Thứ Năm Tuần II Mùa Chay
127
03/03/2021

PHÚC THAY AI SẦU KHỔ VÌ HỌ SẼ ĐƯỢC ỦI AN
Lc 16,19-31
..................
Câu chuyện ông nhà giàu dư ăn thừa mặc, của cải đầy nhà, đời sống xa hoa hết mức, bên cạnh một ông La-gia-rô, cơm không có ăn, áo không có mặc, bệnh tật giày vò đêm ngày không ai săn sóc, là một cảnh bất công của mọi thời đại.
Sự giàu có làm cho người ta bằng lòng với cuộc sống đời này mà quên đi bổn phận đối với Thiên Chúa, Đấng tạo nên của cải cho mặt đất này. Họ quên cả cuộc sống vĩnh cửu bên kia nấm mồ, đó mới là điều quan yếu căn bản.
Sự giàu có còn có thể làm cho người ta khinh bỉ những người đói khát, coi họ như lớp hạng nhì không có giá trị. Sự đối xử vô tình của người phú hộ là một thí dụ điển hình cho thái độ khinh khi đó.
Nhưng Thiên Chúa công bằng vô cùng, chỉ có Ngài lấp đầy hố sâu phân cách và sự bất công mà người nghèo phải chịu thiệt. Thật ra của cải trên mặt đất này là của chung, không ai có quyền thâu tóm tất cả cho mình, mà không chịu chia sẻ cho những người thiếu thốn.
Dụ ngôn ông phú hộ và anh La-gia-rô cùng cực là một bức tranh minh họa cho mối phúc thật thứ ba: “Phúc cho ai khóc lóc vì họ sẽ được ủi an” (Mt 5,4). Đây không phải là một lời ru ngủ người đói nghèo, nhưng là bài giáo huấn quan trọng cho những người giàu có ích kỷ. Nếu họ không biết chia sẻ với người nghèo khổ, thì đời sau hoàn cảnh sẽ lật ngược lại. Dụ ngôn cho thấy ông La-gia-rô đau khổ suốt đời đã được về nơi sung sướng với Ab-ra-ham. Còn người phú hộ vừa qua đời đã bị rơi xuống địa ngục.
Đây cũng là cách Chúa yêu cầu mọi người phải biết quan tâm đến người nghèo, vì chính họ mới là người giàu có đời sau. Lời họ có sức mạnh bầu cử cho chúng ta đời sau. Dụ ngôn “Phán xét chung” cho ta thấy người nghèo là ân nhân đưa ta vào Nước Chúa. Vì Chúa Phục Sinh luôn luôn ở bên cạnh họ. Và khi giúp đỡ cho ai đó là giúp đỡ cho Chúa đấy thôi.
Từ Công đồng Va-ti-ca-nô II, Mùa Chay là mùa gây quỹ bác ái, để giúp đỡ người nghèo. Nếu người ta ăn chay bằng cách giảm bớt ăn chơi là để dành tiền cho việc chống đói nghèo và giúp dân nghèo phát triển. Bộ mặt Giáo Hội nhờ đó trở nên đầy thiện cảm với người ngoài. Các thông điệp về xã hội của Giáo Hội được nhiều người thiện chí quan tâm tìm hiểu.
Đời tu hôm nay không còn khép kín trong bốn bức tường, mà là mở rộng cánh cửa tiến vào xã hội, đi tới người nghèo. Đó là lời kêu gọi tha thiết của Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II trong những ngày cuối đời Giáo hoàng của ngài. Ngài đã lôi cuốn được giới trẻ công giáo khắp năm châu dấn thân vào con đường phục vụ người nghèo.
Phần chúng ta, chọn cho Tu Đoàn một hướng đi tương tự là chúng ta đang cùng Giáo Hội làm cho mặt đất này thêm tình người, làm cho “Tin Mừng cho người nghèo khó” được lan tỏa khắp nơi.
Điều cốt yếu là chúng ta phải tạo cho mình một dung mạo, một tư thế là bạn của mọi người, nhất là người nghèo. Sống chân tình tiếp xúc, chân tình phục vụ, chấp nhận những phản ứng bất thường nơi bệnh nhân, nơi người nghèo, vui vẻ với bất cứ ai. Gặp ai cũng tự nhủ lòng mình: “Chúa Ki-tô đang đến với tôi, người khách quý của lòng tôi”.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giê-su, khi đến trần gian Chúa đã chọn cuộc sống của người nghèo, từ ngày sinh ra nơi chuồng bò tồi tàn, cho đến chết trần truồng trên thập tự. Chúa cổ vũ cho một xã hội có tình liên đới, dành ưu tiên cho người nghèo. Xin Chúa cho chúng con biết nhiệt tình phục vụ họ. Dù phải hy sinh, phải quên mình chúng con cũng luôn luôn sẵn sàng.
Lạy Chúa, hình ảnh ông La-za-rô vẫn còn là hình ảnh của biết bao người nghèo giữa thời đại văn minh chúng con. Những người lao động tại nước ngoài, những cô vợ lấy chồng nước ngoài, đang trở thành những nô lệ khốn khổ. Xin Chúa cho họ thấy cơ hội giải thoát khỏi cảnh điêu linh. Amen.
Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan