Sinh nhật Thánh Gioan Tẩy giả J.B Nguyễn Hữu Vinh
Tham dự khóa học có 45 học viên là linh mục, tu sĩ và giáo dân đến từ các giáo xứ và dòng tu của Giáo phận. Ban tổ chức gồm linh mục trưởng ban Mục vụ Truyền thông Giuse Nguyễn Hữu An, và các linh mục đặc trách truyền thông của Giáo phận. Ban giảng huấn có linh mục Giuse Vũ Hữu Hiền, linh mục Giuse Nguyễn Tuấn Hải, Nữ tu Têrêsa Võ Trần Sơn Nữ Duyên Sa và chuyên viên IT Giuse Nguyễn Văn Quang.
Từ lúc 7g sáng ngày thứ Tư, các tham dự viên đã có mặt đông đủ và được ban tổ chức hướng dẫn những thủ tục bước vào khóa học.
Lúc 8g30, linh mục Giuse trưởng ban truyền thông khai mạc khóa học sau khi nói lên mục đích đào tạo nhân sự: “biết sử dụng phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng”. Sau đó ngài trình bày Sứ điệp Truyền Thông 2018, với chủ đề: “Sự thật sẽ giải thoát anh em. Tin giả và một nền báo chí vì hòa bình”.
Trong những tiết học tiếp theo, Linh mục Giuse thư ký ủy ban truyền thông HĐGMVN hướng dẫn các học viên viết bản tin, thực tập viết tin. Nữ tu Duyên Sa hướng dẫn kỹ năng chụp ảnh và thực hành, xử lý ảnh bằng photoshop, kỹ năng quay phim, dựng clip tin vắn, thực hành dựng bản tin video. Cha Tuấn Hải và Anh Trung hướng dẫn các học viên viết nhật tác và nguyệt tác trên trang web: titico.hdgmvietnam.com.
Cha quản xứ Rạng ân cần tiếp đón. Quý Nữ tu phụ trách nhà mục vụ tận tình phục vụ thật chu đáo.
Mỗi ngày, các học viên đều tham dự thánh lễ, múc nguồn sự sống và ơn phúc nhờ cầu nguyện thân mật với Chúa Giêsu. Ban chiều tắm biển thoải mái. Ăn hải sản tươi ngon. Ngũ ngon giấc nhờ gió biển nhẹ mát, sóng biển rì rào.
Khóa học kết thúc vào lúc 11g30 ngày thứ Sáu. Sau bữa cơm trưa thân mậ,t mọi người lưu luyến chia tay, hẹn nhau gặp lại khóa học năm tới.
***
Nội dung chính của sứ điệp truyền thông 2018 là lời kêu gọi phòng ngừa và vạch trần những ‘tin giả’, song song với cổ võ tìm kiếm sự thật, và thực thi một phương thức truyền thông xây dựng hoà bình.
Đức Thánh Cha Phanxicô là người đầu tiên sử dụng từ “tin giả” là con rắn trong Vườn Địa đàng. Theo Kinh Thánh, ngày xưa tại vườn địa đàng, bà Evà bị con rắn lừa dối dụ dỗ cũng là câu chuyện ngày nay của chúng ta. Con rắn chỉ nói có một nửa sự thật: Có thật Thiên Chúa bảo: "Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?” (St 3,1). Bà Evà sửa sai con rắn, nhưng vẫn sập bẫy dễ dàng. Con rắn vẽ lên hình ảnh Thiên Chúa như là một ông chủ khó tính, luôn cau có, cấm đoán con người. Từ đó, nó dẫn dụ con người đến nghi ngờ tình thương của Thiên Chúa. Những thông tin kiểu như thế đang lan tràn đầy dẫy trên mạng xã hội. Đức Thánh Cha trình bày khái quát về tin giả như sau: “Thuật ngữ ‘tin giả’ đã là đối tượng của các cuộc thảo luận và tranh luận sôi nổi. Nói chung, nó liên quan đến sự lan rộng việc thông tin sai lạc trên mạng hoặc trên các phương tiện truyền thông truyền thống. Nó liên quan đến những thông tin sai lệch dựa trên những dữ liệu không tồn tại hoặc bị bóp méo để lừa dối và thao túng độc giả. Người ta truyền bá tin giả để phục vụ cho các mục tiêu cụ thể, ảnh hưởng đến các quyết định chính trị và phục vụ cho những lợi ích về kinh tế. Hiện tượng tin giả trong thế giới ngày nay là một vấn đề lớn trong truyền thông và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội của chúng ta.
Mỗi người phải tỉnh thức và chú ý để biết mà lật cái mặt nạ mà chúng ta gọi là “lôgic của con rắn”, lôgic này được che giấu mọi nơi và “cắn” như con rắn dụ bà Evà “cắn trái táo cấm” để làm cho bà và ông Adong thành “các vị thần có thể biết điều thiện điều ác”.