Thứ 5 Tuần XVI Thường Niên-A

82 23/07/2020
Thứ 5 Tuần XVI Thường Niên-A

TẠI SAO CHÚA GIẢNG BẰNG DỤ NGÔN?
Mt 13,10-17
------------------------

Tin mừng thánh Mát-thêu đã trình bày giáo huấn của Chúa thành ba loại, gồm có:


- Những bài giảng nói về những gì phải thực hiện để vào Nước Thiên Chúa, như Tám mối Phúc thật, về đức thương yêu, về sự cầu nguyện v…v…


- Những huấn thị về truyền giáo dành riêng cho các tông đồ.


- Và ba là dụ ngôn về mầu nhiệm Nước Trời.

 

Khi Chúa rao giảng những điều kiện phải thực hành trong đạo mới, hay các chỉ thị truyền giáo, các tông đồ nghe thấy dễ hiểu. Và họ tin vào những lời Chúa dạy để đem ra thực hành.

 


Nhưng khi Chúa dùng dụ ngôn để trình bày mầu nhiệm Nước Trời, thì họ thấy lúng túng, không biết ý Chúa muốn nói gì. Và thường họ xin Chúa giải thích khi Thầy trò sinh hoạt riêng với nhau. Cho nên nhân khi Chúa giảng dụ ngôn đầu tiên về “người gieo giống”, họ phải hỏi : “Sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng?”. Vì chính họ nghe cũng không hiểu.Và câu trả lời của Chúa lại cho ta những bài học quan trọng. Trước hết, chính Thiên Chúa và Nước Ngài là thực tại nhiệm mầu. Con mắt không thấy được và tai nghe cũng không hiểu được, lòng trí cũng không tưởng tượng được. Chỉ có ai có lòng tin và có tâm hồn thiện chí mới đón nhận được mà thôi. Và Chúa nghĩ ngay đến các tông đồ, tuy không phải là người thông thái, nhưng họ đang có một tâm hồn thiện chí để đón nhận mầu nhiệm Nước Trời. Chính Chúa đã dâng lời tạ ơn Cha cho họ. Và Ngài còn nói tại đây với họ : “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe”. Phúc ở chỗ “thấy” và “nghe” với lòng tin cộng với tâm hồn thành tín.

 

Bài học quan trọng cho người tu sĩ. Vì muốn sống và làm chứng cho Tin mừng, thì chúng ta đừng đem những lý luận trần tục để tạo nên cuộc sống. Chúng ta phải có niềm tin tuyệt đối vào lời Chúa, và có con tim đầy thiện chí để sống Lời Chúa.

 

Những Luật sĩ, biệt phái là những khuôn mặt tiêu biểu cho đạo Cựu ước, lẽ ra họ đã đón nhận Tin mừng Cứu độ trước mọi người, nhưng họ không có niềm tin vào lời Chúa, mà cũng không có thiện chí để đón nhận Tin mừng như ông Ni-cô-đê-mô. Chúa phải dùng lời cảnh báo của tiên tri I-sa-i-a để nói về họ : “Các người có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, vì lòng dân này đã ra chai đá”.


Vậy vai trò dụ ngôn là gì?

 

Chúa dùng dụ ngôn, tức là lấy những chất liệu của đời sống hằng ngày để diễn tả mầu nhiệm Nước Trời. Khoa sư phạm này cứ hé mở từ từ những ý nghĩa của mầu nhiệm Nước Trời. Như dụ ngôn “đi tìm con chiên lạc” để nói đến lòng thương Chúa đi tìm người tội lỗi. Dụ ngôn “người cha nhân từ” cũng một ý đó. Dụ ngôn “người gieo giống”, nói đến niềm hy vọng của Lời Chúa gieo vào lòng đời…

 

Và hai nghìn năm qua, những dụ ngôn này đã trở nên nguồn suối bất tận cho đời sống đạo đức trong Giáo hội.


Tạ ơn Chúa, đã dọn sẵn cho chúng ta một bàn tiệc thiêng liêng bằng các dụ ngôn.

 

Câu nguyện

 

Lạy Chúa, khi trực tiếp dạy bảo các tông đồ, Chúa cho họ thấy họ rất hạnh phúc, vì các tiên tri và người công chính đã mong được nghe Lời Chúa dạy, được thấy việc Chúa làm mà không được. Chúng con hôm nay cũng còn niềm hạnh phúc đó mà chúng con không ngờ, và có khi còn chẳng biết yêu mến để thực hành Lời Chúa.

 

Từ đây, chúng con quyết tâm mở lòng, mở trí, mở cả cuộc đời để lời Chúa hoán cải chúng con. Xin Chúa nâng đỡ sự yếu hèn và dốt nát của chúng con.

 

Lạy Chúa Thánh Linh yêu mến, xin Ngài thắp sáng niềm tin trong con, đốt lửa yêu mến trong con, củng cố niềm hy vọng cho con, để con trở nên người môn đệ đích thực của Chúa Ki-tô. Amen

 

Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP