở nên ấm áp và rộn ràng tiếng cười, tràn ngập niềm vui. Từ khắp nơi, cứ ba tháng một lần, anh em trở về bên nhau để gặp gỡ và chia sẻ những vui buồn trong hành trình dâng hiến. Và nhất là có những giây phút hồi tâm, nhìn lại chính mình, xét lại mối tương quan giữa mình với Thiên Chúa và với anh em. Lần gặp gỡ này thật đặc biệt, vì trong tinh thần hiệp thông với Giáo Hội, anh em Tu Đoàn sống trong niềm vui cảm tạ Năm Lòng Thương Xót Chúa sắp kết thúc, và hiệp thông hướng về tháng cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.

 

 

Điểm nhấn trong lần tĩnh tâm quý này không gì khác ngoài Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Qua hai bài giảng của cha Giuse Nguyễn Văn Thắng, viện phó đan viện Châu Thủy, cũng là cha đặc trách liên tu sĩ giáo phận Phan Thiết, anh em như được hâm nóng lại tinh thần yêu thương và phụ vụ vô vị lợi, đặc sủng của Tu Đoàn.

 

Xem Hình

 

Trong bài giảng thứ nhất, được gởi hứng từ dụ ngôn “người cha nhân hậu” trong Tin Mừng Luca (15,11-32), cha giảng phòng đã dẫn đưa anh em đến tận cùng để đụng chạm tới Lòng Thương Xót Chúa qua nhân vật Người Cha trong dụ ngôn. Thiên Chúa là một Thiên Chúa đầy lòng bao dung với người con thứ, nhưng cũng là một Thiên Chúa khiêm hạ với người con cả. Trong tình yêu, Thiên Chúa đã phải quỳ gối, cúi xuống, hạ cố van xin tình yêu của con người. Tình yêu là bao dung tha thứ, là trao ban nhưng tình yêu cũng cần được yêu lại.

 

Trong đời tu, nhiều lúc chúng ta cũng mang hình ảnh của người con thứ là muốn được tự do, muốn được quy hướng về mình và đòi hỏi người khác. Cái khốn khổ nhất là khi rơi vào những hoàn cảnh như vậy mà chúng ta không biết hồi tâm quay trở về.

  

Hình ảnh người con cả trong dụ ngôn cũng là dáng dấp đâu đó của mỗi người chúng ta khi bước theo Chúa trong cuộc đời dâng hiến. Người con cả ở với cha mình, nhưng anh không hiểu và cũng chẳng cảm nghiệm được tình yêu thương của người cha. Anh lên án cha mình đối xử với mình bất công, anh không nhận ra giá trị của tình yêu, lòng bác ái trội vượt hơn sự công bằng. Cái cảm thức thuộc về người cha, thuộc về sự yêu thương và bao dung, anh đã để cho sự vô cảm lấn át. Quả thực và cũng là một niềm xác tín: trong đời tu, cảm nghiệm được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa thật hết sức quan trọng.

 

Bài giảng thứ hai, khởi đi từ hai nhân vật trên đường Emmau trong Tin Mừng của thánh Luca (Lc 24,13-35), cha giảng phòng đã không tiếc lời để phân tích dưới nhiều khía cảnh, hầu đưa đến cho anh em một kết luận: Đời tu và kinh nghiệm gặp gỡ Chúa.

 

Đúng vậy! Hai môn đệ trên đường Emmau đã chán nạn bỏ Giêrusalem trở về làng Emmau, rời bỏ đời sống huynh đệ và cộng đoàn, trên đường đi họ tranh cải với nhau. Họ đã đánh mất tính cộng đoàn và khả năng thuộc về cộng đoàn khi gặp những khó khăn trên hành trình theo Chúa. Trong đời tu, sự chán nạn là dấu hiểu cho chúng ta thấy chúng ta chưa có kinh nghiệm gặp gỡ Chúa, chưa thuộc về anh em và về cộng đoàn, chúng ta đơn độc trong một công đoàn. Chính vì vậy, chúng ta dễ đi tìm một mối liên hệ khác ở ngoài cộng đoàn, và rồi chúng ta tự đánh mất đời sống ơn gọi tu trì của mình.

 

Đời sống cầu nguyện và kinh nghiệm gặp gỡ Chúa qua Lời Chúa, qua bí tích Thánh Thể, qua những biến cố trong cuộc đời cho chúng ta đức tin, niềm vui và niềm hy vọng. Đó là những chọn lựa và giá trị mà chúng ta, những người sống đời thánh hiến, không được phép đánh mất.

 

Qua hai ngày tĩnh tâm, mặc dầu những bữa ăn không phải là cao lương mỹ vị, nơi nghỉ ngơi còn thiếu thốn, nhà nguyện nơi anh em nghe giảng và dâng thánh lễ còn chật hẹp, nhưng trên khuôn mặt của mỗi anh em rạng ngời niềm vui, niềm phấn khởi, vì được sống trong tình nghĩa huynh đệ sùm vầy. Đặc biệt là anh em cảm nghiệm được Lòng Thương Xót Chúa trên cuộc đời của mình, và đó cũng là kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa trong hành trình dâng hiến, dù còn rất nhiều khó khăn và thử thách.

 

                                                                                                                                                        vanphongtudoan

 

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP