Thánh Lễ Tạ Ơn Bế Mạc Tổng Tu Nghị Lần Thứ II

Ở LẠI ĐỂ ĐƯỢC SAI ĐI
Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật.OP
---------------------------------
Bước vào phòng họp Tổng Tu Nghị lần II của Tu Đoàn Anh Em Bác Ái Xã Hội, cảm tưởng đầu tiên là khung cảnh thật khang trang, rộng rãi. So với Tổng Tu Nghị đầu tiện tại Tân Hà cách đây 4 năm, nơi họp khi ấy chỉ là một căn phòng nhỏ, các đại biểu phải ngồi chen chúc nhau trong bầu khí nóng nực của những ngày hè, thì lần này, nơi họp là căn phòng rộng rãi, thoáng mát, có máy lạnh. Tự nhiên, mỗi người đều cảm thấy dễ chịu, không chút mệt mỏi.
Cảm tưởng này được cũng cố thêm khi thăm cơ sở của Tu đoàn. Kể từ khi kết thúc Tổng Hội lần trước, trong vòng 4 năm, Tu Đoàn đã có một cơ sở khang trang, đủ chỗ ở và làm việc cho các anh em cũng như Ban Điều Hành. Nhất là, cơ sở này nằm ngay trên quốc lộ 1A với ngôi nhà nguyện nổi bật trên bầu trời gây nhiều ngạc nhiên và thích thú cho khách qua đường. Rất nhiều đoàn hành hương đã dừng chân tại đây để nghỉ ngơi, thăm viếng, cầu nguyện bên tượng Đức Mẹ mang dáng hình Đức Mẹ tại Tapao.
Chủ đề chính của Tổng Hội lần này là “Ở lại để được sai đi”, một đề tài thật thích hợp với một Tu Đoàn có lý tưởng là truyền giáo.
Ở lại…
Khi đến trần gian để loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu biết rằng công việc này là một công trình lâu dài, và không thể hoàn tất trong một quãng thời gian. Ơn cứu độ phải được loan báo cho con người mọi thời, cho đến ngày tận thế, nên cần phải có nhiều người tiếp tay.
Ngay từ những ngày đầu, Đức Giêsu đã gọi những “kẻ Người muốn” và lập Nhóm Mười Hai để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng với quyền trừ quỷ (x. Mc 3,14).
Trước khi được sai đi, các môn đệ phải trải qua một giai đoạn rất quan trọng và cần thiết là “ở với Chúa Giêsu”. Tại sao thế?
Đầu tiên, ở với Chúa Giêsu để được dạy dỗ, bảo ban. Tin Mừng cho biết là Đức Giêsu dạy các ông nhiều điều, nhưng không cho biết nội dung các bài học này như thế nào. Người ta có thể hình dung ra các lớp học này nếu như tìm hiểu cách huấn luyện của các vị thầy thời xưa.
Có lẽ đã chẳng phải là những bài học lý thuyết với những tìm hiểu, nghiên cứu, nhưng là lối sống, tâm tình và cách xử lý các vấn đề.
Các môn đệ ở với Đức Giêsu để thấm nhuần tinh thần của Đức Giêsu. Quả vậy, ở bên cạnh Đức Giêsu, các ông thấy Đức Giêsu sống đời cầu nguyện như thế nào. Các ông thấy rõ, Đức Giêsu không sống cho bản thân mình, không làm theo ý riêng của mình nhưng luôn là tìm và làm theo thánh ý Chúa Cha.
Ở với Đức Giêsu, các môn đệ học được bài học về lòng khoan dung và thương xót của Đấng đã đưa ra lời mời gọi. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng nhân hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng, vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 28-30).
Ở với Đức Giêsu, các ông học cách để trở nên bạn hữu của Người bằng cách yêu thương nhau, ở lại trong tình thương của Người, nghe được những điều sâu xa (x. Ga 15, 9-15). Chính khi ở với Đức Giêsu, các môn đệ học được bài học phải luôn tin tưởng vào tình thương của Người cùng như sự quan phòng đầy khôn ngoan của Người. Ở với Đức Giêsu, các ông có tất cả và có thể làm mọi sự (x. Lc 12, 22-32).
Sau nữa, ở với Đức Giêsu, các ông biết hướng cuộc đời mình vào cuộc sống mai sau, cuộc sống vĩnh cửu chứ không chỉ gắn bó với những thực tại mau qua của trần gian, và phải sẵn sàng từ bỏ và chịu đau khổ (x. Mt 19, 27-29).
Tuy thế, như chúng ta thấy, dù đã được ở với Đức Giêsu, đã sống bên cạnh Người, các môn đệ cũng không dễ hấp thụ được các bài học cũng như tâm tình của Đức Giêsu. Các ông vẫn muốn tranh giành chỗ nhất (x. Mt 20, 20-23), vẫn khó có thể thấm nhuần tinh thần phục vụ (x. Mt 20, 24-29) và chẳng bỏ được thói hung hăng của mình, như ông Gioan đã xin Đức Giêsu sai lửa từ trời xuống trên đám dân không đón tiếp Đức Giêsu và các môn đệ.
Bài học thì rất nhiều nhưng không dễ hiểu, không dễ học và nhất là, không dễ thực hành.
…Để được sai đi
Lúc còn bé, đi lễ ở nhà thờ, vào ngày thứ 5 cầu nguyện cho ơn gọi, bài hát “Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán: Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt…” được hát lên cách say sưa, hào hứng, nhưng ý nghĩa của bài hát thì chẳng hiểu mấy. Lớn thêm chút nữa, cũng chưa hiểu được tại sao lại phải xin “Chúa hãy ban nhiều thợ biết nhiệt thành…”. Cứ nghĩ rằng ai muốn thì đi, ai có sức, có thể chịu nổi vất vả thì đi, vậy thôi.
Dần dà, qua nhiều học hỏi mới hiểu được cần phải cầu xin để Chúa sai các thợ gặt đi.
- Trước tiên, mỗi Kitô hữu, nhất là những người dấn mình vào công việc Tông đồ, sẽ phải luôn ghi nhớ và suy niệm lời của Đức Giêsu: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì Người ban cho anh em” (Ga 15, 16).
- Được sai đi: ý thức này giúp mỗi người luôn nhớ rằng chính Chúa là chủ của mùa gặt, chính Chúa là Đấng Cứu Độ và sai các cộng tác viên đi loan báo Tin Mừng cứu độ. Ý thức này làm cho mỗi người nhớ rằng Chúa luôn quan tâm đến công việc của Người và sẽ chẳng khi nào bỏ rơi những ai đã được mời gọi cộng tác vào sứ mạng cao quý này. Một bên, người được sai đi phải khiêm tốn dựa vào quyền năng và tình thương vô biên của Chúa. Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ không được mang theo túi tiền, bao bị, giày dép (x. Lc 10, 4), tức là đừng trông chờ vào những trợ giúp của loài người, đừng quá cậy dựa vào khả năng của mình, trái lại, phải luôn tin cậy vào sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa, Đấng sai mình đi. Mặt khác, người được sai đi cũng nhận ra vinh dự của mình là được Chúa mời cộng tác vào công trình cao cả và quý trọng này. Khả năng của mình không bao nhiêu, tài trí của mình chẳng đáng là gì, thế mà Chúa vẫn tin cậy, vẫn sử dụng để nhiều người được nghe Tin Mừng cứu độ. Chúa tin mình còn hơn mình tin Chúa!
- Được sai đi: ý thức này giúp mỗi người mạnh dạn ra đi, dù biết rằng mình được sai đi “như chiên con đi vào giữa bầy sói” (Lc 10, 3). Khó khăn, gian khổ chắc chắn là nhiều, rất nhiều, nhưng mỗi người đều biết rằng mình là sứ giả của Chúa thì không có gì làm mình lo sợ, và mình phải đi theo con đường của Chúa. Chính Chúa đã đi con đường ấy, đã đi đến cùng và đã chiến thắng, thì đến lượt mình, cũng phải đi con đường ấy, không có con đường nào khác. Chỉ cần ghi nhớ một điều, Chúa đã chiến thắng, thì trong Chúa, sứ giả của Chúa cũng chiến thắng.
- Được sai đi: sứ mệnh không ngơi nghỉ. Sứ mệnh mà Đức Giêsu trao lại cho các tông đồ là “làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ…” (Mt 28, 19), tức là không phải chỉ cho con người đang sống, con người của thời đại hôm nay, mà cho tất cả mọi người, cả những người đang sống hôm nay cũng như những người sẽ đến trong tương lai. Sứ mệnh này sẽ chẳng bao giờ kết thúc, hay đúng hơn, chỉ kết thúc vào ngày Chúa trở lại. Do đó, người được sai đi không thể bảo rằng mình đã hoàn thành sứ mệnh mà thôi không thi hành nhiệm vụ đã được trao.
Có chăng người môn đệ cũng có thể áp dụng chút nghỉ ngơi, ở lại bên Chúa (x. Mc 6, 31) để lấy lại sức lực mà tiếp tục lên đường. Thật ra, cuộc đời người môn đệ, người được sai đi, luôn là tiến trình năng động giữa ở lại để được sai đi, được sai đi và ở lại. Mỗi người cần phải sống tiến trình này như một sự căng thẳng, một sự căng thẳng đầy sinh động.
Trở lại với Tổng Tu Nghị. Nét đẹp của đời tu là được sai đi. Không ai tự xưng mình là bề trên hoặc bất cứ chức vụ nào. Muốn có, cần phải được bầu cử, và như vậy là được sai đi.
Từ đó, những người đã được cắt cử vào công tác lãnh đạo sẽ xem xét và bổ nhiệm các cá nhân vào một nơi chốn hay một công việc nào đó. Không ai tìm ích lợi cho mình, nhưng luôn là vì ích lợi chung, vì sứ mệnh của Tu Đoàn.
Do đó, sức mạnh của Tu Đoàn là dám sai phái lẫn nhau. Khi nào người ta từ chối sai phái người khác và đón nhận sự sai phái, lúc ấy đời tu sẽ khô cằn, ẻo uột.
Tân Nghĩa, ngày 30 tháng 8 năm 2019