1. Trang Chủ
  2. Tin Tu Đoàn
  3. Bản Tin Thường Ngày
  4. Sứ Vụ Bác Ái Từ Góc Nhìn Lao Động

Sứ Vụ Bác Ái Từ Góc Nhìn Lao Động

120 02/05/2017
Sứ Vụ Bác Ái Từ Góc Nhìn Lao Động

SỨ VỤ BÁC ÁI

TỪ GÓC NHÌN LAO ĐỘNG

 

Mồng 01 tháng 05, ngày của những giá trị tinh thần: thế giới tôn vinh những điều cao đẹp từ lao động của con người; Giáo hội kính nhớ thánh Giuse, người đã “mòn vai” âm thầm gánh vác công việc trong niềm sốt mến, để nuôi sống Đức Maria và Chúa Giêsu. Ngày đầu tháng 5, cộng đoàn Giuse Thợ, thuộc Tu Đoàn Anh Em Bác Ái Xã Hội, cũng hòa chung niềm vui với Giáo hội mừng kính Thánh Giuse Thợ, bổn mạng của cộng đoàn.

 

 

Xem Hình

 

Với những ý nghĩa đặc biệt sâu xa đến vậy, ngày mồng 1 tháng 5 như là một khoảng thời gian ân sủng, đặt mọi anh em trong Tu Đoàn trong tâm thế tìm về với suối nguồn đặc sủng thuở ban đầu, để suy tư và hành động cho một sứ vụ bác ái trong chiều kích lao động thường nhật.

 

1. Nếu có dịp đọc lại những điều căn cốt tâm huyết của Đấng Sáng Lập trong bài “ Lý Tưởng và Hoạt Động Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội”; hay như xem lại những tấm hình gợi lên dấu ấn thời gian lưu lại những hoạt động và công việc trên đồng ruộng của những anh em xây dựng lý tưởng bác ái “ngày ấy”, chúng ta sẽ không khỏi thẫn thờ với “cơ đồ” đầy “tính bí tích” của Tu Đoàn ngày nay.

 

 

Khởi đi từ sứ vụ bác ái trong lao động, anh em đã làm nên một dòng chảy lịch sử thật ấn tượng. Dòng chảy lịch sử đầy ấn tượng ấy mang những dưỡng chất phù sa từ những cơn mưa trên miềm thượng nguồi là tình yêu Chúa Kitô. Bởi rằng, sự “mùn ngọt phù sa” ấy đã lấp đầy tâm hồn của Đấng Sáng Lập, và rồi, ngài không thể từ chối lòng mình khi viết lên những dòng “lý tưởng” mang tính “linh niệm” để khơi mào niềm hạnh phúc cho những tâm hồn khát khao tìm kiếm điều thiện hảo. Ngài viết rằng: “Tu đoàn Bác Ái Xã Hội chọn tình yêu Chúa Kitô làm lý tưởng cuộc sống tu trì và hành động. Đây là một lý tưởng chủ đạo hướng dẫn nếp sống tinh thần và thể chất của Tu đoàn…Vì thế, Tu đoàn Bác Ái Xã Hội quan niệm đời tu là một cuộc thánh hóa nhiệm mầu bằng tình yêu, và đồng thời là sứ mệnh đem con người về với tình yêu như Chúa Kitô đã thực hiện nơi cuộc đời của Ngài …” Bởi thế, từ cái thuở ban đầu, anh em đã “nghẹn ngào ra đi gieo giống”, đã “ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo”. Và một cách nào đó đến giờ này, “lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng”. (Tv 126)

 

2. Đời sống lao động như là một ân huệ được mời gọi nên thánh trong chiều kích bác ái. Trong các sách Tin Mừng, chúng ta có cảm tưởng như các thánh sự đã quên mất thánh Giuse, may chăng lắm một vài chỗ nhắc tới ngài khi người ta bàn tán về Đức Giêsu: con ông Giuse, người làng Nazareth, làm nghề thợ mộc… Chỉ thế thôi, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu rằng thánh Giuse, cha nuôi Đức Giêssu, làm một nghề rất đỗi bình bị, và ngài phải vất vả để kiếm “miếng cơm manh áo” cho Giêsu, kiếm thêm “đồng ra đồng vào” cho Mẹ Maria mỗi lần chợ búa. Nhưng điều quan trọng là Giuse đã âm thầm làm việc với tinh thần cầu nguyện và sốt mến. Ngài thánh hóa công việc vất vả hằng ngày bằng những hy sinh và trách nhiệm, để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình nhỏ của mình. Thánh Giuse đã đón nhận “ơn làm việc” bằng một thái độ tin tưởng làm theo thánh ý của Thiên Chúa. Trong mọi giây phút sống, ngài “ thanh tịnh tâm hồn” để lắng nghe và “đọc” ra thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc đời. Cái cảm thức của chỉ số “thông minh” về thế giới “thần nhiệm” ở nơi ngài thật đáng kính phục. Và như thế, ngài luôn tin tưởng và làm việc với ý thức cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện. 

 

 

Từ gương mẫu “nói ít mà làm nhiều” của Thánh Giuse, thiết nghĩ chúng ta cũng nên soi mình vào gương mẫu ấy trong lý tưởng “yêu thương và phục vụ”. Trong đời sống tu trì từ góc nhìn lao động, anh em Tu Đoàn Bác Ái không ngừng sáng tạo đời mình trong từng sáng kiến của công việc hằng ngày. Từ một mảnh đất đầy nắng và gió, cát và bụi, hoang vắng đến cô liêu, tọa lạc bên triền núi ngắt quãng cuối cùng của dãy Trường Sơn; nay đã trở thành một cộng đoàn đầy tính năng động trong đời thánh hiến. Ở nơi đây, người ta hay gọi là trang trại heo, trang trại bò của Tu đoàn. Đúng vậy! Chất trang trại đã ăn vào nếp sinh hoạt tu trì của anh em, và thành “lối mòn” trong cách gọi của những người dân xung quanh. Nếu có dịp ghé thăm, du khách sẽ không khỏi “trầm trồ” trước những vườn cỏ xanh mướt, những hàng cây xà cừ như muốn hút hồn du khách, và đặc biệt là khu vườn Thanh Long “ngon” đến ngất ngây.

 

 

Ở nơi đây, đời sống tu trì của anh em hòa mình vơi thiên nhiên, từ loài vật đến con người gần gũi đến lạ thường. Cái nắng, cái gió đã cùng anh em “vui đùa” trên trang trại, làm cho con người anh em cũng trở nên “hồn nhiên” hơn với nước da ngăm đen, nhìn cũng thánh thiện lắm! Đời sống anh em cứ âm thầm lặng lẽ qua những hy sinh thường ngày như thế. Qua những công việc lao động như những người nông dân bình thường trên nông trại, anh em thánh hóa đời mình trong lao động, để kiếm tìm của ăn nuôi sống hằng ngày, và góp phần vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

 

Tắt một lời, sứ vụ bác ái với hết mọi loài, với tất cả mọi người, nhất là những người nghèo đã được anh em Tu Đoàn chuyển hóa thành một ân sủng nên thánh trong đời sống lao động thường ngày. Đời sống lao động như là một hành trình huấn luyên nhân cách và sự trưởng thành toàn diện về đời sống thánh hiến của anh em. Ở nơi cộng đoàn đầy tính năng động, anh em đi tìm kiếm sự thánh thiện của Thiên Chúa trong âm thầm, vất vả,  tươi  vui trong lao động. Và cũng có lúc, anh em phải vật lộn với chính mình, để tìm cho được nguồn hứng khởi ấy, như nhà triết học Paul Ricoeur thốt lên rằng: “Ai chưa vật lộn với Thiên Chúa, thì chưa thực sự tìm kiếm Ngài”.

 

vanphongtudoan

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP