Trung tín

111 07/11/2015
Trung tín
Thứ Bảy Tuần XXXI Thường Niên
Lời Chúa: Lc 16,9-15

9 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời. 10 Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. 11 Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con. 12Và nếu các con không trung thành trong việc sử dụng tiền của người khác, thì ai sẽ ban cho các con của cải dành riêng cho các con.

13 "Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được". 14 Những người biệt phái là những kẻ tham lam, nghe nói tất cả những điều đó, thì nhạo cười Người. 15 Thấy vậy, Người bảo các người biệt phái rằng: "Chính các ông là những kẻ phô trương mình là công chính trước mặt người ta, nhưng Thiên Chúa biết lòng các ông; bởi chưng điều gì cao sang đối với người ta, thì lại là ghê tởm trước mặt Thiên Chúa".

 

Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống...)

Những điểm đáng chú ý trong lời Chúa Giêsu dạy về tiền của:

- Ngài đánh giá tiền của là “gian dối”.

- Ngài khuyên dùng tiền của đời này để mua lấy những giá trị đời sau.

- Phải coi tiền của là đấy tớ phục vụ mình, chứ đừng coi chúng là ông chủ mà mình phải làm nô lệ.

- Chính những người được coi là đạo đức như biệt phái mà cũng mang tính tham lam.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”, qua câu này, chính Chúa Giêsu cho biết:

a/ Tiền của có thể biến người sở hữu nó trở thành nô lệ cho nó.

b/ Tiền của có thể được người ta tôn lên ngang hàng với Thiên Chúa, thậm chí cao hơn Thiên Chúa nữa!

2. Tôi thử xét lại liên hệ của tôi với tiền của xem tôi đang làm chủ nó hay làm nô lệ nó:

- Tôi vẫn còn làm chủ nó: khi tôi dám đem nó đi cho người khác, dám đưa nó cho người khác mượn, dám bỏ nó, khi tôi mất nó mà không đến nỗi như mất hồn…

- Tôi đã thành nô lệ nó khi ngày đêm tôi nghĩ tới nó, khi tôi trọng nó hơn tất cả mọi người khác, khi tôi sợ mất nó, khi vì nó mà tôi dám làm điều xấu…

3. Mạnh Thường Quân là một người nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm, ông sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Khi đi, Phùng Nguyên hỏi:

- Ngài có định mua gì về không?

- Xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua.

Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân tới bảo rằng:

- Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả, chẳng tính gì gốc lãi, hãy đem đống văn tự ra đốt sạch.

Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân rằng:

- Nhà Ngài không thiếu thứ gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm phép mua ở đất Tiết cho Ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý Ngài.

Về sau, Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đây nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên:

- Đó hẳn là cái ơn nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước. (Góp nhặt)

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

http://tonggiaophansaigon.com/suy-niem/20151106/32670

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP