Thứ 3 Tuần II Mùa Chay-A

107 10/03/2020
Thứ 3 Tuần II Mùa Chay-A
QUYỀN BÍNH VÀ PHỤC VỤ
Mt 23, 1 – 12
--------------------
 
 
Bài tin mừng hôm nay nhắc lại lời giáo huấn của Chúa về sứ mệnh phục vụ trong Giáo hội. những lời giáo huấn này tiếp theo những những cuộc tranh luận nảy lửa giữa Chúa Giê-su với một số phe phái trong đạo Do thái, thuộc Cựu ước, tất cả mọi âm mưu phá hoại công cuộc loan báo Tin mừng của Chúa đều thất bại. Vì Chúa là Ánh Sáng, là Chân Lý, là Tình Yêu, không có sự khôn ngoan nào của con người sánh ví được.
 
 
Bây giờ Chúa đem ra một số nguyên tắc chỉ dẫn cho các tông đồ môn đệ trong sứ mệnh phục vụ Giáo hội tương lai.
 
 
Trước hết Chúa nói đến khuyết điểm của những vị lãnh đạo tôn giáo đương thời, tuy họ là những người nắm giữ giáo lý trong đạo Cựu ước, nhưng lý thuyết thì giỏi mà thực hành lại không có chi. Thành ra họ biến đạo thành một thứ luật lý thuyết, không giúp con người gặp gỡ được Thiên Chúa Tình yêu.
 
 
Ba nhược điểm được Chúa nhấn mạnh ở đây. Một là các biệt phái kinh sư và luật sĩ chỉ biết nói mà không làm. Các tiên tri cảnh cáo họ là những người chỉ thờ Thiên Chúa bằng môi, bằng miệng, mà không có tâm đạo, không có tinh thần tin yêu cho đủ.
 
 
Nhược điểm thứ hai là ưa đặt ra nhiều lề luật để Dân Chúa tuân giữ cách khắt khe nặng nề, như cái ách nặng nề đặt lên cổ con bò kéo. Nhưng chính họ không tuân giữ chút nào cả. Đạo không có tình yêu, không che chở con người nghèo khó.
 
 
Nhược điểm thứ ba là các cấp lãnh đạo biến đạo thành những hình thức bên ngoài để tìm hư danh và quyền lợi. địa vị cho cao, áo dài quá khổ, hộp thẻ kinh Lời Chúa cho lớn vv … để tỏ lòng họ đạo đức. Tất cả chỉ là phù phiếm giả tạo. Đó là cách phá đạo nguy hiểm nhất.
 
 
Như vậy vị kinh sư của Tin mừng phải có một dung mạo biểu lộ Thiên Chúa là cùng đích, là Tình Yêu, là Ánh Sáng Chân Lý, là hạnh phúc đích thực của con người, của mọi người.
 
 
Tư cách của một người môn đệ Chúa, trước tiên là tạo cho mình thành một người anh em của mọi người, con của một Cha chung. Không bao giờ được tự do tự mãn với danh nghĩa lãnh đạo. Chúa đặt một nguyên tắc sống cho họ: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được Chúa nâng lên”(Mt 23, 12)
 
 
Người môn đệ Chúa cũng cần có tâm hồn đơn sơ khiêm tốn. Những danh xưng là cha, là thầy, là tinh thần tôn sư trọng đạo dành cho những người có cấp bậc lãnh đạo trong Giáo hội. Nhưng chính mình người môn đệ chỉ biết có một vị thầy đích thực là Chúa Ki-tô. Một Cha duy nhất Đấng ngự trên trời. Nhưng khi các vị lãnh đạo trong thi hành nhiệm vụ, phải trở nên người thầy gương mẫu là Chúa Ki-tô, phải có một tình yêu nhân từ như Thiên Chúa Cha.
 
 
Hình ảnh thứ ba, người môn đệ phải có, là tinh thần phục vụ trong khiêm tốn. Trước khi đi chịu chết vì tình yêu, Chúa muốn giải thích cái chết của Ngài là hành vi tối hảo của tình yêu khiêm tốn hạ mình. Chúa đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Và Chúa dạy họ phải biết rửa chân cho nhau.
 
 
Cầu nguyện
 
 
Lạy Chúa chúng con cùng nhau sống trong một cộng đoàn, cùng chung lý tưởng yêu thương bác ái, xin Chúa giúp chúng con thực hiện những gì Chúa dạy hôm nay. Nếu không chúng con lại lâm vào đời tu hình thức với lời khấn, với tu phục, với danh xưng này nọ, mà thực chất chỉ có một con tim trống rỗng, một đời tu không hồn. Xin Chúa ban Thần linh thánh hóa để người nâng tâm hồn chúng con lên tới Chúa.
 
 
Lạy Chúa! Chúa yêu thích những tâm hồn khiêm cung để phục vụ mọi người như Chúa đã nêu gương trong bữa tiệc ly. Sau đó Chúa dạy các tông đồ điều răn mới của Chúa: “Chúng con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con” (Ga 15, 12). Xin Chúa cho cộng đoàn chúng con càng ngày càng yêu thương và chân thành phục vụ lẫn nhau. Amen.
 
 
Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
 
 
 
 
 
 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP