THANH LỌC

47 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. 48 Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. 49 Đến ngày tận thế cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, 50 rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 51 Các ngươi có hiểu những điều đó không?" Họ thưa: "Có".
52 Người liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái cũ, mới trong kho mình". 53 Khi Chúa Giêsu phán các dụ ngôn đó xong, thì Người rời khỏi nơi ấy.
(Nguồn: Ủy ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
A- Phân tích (Hạt giống...)
Dụ ngôn này nói về sự thanh lọc người tốt và kẻ xấu, để cho vào Nước Trời hay loại bỏ ra ngoài.
Trong dụ ngôn có 3 sự so sánh:
a/ Thế gian (như biển cả) là nơi người tốt và kẻ xấu lẫn lộn nhau.
b/ Người tốt và kẻ xấu (như cá tốt và cá xấu - nghĩa là cá ăn được và cá không ăn được).
c/ Sự thanh lọc (như lựa cá).
Điều đáng chú ý là chính Thiên Chúa ấn định thời điểm thanh lọc vì chính Thiên Chúa ấn định lúc nào kéo lưới lên. Một chi tiết nữa đáng lưu ý là: sau khi Ngài thanh lọc thì chỉ còn hai hạng người dứt khoát. Hoặc là người tốt, hoặc là người xấu, không có hạng người lừng khừng đứng giữa.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. “Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá.” Thay vì bực tức và khó chịu vì có những người xấu ở trong Giáo Hội và cộng đoàn của mình, sao tôi không nghĩ đến tình thương của Chúa khi Ngài khoan dung cho những người xấu ấy vào Giáo Hội và cộng đoàn để có cơ hội hoán cải họ?
2. Trong chiếc lưới có cả cá tốt và cá xấu. Trong Giáo Hội có người tốt lẫn người xấu. Chúa khoan dung để như thế vì Ngài muốn cho kẻ xấu có thời giờ hoán cải thành người tốt.
3. Thân phận của Giáo Hội dưới thế cũng giống như những thân phận của mỗi con người: có tốt và có xấu lẫn lộn. Đừng lên án Giáo Hội, đừng lên án ai cả. Cũng đừng bực tức và bất mãn với Giáo Hội hay với bản thân mình. Thái độ phải có là khiêm tốn nhìn nhận thực tế và kiên trì sửa đổi để ngày một nên tốt hơn.
4. Một bác sĩ nọ tìm đến với một vị Giám Mục và tuyên bố:
“Con đến cho Đức Cha hay con muốn ra khỏi Giáo Hội. Đức Cha nghĩ sao?”
Vị Giám Mục xin ông cho biết lý do.
Ông nói: “Đức Cha nghĩ coi: Giáo Hội có mặt trên trần gian này gần 2000 năm rồi, thế mà con người có khá hơn không?”.
Vị Giám Mục bình tĩnh trả lời: “Bác sĩ nói chí lý. Nhưng Bác sĩ cũng hãy nghĩ coi: nước đã xuất hiện trên mặt đất này bao nhiêu triệu năm rồi. Vậy mà sao ngày nào Bác sĩ cũng như tôi cũng phải đều rửa tay?”
Nghe thế, vị Bác sĩ thinh lặng ra về, không còn nghĩ tới chuyện rời bỏ Giáo Hội nữa. (Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
(Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
http://tonggiaophansaigon.com/suy-niem/20150729/31564