Thứ 2 Tuần XXVII Thường Niên-A
146
04/10/2020

AI LÀ ANH EM TÔI
Lc 10,25-37
......................................
Câu hỏi của người luật sĩ cho ta cơ hội đi sâu vào lý tưởng bác ái được thực hiện giữa lòng đời. Và câu chuyện người Sa-ma-ri-ta-nô tốt lành, lại là câu chuyện tuyệt vời về một mẫu người, mà tình yêu tha nhân đã trở thành một nhu cầu tự nhiên như hơi thở cần cho sự sống.
Trở lại câu chuyện khởi đầu của Tin mừng hôm nay, ta thấy người luật sĩ đến hỏi Chúa “Phải làm gì để được sống đời đời”. Đây là một câu hỏi căn bản của cuốc sống hiện tại trên đời này, mặc dầu ai cũng biết cuộc sống này thật vắn vỏi, được kết thúc với cái chết để chấm dứt mọi sự. Chết là luật của sự sống, nhưng mầu nhiệm của sự sống lại có thể làm cho con người vượt qua cái chết, để đi vào một thế giới mới. Đây là niềm tin của Ki-tô giáo: “Tôi tin xác loài người sẽ sống lại, tôi tin cuộc sống đời đời”. Và mầu nhiệm này không ai biết, trừ ra chính Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta qua Đức Giêsu Ki-tô.
Cũng không ai biết được đâu là điều kiện con người phải thực hiện, hầu đạt tới sự sống đó, trừ một mình Chúa Ki-tô. Ông luật sĩ đến với Đức Giê-su để thỉnh cầu sự chỉ dẫn của Ngài thật là đúng chỗ, đúng thời, đúng người, đúng lúc. Vì chính Ngài là tác giả sự sống, đã ban sự sống cho muôn loài, và đặc biệt là con người, đã được Ngài ban sự sống đời đời từ nguyên thủy của ngày sáng tạo.
“Bạn hãy yêu”- câu trả lời không ai có, không ai biết, chỉ có Ngài là tác giả sự sống. Sự sống phát xuất từ tình yêu Ngài. Từ lúc con người được tạo dựng, Chúa đã chia sẻ cho con người tình yêu của Ngài, để con người sống trong tình yêu đó như một ơn gọi, một đặc sủng không tạo vật nào có được. Đã làm người là phải sống cho tình yêu. Sống cho tình yêu là tham dự vào sự sống đời đời của Thiên Chúa. Sống cho tình yêu là đặc điểm của người con của Thiên Chúa tình yêu. Sống cho tình yêu là trở nên anh em với Chúa Ki-tô con cùng một Cha với Ngài. Nhận lấy mọi người là anh em bất kỳ họ là ai, tôn giáo, địa vị nào, tốt hay xấu, đến cả kẻ thù cũng yêu như anh em. Đó là đặc điểm tình yêu Ki-tô giáo.
Khi ông luật sĩ đặt thêm cho Chúa một câu hỏi nữa : “Ai là anh em tôi ?” Chúa thấy không cần hỏi nữa mà đi vào thực hành : Tôi phải làm gì để trở nên anh em, hay nói cách khác, tôi phải yêu như thế nào ? Yêu bằng tư tưởng hay yêu bằng hành động ? Nếu yêu bằng tư tưởng thì chỉ nói mà không làm để chứng tỏ tình yêu.
Chúa đem trường hợp của một người Sa-ma-ri ngoại giáo để cho thấy đặc điểm của tình yêu. Một nạn nhân người Do Thái, bị cướp đánh trọng thương trên đường, quần áo, hành trang bị tước đoạt hết. Hai vị quan chức đền thờ đi qua, họ biết người đó là anh em mình như đạo dạy, nhưng họ có thèm giúp đỡ đâu. Biết ai là anh em cũng vô ích thôi!
Trái lại, một người Sa-ma-ri ngoại giáo, vừa đến đó anh không cần đặt câu hỏi người đó là ai. Chỉ cần biết đó là nạn nhân cần thương giúp, anh đã xuống ngựa, săn sóc tận tình và đem vào quán trọ gửi gắm thật bảo đảm cho nạn nhân. Thật tuyệt vời! người anh em này quả là bậc thánh vì đã biết yêu. Chính anh dẫn đầu các vị thánh bác ái, vì đã trở nên anh em với mọi người. Ông luật sĩ công nhận anh mới là người anh em của nạn nhân, trong khi hai người Do Thái chính danh lại là người xa lạ với nạn nhân, mà lẽ ra họ phải giúp đỡ.
Bác ái có thực hành mới có giá trị.
Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội đúng với danh nghĩa của mình, là phải lên đường đi tìm phục vụ những người đang cần đến tình thương. Mẹ Tê-rê-sa Cal,cuýt-ta ngày ngày đem các chị em trong dòng đi tìm người sắp chết đói, người bệnh tật bị bỏ rơi đem về chăm sóc. Có người chỉ kịp nhìn mẹ cười như lời cảm ơn cuối cùng và tắt thở. Mẹ là vị thánh lớn của thời đại ,với những việc bác ái cụ thể, và những dấu chỉ của Thiên Chúa luôn chứng giám việc mẹ làm. Toàn dân Ấn tán dương ngài, coi ngài như người mẹ của họ. Thế giới ngưỡng mộ dành cho mẹ những cuốn phim, những phóng sự nói lên lòng bác ái quảng đại của mẹ. Tất cả cho ta thấy, ảnh hưởng của những khuôn mặt bác ái luôn dễ dàng chiếm lấy lòng người.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa là tình yêu, Chúa chỉ mong cho con người mang hình ảnh Chúa biết sống tình yêu của Chúa. Xin giúp chúng con yêu mến cuộc đời chỉ muốn đem tình thương đến cho mọi người.
Lạy Chúa, Chúa đã dẫn con đi con đường bác ái, để xoa dịu bao viết thương đau của nhân loại. Dù chỉ những hành động bé nhỏ, tầm thường Chúa cũng hứa sẽ ghi công đời đời. Xin Chúa cho con tin tưởng vượt mọi khó khăn để thực hiện lý tưởng Chúa trao phó cho chúng con. Amen
Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan