Thứ Tư – Tuần Bát Nhật Phục Sinh

157 06/04/2021
Thứ Tư – Tuần Bát Nhật Phục Sinh
 
ĐƯỜNG VỀ EM-MAU
 
(Lc 24,13-35)
......................
 
Đường về Em-mau trước hết là con đường tuyệt vọng của hai vị môn đệ vừa chứng kiến cái chết thê thảm của Thầy mình. Đây là vị Tôn sư danh tiếng lẫy lừng, là con người đầy hy vọng phi thường, là Đấng quyền năng không ai sánh ví được. Người khống chế được mọi sức mạnh của Sa-tan, của mọi thứ bệnh tật nan y, của phong ba bão táp, kể cả sức mạnh của tử thần.
 
Tại sao Người lại để cho người ta giết được? Thật vô lý, chết để làm gì? Cái chết làm Người lỗi hẹn với các bạn bè, với hàng ngàn hàng vạn con người đã từng tuyệt đối tin tưởng vào Người. Cái chết phá tan mọi huyền thoại về Người. Cái chết làm cho kẻ thù Người lên ngôi và phong thần cho một thứ đạo không ra đạo, đời không ra đời, mà Người thường xuyên phê phán.
 
Thật vô lý khi kẻ thù đến vây bắt Người, Người chỉ nói một lời: “Nầy tôi đây”, thì cả bọn thụt lùi và té ngã xuống đất. Thế rồi sau đó Người lại khoanh tay để cho người ta trói lại!
 
Thật vô lý khi còn trên thập giá, kẻ thù thách thức Người xuống khỏi thập giá để họ tin. Người cứ yên lặng để chịu đựng cho đến giây phút cuối cùng. Sức mạnh Người để đâu? Hay như Sam-son ngày xưa mỗi khi cạo trọc đầu là hết sức mạnh?
 
Ôi cái chết vô lý đến chừng nào! Các Tông Đồ đi theo Người cho tới đây quả thực không hối hận gì cả, những nỗi niềm căng thẳng đau khổ đến điên đầu là không hiểu Người chết như vậy để làm gì?
Hai môn đệ cùng đi với nỗi niềm bi đát, thất vọng, đôi chân đã chùn bước và như muốn ngã gục trên đường. Cõi lòng họ tối mù còn hơn cả đêm đen.
 
Rồi một người khách lạ đến. Ông này cũng kỳ, ở Giê-ru-sa-lem đi ra mà không biết gì, cái chết mà trẻ, già, ai ai cũng lắc đầu tự hỏi sao người ta lại giết Người đi.
 
Đường Em-mau tuyệt vọng, mà bỗng nhiên lại trở thành đường hy vọng. Hai môn đệ rơi vào một bế tắc không lối thoát thì người khách thứ ba lại mở ra cho họ một lối thoát bất ngờ.
 
Người khách thứ ba không có gì là ưu thời mẫn thế, nhưng lại tỏ ra am tường Kinh Thánh, giải thích Kinh Thánh và đang biến cái biến cố đen tối kia thành một tia sáng mạnh cho hy vọng, đang giúp hai môn đệ từ một tâm tư u buồn giá lạnh sang một niềm an vui ấm áp khôn lường. Họ cảm thấy người khách thật đáng quí, và cứ muốn nghe mãi những lời bình đầy lạc quan, vì họ nhận ra được Thiên Chúa đang hành động trong lịch sử để mùa đông lạnh bước sang mùa xuân ấm áp, màn chết chóc bước sang màn sống vui.
Không mấy chốc mà quãng đường đã rút ngắn lại. Họ đã về đến làng mà không muốn để người khách xa mình. Họ mời ông ở lại, ít là bữa ăn tối: “Ngài ơi, mời Ngài ở lại vì trời đã xế chiều”.
 
Người khách dễ thương dễ mến, đã ngồi lại với họ. Đang bữa ăn, khách cầm lấy bánh bẻ ra trao cho họ. Ôi cái cử chỉ sao mà giống cái cử chỉ bẻ bánh của Thầy mình quá nhỉ! Nhưng trời ơi, Người biến mất rồi! Chúa đã sống lại thật rồi! Họ vội vàng trở lại Giê-ru-sa-lem.
 
Cầu nguyện
 
Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh yêu mến, đường về Em-mau có Chúa đi cùng với hai môn đệ. Như từ cõi chết đi về cõi sống với Chúa, họ được sưởi ấm cõi lòng và hân hoan trở về Giê-ru-sa-lem báo tin mừng Chúa đã sống lại như Lời đã hứa.
 
Nguyện xin Chúa giúp chúng con tin rằng Chúa vẫn còn đây với Giáo Hội, với mọi người chúng con. Dù bước đi trong thung lũng tối chúng con vẫn vững dạ an lòng. Sự hiện diện đầy yêu thương và quyền năng của Chúa che chở cả cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con đừng vì những lôi cuốn trần gian mà xa Chúa bao giờ. Amen.
 
Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP