Thánh Lễ Giỗ Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan Lần Thứ III
LỄ GIỖ ĐỨC CHA PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN
Lúc 06 giờ 00, ngày 18 tháng 08 năm 2017, anh chị em trong Tu Đoàn trở về với ngôi Nguyện Đường Bát Phút để dâng lễ cầu nguyện cho Đức Cố Giám Mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan nhân ngày giỗ lần thứ 3 của ngài.
Chủ tế thánh lễ là cha Inhaxiô Trần Ngà; cùng đồng tế ngài có cha Giuse Võ Công Tiến, Tổng Đại Diện giáo phận Bà Rịa; cha Phaolô Hồ Phi Chỉnh, Tổng Phụ Trach Tu Đoàn Nam cùng quý cha trong Tu Đoan và quý cha Linh Tông Huyết Tộc, và quý anh chị em cựu học sinh trướng Đắc Lộ.
Trong lời mở đầu thánh lễ, cha chủ tế đã mời gọi anh chị em cầu nguyện và nhớ lại cung cách sống đầy lòng bao dung và yêu thương của Đức Cha Phaolô.
Trong bài giảng lễ, Cha Giuse Võ Công Tiến, Tổng Đại Diện giáo phận Bà Rịa và cũng là người con của Đức Cha Phaolô chia sẻ những tâm tình với người Bố kính yêu của mình:
BẮC MỘT NHỊP CẦU
Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ,
Tất cả chúng ta hôm nay, không hẹn mà gặp, làm nên một cộng đoàn phụng vụ hết sức đặc biệt, dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Đức cha Phaolô nhân ngày Giỗ lần thứ ba của ngài.
Hiệp dâng Thánh lễ hôm nay có các bậc trưởng thượng mà tôi thưa gửi là Cha chú, cha anh, cha giáo; có các cha em, cha cháu, với hàng trăm anh chị em là các thành viên trong hai Tu đoàn nam, nữ Bác Ái Xã Hội; rồi rất đông anh chị em tín hữu là thân tộc, linh tộc của Đức cha; có nhiều anh chị em vốn là cô nhi được Đức cha nuôi dưỡng ngày xưa …vv… Ai cũng có mối tương quan nghĩa thiết với đức cha.
Vâng lời cha chú, cha anh để chia sẻ Lời chúa hôm nay, “ Mi, Con Của Bố”, ( Tôi xin chọn câu mắng của Bố ngày xưa làm danh xưng của mình trong Thánh lễ này) xin lặp lại ở đây một số tâm niệm đã trở thành cuộc đời của Bố, cuộc đời của một con người luôn nỗ lực trở nên đồng hình đồng dạng với Thầy Chí Thánh. Tạm chọn chủ đề của bài chia sẻ là “ Từ bỏ triệt để theo gương Thầy Chí Thánh để phục vụ vô vị lợi”. … Nghe rất quen, đúng không? Xin mời mọi người cùng hình dung lại cuộc đời của bố với những chia sẻ này.
GÓP NHẶT ( những suy tư tâm huyết của Bố)
Ngôi Lời đã trở thành xác phàm - Để cứu độ nhân loại Thiên Chúa mặc lấy sự yếu đuối.
Trước hết, Chúng ta hãy đọc lại bài Thánh Thi tuyệt diệu này:
“ Đức Giêsu Kitô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.”
Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ qua con đường mặc lấy sự yếu đuối. Một Thiên Chúa Vô hạn đã mặc lấy sự hữu hạn… Một Thiên Chúa thuần thiêng mặc lấy xác phàm… một Thiên Chúa hằng sống mặc lấy thân phận hữu sinh hữu tử….
Đấng đã tạo thành nên thế giới, Đành mang thân phận kẻ tôi đòi, Một mai cứu khỏi vòng hư hoại, Con người hèn mọn ấy chúng tôi. …………………………………….
Khi Mẹ đặt nằm xuống nắm rơm, Máng cỏ làm nôi cũng chẳng buồn, Chim trời cá nước Người nuôi sống, Giờ đây chút sữa đã là ngon.
A. Nơi mầu nhiệm Nhập Thể:
- Thiên Chúa thì cao sang vô tận, đến mang thân phận con người chỉ là xác đất vật hèn, mong manh như hoa cỏ ngoài đồng.
- Thiên Chúa thì quyền năng vô biên, người phàm thì yếu đuối bất lực. Một đứa đầy tớ cũng có thể vả mặt Ngài và dạy đời cho Ngài.
Ngài tự do tuyệt đối, nhưng đi vào đời, Ngài bị lệ thuộc hoàn toàn.
Chẳng những cuộc đời Ngài lệ thuộc vào điều kiện con người, vào điều kiện tự nhiên, mà còn vào quyền bính thế gian, vào nhân tình thế thái.
Cho nên, Ngài cũng đói khát, đau khổ, ưu sầu, làm ơn mắc oán, Ngài cũng khóc như ai!
Philatô thì có thể nói với Ngài: “Ông không biết tôi có quyền tha và cũng có quyền xử tử ông sao?” (Ga 19,10).
Ngài vốn là Ánh Sáng, là sự Khôn Ngoan vô tận của Thiên Chúa, nhưng Ngài chấp nhận để cho người đời khinh khi nhạo báng, coi Ngài như đồ điên đồ dại, là quỷ con. Ánh sáng đã bị bóng tối tiêu diệt nơi con người Giêsu chăng?
Ngài là Đấng Vĩnh Hằng, Ngài thống trị lịch sử, là Alpha và Omega, nhưng khi làm người, Ngài cũng đành chịu không biết việc tận thế đến vào ngày giờ nào.
Vua vũ trụ Đồng hóa mình với những người bần hàn cơ khổ, bất hạnh…
Sự từ bỏ này không phải là nhỏ: Khi cái chết đến biến Ngài từ một Đấng Vĩnh Hằng thành con người có sinh có tử, mong manh, vắn vỏi, phù du.
Thánh Gioan đã tóm kết thật hay: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14 ). Hai chữ “người phàm” của thánh Gioan mang nặng nghĩa đời. Ngài sẽ tát cạn biển đời khổ ải đó trong “tình yêu cho đến cùng” (Ga 13,1), trong tình yêu lớn lao nhất (Ga 15,13). Vâng, quy luật tình yêu là mặc lấy sự yếu đuối trước người mình yêu rằng mình tùy thuộc vào người ấy.
“Đi đâu cho thiếp đi cùng,
đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp mang.”
“Yêu nhau trăm sự chẳng nề,
một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”
“Mình với ta tuy hai mà một.
Ta với mình tuy một mà hai”.
Để con người được ở với Chúa, Chúa đã đền ở với con người.
B. Cuộc Thương Khó và Tử Nạn:
Hành trình mặc lấy sự yếu đuối chính là sự từ bỏ và sự từ bỏ khủng khiếp của Chúa Giêsu đạt đến đỉnh điểm nơi cái chết của Ngài trên thập giá.
Nhưng truớc cái chết ấy, Ngài còn thực hiện một sự từ bỏ gương mẫu cho những người thân thương gần gũi với Mình.
Rồi đây, Ngài sẽ trả lại Thần Khí Ngài cho Chúa Cha.
Sự nghiệp cứu nhân độ thế của Ngài như nửa đường đứt gánh và Ngài phải nhờ đến các môn đệ yếu đuối, tầm thường giúp đỡ để hoàn thành.
Trước mặt người đời, những người chài lưới xứ Galilêa đáng là gì so với các bậc văn nhân tiến sĩ Do Thái?! Nhưng Ngài nhận lấy họ làm bạn hữu: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng thầy gọi anh em là bạn hữu…” (Ga 15,15).
Ngài còn từ bỏ địa vị ông chủ để cởi áo, cởi dép quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ bất lực này (Ga 13,4-11). Sự từ bỏ này loan báo những từ bỏ cuối cùng lớn lao vĩ đại của Ngài. Đó là cuộc thương khó, là sự mất mát vô cùng to lớn đối với Ngài.
Sự phản bội của Phêrô không làm Ngài ngạc nhiên, nhưng nỗi cô đơn của Ngài lúc đó quá ư sâu thẳm, quá ư bi thảm như tiếng kêu mà thánh sử Marcô còn ghi lại: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc15,34 ).
Như thế là cuộc thương khó của Ngài đã đưa sự từ bỏ đến chỗ cùng kiệt khủng khiếp. Đến độ cái chết ấy tựa như:
“Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi, thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai” ( Tv22, 7-8).
Quyền hành sự sống trên thân xác mình, Ngài trao ban cho thù địch.
Sự sống thần thiêng của Ngài, Ngài trao lại cho Chúa Cha.
Bạn hữu thân tình, Ngài chịu mất hết.
Mẹ Ngài, Ngài trao lại cho môn đệ dấu yêu.
Quần áo mình, Ngài trao cho lý hình.
Quyền xét xử mà Cha đã trao cho Ngài (Ga 5,22) Ngài cũng từ bỏ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Những giọt máu và nước cuối cùng cũng rời bỏ trái tim Ngài, trái tim phừng phực lửa trời, những giọt nước và máu ấy chảy ra cho đến cạn kiệt để làm biểu chứng cho tình yêu đến cùng.
Sự từ bỏ đã lên đến đỉnh điểm, tình yêu đã yêu cho đến cùng, quà tặng quý giá nhất là chính bản thân Ngài mà với tình yêu khôn tả, Thiên Chúa muốn ban tặng cho con người (Ga 3,16) Ngài đã tận tay trao. Ngài đã có thể nói: “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30).
C. Nơi mầu nhiệm Phục sinh.
Hoàn tất nhưng không phải là kết thúc. Bởi lẽ, từ trái tim rộng mở ấy, từ những giọt máu và nước ấy đã khơi nguồn cho một sự sống mới khôn lường. Vâng chính trong cái đỉnh điểm của từ bỏ của yêu thương đến cùng ấy mà bí tích Thánh Thể được thiết lập. Tấm thân “hữu thân hữu khổ” giờ đây biến thành bánh, thành lương thực thần thiêng cho con người: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Thầy hy sinh vì anh em” (Mc 14,23).
Thánh Thể là sự từ bỏ tột cùng, là tình yêu tột cùng được kéo dài miên viễn bao lâu Thánh lễ vẫn còn được cử hành. Ngài, Đấng Phục Sinh, vẫn hiện diện ở đó, không phải trong tư thế một vị vua đắc thắng, nhưng trong hình thức của một sự yếu đuối khôn lường: một tấm bánh đơn sơ, sự hiện diện của một vị Thiên Chúa yêu thương đến độ trở nên thật bé nhỏ, một Thiên Chúa chấp nhận bị tước đoạt hoàn toàn, không chức vụ, không độc đoán, không tham vọng áp đặt con người, một dâng hiến trọn vẹn, triệt để, vô cùng, vĩnh viễn… chỉ để mưu cầu hạnh phúc tối hảo cho con người: “Tôi là Bánh Trường Sinh… Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,48-57).
Môn đệ của Đức Kitô là người ẵm nhận những lời mời gọi này:
- “Hãy học cùng ta, vì ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng" (Mt 11,29b)
- “ Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”
Vâng Vị Mục Tử kiểu mẫu ấy, Chúa Kitô tử nạn của chúng ta, với tinh thần từ bỏ tuyệt đối đang mời gọi chúng ta, vì sự nghiệp cứu độ, sống tinh thần từ bỏ, chỉ khi ấy ơn gọi làm mục tử, ơn gọi yêu thương phục vụ mới phát sinh hoa trái là đem điều thiện hảo đến cho đoàn chiên.
Ước gì lời Kinh Thánh này cũng ứng nghiệm nơi chúng ta, là một Kitô Thứ Hai: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một (…), để ai tin vào Con của Người (…) thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Xin Chúa làm cho cuộc đời chúng ta nên khả tín qua việc ban ơn giúp chúng ta sống tinh thần từ bỏ như Con của Ngài.
ĐỂ KẾT
Kính thưa cộng đoàn,
“ Mi, Con Của Bố” trộm nghĩ rằng, nếu thiên đàng là nơi Đức kitô ở, và nếu vào thiên đàng là ở với Đức Kitô như lời mời gọi cũng như lời cầu nguyện Ngài dành cho những ai thuộc về Mình, thì bố của mình đã vào lâu rồi. “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (Ga 17,24).
Bởi ít nhất, thì qua cuộc đời của mình, Bố cũng đã chứng tỏ Bố đã ở với Đức kitô trong mọi hình thức mà Thầy Chí Thánh đã, đang và sẽ ở nơi trần gian mãi cho đến ngày tận thế. Amen
Cuối thánh lễ, quý cha và cộng đoàn về bên phần mộ của Đức Cha Cố Phaolô niệm hương tưởng nhớ và cầu nguyện cho ngài.
vanphongtudoan