Thứ Tư Tuần Thánh

127 30/03/2021
Thứ Tư Tuần Thánh
 
LÒNG CHÚA NHÂN TỪ
 
Mt 26,14-25
..................
 
Để chuẩn bị cho bài Tin Mừng mà thánh Mát-thêu viết về bữa tiệc ly biệt của Chúa với các môn đệ Người, bài đọc Tiên tri I-sai-a cho ta thấy trước dung mạo của Chúa Thiên sai. Đó là dung mạo một vì Thiên sai Cứu độ đầy nhân ái với kẻ thù của mình. Người sẵn sàng để cho người ta phỉ nhổ, nhạo báng mà không hề đáp lại bằng một thái độ trả thù hay hạ nhục đối phương.
 
Bài tường thuật của Thánh Mát-thêu về bữa tiệc ly như Thánh Gio-an, nhưng với những điểm nhấn cụ thể cho ta thấy, Giu-đa càng tỏ ra gian manh phản bội bao nhiêu thì Chúa càng tỏ ra nhân từ bấy nhiêu.
 
Trước hết, việc Chúa bị nộp là sáng kiến của Giu-đa. Và sáng kiến này xuất phát từ lòng mê tham tiền bạc. Giu-đa gặp các thượng tế và khảo giá hành động của mình: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu? Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc” (Mt 26,15). Giu-đa sẵn sàng ngay vì Giu-đa trọng tiền hơn nhân nghĩa, ưa tối tăm hơn ánh sáng. Trong lúc đó, trong đám quần chúng yên lặng, biết bao người âm thầm tin theo Chúa. Họ sẵn sàng dâng nhà cửa và cả bữa ăn Vượt Qua cho Chúa và các môn đệ Người. Họ tạo điều kiện thuận lợi nhất để Chúa dâng Thánh Lễ đầu tiên tại phòng tiệc ly này. Họ chưa nghĩ đến mầu nhiệm kỳ diệu đó. Nhưng Chúa muốn kết hợp cuộc lễ mừng ngày giải phóng dân tộc thoát ách nô lệ Ai Cập, với cuộc giải phóng cả nhân loại khỏi vòng nô lệ tội lỗi bằng cuộc hy sinh trên thập giá của Người.
 
Vì thế, bữa tiệc ly này vô cùng quan trọng, người ta reo mừng ca hát liên tục. Nhưng phần Chúa, Chúa phải chịu một nỗi buồn dằn vặt tâm can đến tột độ, đó là sự phản bội của Giu-đa. Cho nên giữa bữa ăn, Chúa không cầm được nước mắt và Chúa vừa nhìn Giu-đa vừa nói các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Mt 26,21). Bữa ăn trong tiếng hát vui mừng bỗng nhiên ngừng lại. Ai nấy sửng sốt, không hiểu tại sao lại có người làm việc ác hại đó. Họ nóng lòng muốn biết ai làm, hay chính mình làm mà không biết: “Thưa Thầy, chẳng lẽ con sao?”.
 
Họ lần lượt tự kiểm điểm mình và cả Giu-đa cũng dám hỏi câu đó. Nhưng với Chúa, Chúa không tỏ vẻ muốn tố cáo Giu-đa, hay khai trừ anh ta ra khỏi đám môn đệ. Người vẫn chấm bánh tiếp đãi mọi người môn đệ, kể cả Giu-đa, để biểu lộ lòng yêu thương quí mến đối với mọi người. Chúa đã từng ăn uống với bao người tội lỗi vì Chúa muốn cứu họ. Nhưng hôm nay ngồi chung với Giu-đa, Chúa không cầm được nước mắt, đến nỗi các môn đệ cũng muốn khóc với Người, khi Người nói: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người, thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mt 26,23-24).
 
Trước câu hỏi của Giu-đa: “Thưa Thầy chẳng lẽ con sao?” Chúa không muốn làm nhục Giu-đa, Người cũng chỉ trả lời: “Chính anh nói đó”, nghĩa là “anh trả lời lấy”. Câu nói của Chúa là một lời kêu gọi hắn trở về với lương tri của mình. Rồi Chúa giơ tay từ giã anh ta. Chính Giu-đa tìm cách xa Chúa!
 
Hôm nay, phụng vụ một lần nữa muốn chúng ta chiêm ngắm tấm lòng rất nhân từ của Chúa. Mỗi Thánh lễ là một bữa Tiệc Ly mới. Và Chúa lại nhắn nhủ với chúng ta: Các con hãy ý tứ, Ta không muốn xa lìa chúng con đâu, nhưng chúng con cũng đừng tự ý xa Ta. Thánh Phao-lô đã hiểu được tấm lòng Chúa hơn ai hết, nên dám tuyên bố một khi ông trở lại: “Đối với tôi sống là Đức Ki-tô”.
 
Cầu nguyện
 
Lạy Chúa, Chúa nhân lành vô cùng, yêu thương vô cùng. Xin Chúa ban cho chúng con ơn trung thành với Chúa mãi mãi.
 
Lạy Chúa, ước chi mỗi Thánh lễ là một dịp chúng con được Chúa bồi dưỡng, để chúng con sống tình yêu Chúa với hết mọi người, dù đó là bạn thân tình hay là người khó tính. Xin ban ơn Thánh Linh để Ngài thiêu đốt con tim tuổi trẻ chúng con thành lò lửa mến, cống hiến ánh sáng và tình yêu Chúa cho mọi người. Amen.
 
 
Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP