Thứ 4 Tuần XXXII Thường Niên-C

181 13/11/2019
Thứ 4 Tuần XXXII Thường Niên-C

BIẾT ƠN
Lc 17, 11 - 19
-------------------------------

 

Chúa Giê-su đang đi lên Giê-ru-sa-lem, đây là lần cuối đời của Ngài, Ngài đã nhắc lại một lời và cũng như là một định mệnh của các tiên tri: “không thể nào một tiên tri lại chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem”( Lc13,33). Là tiên tri ai cũng bị giết và bị chết giữa thủ đô tôn giáo, mặc dầu các ngài là người của Thiên Chúa. Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem cách cương quyết và thoải mái không chút ngại ngùng, vì đây là “giờ” mà Ngài chờ đợi từ ngày Ngài rao giảng.

 

Ngài đi qua Samaria, đến một làng quê thì kìa có mười người tật phong tìm tới Ngài và van xin “Lạy Ngài Giê-su, xin thương xót chúng tôi”(Lc 17,13).

 

Luật Mô-sê có những quy định khắt khe đối với những người mắc bệnh hiểm nghèo và dễ lây nhiễm này. Ví dụ họ phải ăn mặc rách rưới, đầu bù tóc rối, che râu và thấy ai từ xa đã phải kêu lên : Ô uế! ô uế!

 

Vì thế những người phong này thấy Chúa Giê-su thì từ xa họ đã dừng lại và kêu xin : “Lạy Thầy Giê-su, xin thương xót chúng tôi”. Tiếng kêu gào van xin của họ ở đây khác nào tiếng kêu gào của cả một nhân loại khổ đau tuyệt vọng. Những tiếng ấy đang được nhắc lại trong kinh sám hối đầu thánh lễ của chúng ta.

 

Phong cùi trong kinh thánh là biểu tượng cho tội lỗi, một sự dữ làm méo mó con người của nhân loại. Vâng tội lỗi đang phá hoại hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người.

 

Vừa thấy họ, Chúa không cần nhiều lời, Chúa muốn cất ngay sự khốn khổ đang đè nặng cuộc sống vô vọng, khổ đau của họ. Và Ngài phán : “hãy đi trình diện với tư tế”(Lc 17,14) . Có nghĩa là : “Các anh được khỏi bệnh rồi hãy đến với tư tế để họ chứng nhận cho các anh được hội nhập lại với cộng đoàn”. Vì điều làm họ đau khổ nhất là mất quyền sống, bị loại ra khỏi cộng đoàn Dân Chúa.

 

Trên đường đi họ được khỏi bệnh. Và một người thấy mình được ơn quá lớn lao, lại không bị luật lệ đòi buộc, vì anh ta là người ngoại giáo đã trở lại tạ ơn Chúa Giê-su và tung hô Thiên Chúa.

 

Đây là một kinh nghiệm thực tế, người ngoại bị người Israel khinh dể, vì là quân vô đạo, lại tỏ ra nhạy cảm và gần gũi với đức tin hơn người có đạo . “Gần Chùa kêu phật là anh” là vậy.


Ta cần xét mình xem có thái độ nào trước mọi ơn lành ta đang được Chúa ban trong suốt cuộc sống mình ?

 

Cầu nguyện:

 

Lạy Chúa Giê-su, chúng con thờ lạy Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, là tình yêu Chúa Cha đi vào lịch sử. Tỏ bày cho chúng con, mở ra cho chúng con suối tình yêu dạt dào vô tận. Chúa nhìn con người với những giá trị vô cùng cao quý. Chúa nhìn đau khổ như kẻ thù phải tiêu diệt. Nhưng Chúa đã chết để tiêu diệt kẻ thù đó. Và Chúa sống lại để đem đến cho chúng con thân phận hạnh phúc cao sang của những người con Thiên Chúa. Giờ phút này con đang ở trước nhan thánh Chúa. Chúa đang tỏ cho chúng con tình yêu vô biên đó. Bí Tích huyền diệu ! đơn sơ, nghèo khó, âm thầm, nhưng đó là tất cả biển trời yêu thương. Chúng con thờ lạy, chúng con tạ ơn, chúng con tin yêu hết tình. Và chúng con muốn dâng hiến tất cả, dù bất xứng để đáp lại tình yêu Chúa.

 

Lạy Chúa, hôm nay một lần nữa Chúa lại cho chúng con thấy hình ảnh một anh em lương dân, một hình ảnh đạo đức tuyệt vời, giữa những người con Chúa đang lưu lạc giữa đời, đang quằn quại giữa bao đau khổ. Một con người bị cùi thân xác bị dày vò, bị xua trừ khỏi xã hội nhưng tâm hồn thì lành mạnh hơn bao tín hữu được ưu tuyển. Đó là người “ Biết Ơn”, là tiếng nói hùng hồn của một linh hồn trong trắng, nhận ra bàn tay Chúa tình thương Chúa trong đời mình.

 

Ước chi con được sự lành mạnh trong trắng ấy để biết ơn ngợi khen Chúa luôn mãi giữa đời con.Vì chính con đang được đón nhận ân huệ Chúa biết bao ! Amen.!

 

Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP