Thuyết Trình: Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ

TĨNH TÂM QUÝ I
2019 – 2020
-----------------------------------
Niên học 2019 – 2020 cũng đã đi qua gần một tháng. Nhịp thời gian cứ chuyển vần với những sắp xếp theo tinh thần của Tổng Tu Nghị Lần Thứ II cũng bắt đầu đi vào ổn định. Sau một tháng xa nhau, hôm nay, anh em lại được trở về ngôi nhà thân thương đầy những ký ức ân sủng của mùa hè vừa qua, để sống những giây phút hồi tâm, chia sẻ tình huynh đệ chứa chan mặn nồng và hiệp thông tạ ơn Chúa vì những điều thiện hảo Thiên Chúa ban cho Tu đoàn trong thời gian qua.
Ý thức được sứ vụ và dự phóng của Tổng Tu Nghị vừa qua với chủ đề: “Ở lại để được sai đi” (x.Mc 3,14), lời mở đầu trong thánh lễ sáng nay, Anh Tổng Phụ trách Phaolô Hồ Phi Chỉnh đã mời gọi anh em học hỏi và thấm nhuần tinh thần của Tổng Tu Nghị; ngài mong muốn anh em trở nên những tu sĩ thánh thiện trong chiều kích “ở lại” và trở nên những người say mê công việc truyền giáo trong chiều kích “được sai đi”. Với tâm tình cảm mến, ngài cùng với mọi anh em tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa quan phòng tất cả những gì Thiên Chúa đã “bỏ công gầy dựng” lý tưởng “yêu thương và phục vụ” nơi những con người nhỏ bé và hèn yếu của chúng con.
Cùng một tâm tình như thế, trong bài giảng lễ, với câu chuyện Tin mừng (Lc 16, 19 – 31) khá độc đáo và thú vị của Chúa nhật 26 Thường niên – C, nói về hậu vận của người phú hộ giàu có và anh Lazaro nghèo khó, cha Giuse Đặng Văn Tiếp đã chia sẻ với anh em về những chọn lựa cho một hành trình đi theo Đức Kitô trong cái gọi là “giàu - nghèo”. Sự giàu có, tự nó, chẳng mang tội tình gì; và cũng thế, sự nghèo khó, muôn thuở, vẫn mãi gắn bó với phận người. Như thế, tất cả là hồng ân. Tuy nhiên, cái hậu vận trong bài Tin mừng hôm nay vẫn luôn đeo đẳng mỗi người chúng ta, nhất là người tu sĩ trong thời đại mới. Chúng ta phải biết chọn lựa, để rồi đừng lụy vào tiền bạc làm cho tâm hồn chúng ta vô cảm; và chúng ta cũng đừng quá sầu đau khi chúng ta phải chật vật trong nghèo khó. Cảm tạ Chúa, nhìn bên ngoài chúng ta thấy Tu đoàn cũng thật hoành tráng, nhưng thực chất chúng ta cũng rất nghèo. Đó là ân huệ giúp chúng ta thanh thản và thong dong đi theo Chúa.
Trong hai bài giảng, chiều thứ Bảy và sáng Chúa Nhật, cha Giuse Hoàng Văn Thắng, thuộc Đan Viện Châu Thủy và cũng là Trưởng Ban Liên Tu sĩ Giáo phận, được gợi hứng từ chủ đề của Tổng Tu nghị “Ở lại để được sai đi” và với kinh nghiệm của một người hướng dẫn thiêng liêng trong đời sống đan tu, ngài đã chia sẻ cho anh em những điều thật quý báu trong mối tương quan của hai chiều kích “ở lại” và “được sai đi”. Thánh hiến và được sai đi đó là hai chiều kích của đời sống tu trì trong bất cứ thời đại nào? “Ở lại” không chỉ mang một ý nghĩa bình thường, mà “ở lại” là ở trong Thiên Chúa và ở với Thiên Chúa. Trở nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” là điều căn cốt nhất của chiều kích này. Và như thế, “ở lại” là việc thiết thực cần làm trước cho một hành trình “được sai đi”. Chiều kích truyền giáo là bản chất của Giáo Hội. Bởi thế, người môn đệ phải học cho được trở nên giống Thầy Chí Thành, để có một lối sư phạm đầy tính năng động trong việc truyền giáo. Điều quan trọng trong việc “ở lại để được sai đi” là chúng ta phải có một sự quân bình cả về đời sống cầu nguyện, chiều kích “ở lại”, và công việc truyền giáo, chiều kích “sai đi”. Bên cạnh đó, một điều cũng không kém phần quan trọng là tinh thần hiệp thông mang tính cộng đoàn của cả hai chiều kích “ở lại” và “ sai đi”. Đây là chia khóa giúp chúng ta trở nên một người tu sĩ mà Giáo Hội và Thiên Chúa mong muốn. Và đó, tin chắc rằng điều mà Tổng Tu nghị của anh em vừa rồi cũng mong muốn thành toàn.
Những ngày tĩnh tâm quý kép lại với giờ Chầu Thánh Thể tạ ơn. Sau giờ cơm trưa thân tình, anh em lại trở về các cộng đoàn với những sứ vụ của mình. Chúng ta cảm tạ Chúa, cảm ơn quý cha, và cảm ơn nhau về những điều thật tốt lành trong những ngày tĩnh tâm này. Kính chúc anh em tất cả những gì an yên nhất cho cuộc hành trình tương lại.
vanphongtudoan