Thứ 3 Tuần IV Mùa Chay - C

NƯỚC CHỮA LÀNH
Ga 5, 1 – 16
----------------------------------
Câu chuyện Chúa chữa lành một bệnh nhân bại liệt đã 38 năm, nằm chờ bên hồ Bết-da-tha là một loan báo Bí Tích Rửa Tội tương lai. Cho nên với chủ đề “Nước chữa lành”, không phải là nước hồ Bêt-da-tha mà nước từ cạnh sườn Chúa bị đâm thâu. Tiên tri Ê-dê-ki-en đã loan báo nước này, qua thị kiến ông thấy. Đó là dòng nước chảy từ bên phải đền thờ Giê-ru-sa-lem chảy ra. Dòng nước vô cùng quý giá chảy ra từ dòng sông làm cho sông đầy sự sống và đầy cá. Hai bên dòng sông đầy những cây ăn trái bốn mùa, lá chữa mọi thứ bệnh.
Đêm vọng Phục sinh mừng Chúa sống lại, phụng vụ biến thị kiến này thành bài ca mừng nước Rửa Tội. “ Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến những ai thì được cứu rỗi và reo lên Al-lê-lui-a”. thị kiến này báo trước dòng nước từ cạnh sườn Chúa bị đâm thâu chảy ra, đồng thời với dòng máu, Thánh Gioan ghi nhận hiện tượng đó là dấu chỉ dòng máu là sự chết của Chúa, dòng nước là Thánh Linh từ Thân Thể Phục sinh của Chúa đem lại cho nhân loại. Nước từ đền thờ chảy ra, vì chính than thể của Chúa là đền thờ mà Chúa nói với người Do thái: “Hãy phá hủy đền thờ này đi, Ta sẽ xây lại trong ba ngày”(Ga 2, 18 – 19).
Trở lại câu chuyện Chúa chữa lành người bại liệt bên hồ Bết-da-tha. Không phải một người bại liệt mà không biết bao nhiêu người đầy bệnh tật khốn khổ chờ đó. Chúa đến đó, Chúa nhằm một người bệnh nhân bại liệt đã 38 năm trời rồi. Đã bại liệt lại còn cô đơn không người giúp đỡ. Tình trạng của anh là một tình trạng một người tuyệt vọng, một người chết. Và Chúa đến là đem sự sống, niềm vui cho anh. Dù biết anh không trả lời là không muốn được chữa lành, nhưng Chúa muốn mọi người nghe rõ lời anh thưa với Chúa: ba mươi tám năm trời chỉ ao ước một điều là lúc nước khuấy động có ai giúp anh xuống kịp thời để được chữa lành, mà không ai giúp. Cô đơn! Người cô đơn là người bất hạnh nhất trên đời!
Bây giờ có Chúa đây rồi, anh không cô đơn nữa, Chúa bảo “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi”(Ga 5, 8 ). Thế là anh khỏi bệnh, không khác nào người từ cõi chết đi vào cõi sống.
Người Ki-tô hữu biết sống với sự hiện diện của Chúa trong đời mình, là người hạnh phúc nhất. Vì thế mà Ngài đã hứa với Giáo hội: “Này đây Thầy sẽ ở lại với anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28, 19a.20b). Đây là sự hiện diện nhiệm màu nhưng rất phong phú và sống động, miễn là biết cách Ngài hiện diện như thế nào và đón nhận Chúa ra sao.
Chúa hiện diện nơi Lời Chúa và trong các Bí Tích thì ta năng đọc năng nghe Lời Chúa, năng chịu các Bí Tích. Chúa hiện diện nơi người nghèo, người bệnh tật, thì ta chăm lo phục vụ họ, cũng là phục vụ Chúa. Chúa hiện diện trong mọi biến cố đời ta, ta cần phó thác mọi sự cho tình yêu Ngài.
Chúa cũng nói với người bại liệt: “Đừng phạm tội nữa kẻo lại phải khốn hơn trước”(Ga 5,14). có thể anh ta rất khó tính và bất mãn, vì không ai giúp mình trong lúc bệnh hoạn, cho nên Chúa khuyên anh hãy hòa nhập với cộng đoàn và vui vẻ với mọi người.
Phần chúng ta, sau một ngày phục vụ các bệnh nhân là hiện thân của Chúa, chúng ta cần nhớ lại xem mình phục vụ Chúa thế nào. Những ai làm công việc khác có biết dâng công khó của mình để cầu cho các bệnh nhân không? Biết làm như vậy là sống mầu nhiệm Chúa ở cùng Giáo hội. Dần dần ta sẽ khám phá ra rằng Chúa vẫn mỉm cười với ta hàng ngày.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giê-su yêu mến! Chúa đã từng nói với các tông đồ: Chúa như chủ đoàn chiên, Chúa đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Hôm nay Chúa đứng trước người bại liệt đã 38 năm, Chúa phán một lời: “Hãy trỗi dậy vác chõng mà đi”(Ga 5,8), là người ấy lấy lại sự sống bình thường. Xin Chúa thương giải tỏa sự chết cho nhân loại này, bằng quyền năng và tình thương của Chúa. Xin cho chúng con trở nên những người đem tình thương Chúa đến mọi người đau khổ bệnh tật chung quanh chúng con.
Lạy Chúa, Chúa đang đồng hành cùng Giáo hội và với mỗi người chúng con. Xin Chúa giúp chúng con luôn nhớ đến Chúa và học hỏi tình yêu Chúa, để thực hành tình yêu đó cho những người chưa biết đến tình yêu đó bao giờ. Amen.
Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan