Thứ Bảy Sau Lễ Hiển Linh

93 11/01/2020
Thứ Bảy Sau Lễ Hiển Linh

ĐÁM CƯỚI KỲ LẠ
Ga 3,22-30
------------------------------

 

Trung tâm câu chuyện vẫn là Chúa Ki-tô, Con Thiên Chúa nhiệm mầu, đang tỏ mình và đang tỏ tình với nhân loại.

 


Được thánh Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa như một phàm nhân trong phong trào sám hối, được Chúa Cha ban Thánh Linh đem đến sự sống mới và được Chúa Cha công bố là “Con yêu dấu”, Chúa Giê-su bắt đầu sự nghiệp cứu độ nhân loại.

 

Từ đây, Người sẽ minh chứng cho mọi người: Nước Thiên Chúa đã đến, Nước Thiên Chúa đang ở nơi Người. Để tiếp nối và củng cố công trình thánh Gio-an, Vị Tiền Hô rao giảng sự sám hối, lãnh phép rửa sám hối như điều kiện tiên quyết để đón nhận chính Tin Mừng của Người, Chúa Giê-su cũng bắt đầu làm phép rửa tại một điểm gần nơi hoạt động của Vị tiền hô.

 

Đây không phải là cuộc cạnh tranh như mấy môn đệ thánh Gio-an suy nghĩ, mà trái lại để tôn vinh, để xác nhận hành động của tiên tri tiền hô đi trước Chúa, mở lối cho Người là hành động đúng đắn và cần thiết. Nhưng cần phải được hiểu, những hành động đó chỉ tạm thời cho đến khi Đấng Cứu Thế bắt đầu hành động.

 

Các môn đệ của Gio-an Tẩy Giả đã tham gia trong phong trào sám hối, vẫn coi phép rửa của thầy mình cũng như thế giá của ông là độc nhất vô song. Và các hối nhân đến với ông mới là những người chính thức tham gia Nước Thiên Chúa. Họ chưa hiểu được câu nói của thầy mình với người Do-thái: “Có người đến sau tôi, cao trọng hơn tôi và tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”(Ga 1,27), và họ cũng đã nghe lời giới thiệu trân trọng nhất về Chúa Giê-su: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”(Ga 1,29).

 

Thái độ của mấy vị môn đệ đó đáng tiếc, nhưng lại là cơ hội và đây là lần cuối cùng thánh Gio-an Tiền Hô thực hiện vai trò làm chứng cho Chúa Ki-tô. Những lời cuối cùng này vừa làm chứng, vừa bộc lộ tâm tình khiêm tốn cao cả và lòng tôn kính của ông với Chúa Ki-tô: “Chẳng ai nhận được gì mà không do trời ban”(Ga 3,27), ông có ý nói ông làm phép rửa hay Đức Giê-su làm phép rửa, đó là nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó có cần chi phải băn khoăn. Ở đây, ta cũng cần nhớ lại chính ơn gọi chúng ta hôm nay do từ Thiên Chúa. Chúng ta cần biết cảm tạ và coi như trách nhiệm cao cả chính Thiên Chúa giao cho chúng ta.

 

Ông Gio-an phải lấy câu chuyện trong đám cưới để diễn ta vai trò của mình. Đức Giê-su là chú rể, mình là bạn, là người phù rể đó thôi. Và ông vui mừng với vai trò đó, ông chỉ mong được nghe tiếng Chú Rể Nước Trời.

 

Nhưng đem chuyện hôn nhân vào đây còn là một mạc khải lớn của Cựu Ước. Tiên tri Hô-sê đã ví Thiên Chúa như là người yêu của dân Do-thái cũng như là của nhân loại. “Người yêu tôi là Thiên Chúa, hình ảnh tôi nằm trọn trong trái tim Người, tôi có thể thờ ơ lạnh nhạt với Người được không?”.


Thánh Gio-an Tẩy Giả chỉ mong một điều: “Ngài phải lớn lên còn tôi thì nhỏ lại”(Ga 3,30). Còn chúng ta mong gì?

 

Cầu nguyện

 

Lạy Chúa, Chúa còn ở trước mặt con đây, Chúa đang mở trái tim Chúa cho con thấy, Chúa đang chỉ thập giá cho con trông. Vâng, trái tim Chúa đang bị tổn thương, đang hấp hối vì sự thờ ơ lạnh nhạt của chúng con, của cả nhân loại. Lòng yêu thương tràn trào như nước lũ, Chúa đang chạy cùng Giáo Hội, chạy cùng mặt đất đi tìm những giọt tình thương của chúng con.

 

Chúa khát quá! Trên thập giá Chúa kêu to lên, nỗi khát mà bao năm trời Chúa đã muốn cho nó bùng lên, Chúa khát đem tình yêu cho từng người của nhân loại, Chúa khát sự đáp lại của từng người trong chúng con.

 

Tình yêu! Ôi Tình yêu Chúa trở thành điên dại, khiến Chúa phải hiến cả mạng mình vì yêu: “Chúa ôi! Này con đây Chúa ơi”.

 

Con chỉ muốn thuộc về Chúa mà thôi, Chúa ôi! Này con đây”. Amen.

 

Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP