Thứ Ba – Tuần IV Phục Sinh

117 27/04/2021
Thứ Ba – Tuần IV Phục Sinh
 
CHÚA CHIÊN LÀNH
 
(Ga 10,11-18)
.......................
 
Chúa đã phán giữa đám đông Do thái: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên…”.
Thánh vịnh 22 cũng hát lên: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi không còn thiếu gì” (Tv 22,1).
 
Từ Cựu Ước đến Tân Ước, hình ảnh người mục tử là một hình ảnh thân thương gần gũi, để diễn tả lòng yêu thương quan phòng của Thiên Chúa đối với con dân Ngài. Chúa Giê-su vốn là hình ảnh Chúa Cha, hình ảnh trung thực của tình yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa.
 
Tiên tri I-sai-a, phát ngôn viên của Thiên Chúa, đã viết:
“Như mục tử chăn dắt đàn chiên mình, ông bồng lấy chiên con trên tay, ấp chiên vào lòng ngục, dẫn dắt chiên mẹ tới chỗ nghỉ ngơi” (Is 40,11).
 
Ê-dê-ki-en cũng loan báo Tin Mừng:
“Này đây chính Ta (Thiên Chúa) đích thân săn sóc đàn chiên Ta (Ed 34).
 
Điều Chúa muốn loan báo đầu tiên là: “Chủ chiên nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên”.
 
Điều làm ta phải bỡ ngỡ là khi chủ chiên chết rồi thì ai sẽ bảo vệ đàn chiên. Sự hy sinh của Chúa có nghĩa gì? Đối với Chúa Giê-su, chính cái chết của Người lại cứu đàn chiên. Bởi vì có hy sinh sự sống đời này, Người bước qua đời sống phục sinh phong phú để đem lại cho chiên bao nhiêu là hồng ân.
 
Thay vì đồng cỏ vật chất, chỉ phục vụ sự sống tạm thời, thì đồng cỏ thiêng liêng trong Giáo Hội là Lời Chúa, Mình Máu Chúa và các Bí Tích đem lại sự sống trường sinh. Cho nên khi công bố Người sẽ hy sinh chính là vì để đạt được sự sống bất tử cao quý sau này.
 
Người còn nói: “Người chăn thuê, vì không phải là mục tử và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy”.
 
Rõ ràng, trong khi vị mục tử đích thực dám hy sinh vì đàn chiên, thì người làm thuê không có trách nhiệm gì về đàn chiên, không tha thiết gì đến mạng sống đàn chiên. Một cách nào đó Chúa ám chỉ đến các nhà lãnh đạo lúc bấy giờ chỉ biết lo cho quyền lợi mình.
 
Đọc qua tư tưởng này, có thể nói Chúa quả quyết với ta rằng Người đang quan tâm đến ta hằng ngày, ta có thể tin tưởng đặt tất cả niềm tin tưởng ở nơi Người. Đến với Người nơi Bí Tích Thánh Thể, đây là nơi ta giãi bày được mọi chi tiết của đời mình, cho người yêu thương ta nhất.
 
Chúa nói: “Tôi biết chiên Tôi, và chiên Tôi biết Tôi, như Cha Tôi biết Tôi và Tôi biết Cha Tôi”.
 
Giữa Chúa Cha và Chúa Con, tuy ta không đủ sức diễn tả, không có trí tưởng tượng để nói lên mối liên hệ thân tình của hai Đấng. Nhưng chỉ cần so sánh hai tình yêu thôi, cũng đủ để ta tin tưởng rằng: “Chúa Ki-tô hạ thân ôm ấp ta, yêu thương ta bằng một tình thương nhiệm mầu khôn ví”. Ta hãy biết ơn và lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Hạnh phúc của ta trên đời này và cả đời sau ở nơi Người.
Chúa gọi tên ta hằng ngày bằng tiếng gọi vô hình đầy thân thương trìu mến như đã gọi bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na sau khi sống lại: “Ma-ri-a!” Một niềm vui bộc phát lên, hạnh phúc, sung sướng không lời diễn tả. Maria chỉ biết ôm cứng lấy chân Chúa.
 
Nhưng Chúa còn muốn nhiều chiên về với Người nữa: “Ta còn nhiều chiên chưa thuộc đàn này”.
 
Cầu nguyện
 
Lạy Chúa Giê-su rất đáng mến, càng nghe Chúa rao giảng tâm sự, chúng con càng thấy sung sướng vô ngần vì Chúa đã trao cả tâm sự, cả con tim cho chúng con. Chúng con chỉ muốn cho tình yêu vô biên Chúa trào tràn, ngập lút cả cuộc đời chúng con, để chúng con biết tin tưởng đến với Chúa.
 
Lạy Chúa, con có thể tưởng tượng Chúa đang nói với chúng con giờ này qua Bí Tích Thánh Thể, cũng như ngày xưa Chúa đã nói với thính giả Pa-let-tin. Lúc đó Chúa nói mà người ta chưa hiểu được bao nhiêu. Nhưng hôm nay Chúa yên lặng để cho thập giá nói, Thánh Thể Phục Sinh của Chúa nói, chúng con tuyệt đối tin tưởng nơi Chúa.
 
Ôi huyền diệu thay tình thương của Chúa, ước chi tình yêu luôn chiếu tỏa cả cuộc đời con, để con chỉ biết sống cho Chúa mà thôi. Amen.
 
Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP