Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật III Mùa Thường Niên - Năm C
CHÚA NHẬT III MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C
Nkm 8,2-4a.5-6.8-10
1Cr 12,12-30
Lc 1,1-4; 4,14-21
CHỦ ĐỀ: CÔNG BỐ LỜI CHÚA
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1: Nkm 8,2-4a.5-6.8-10
Bài đọc 1 cho chúng ta hay từ người đọc cho đến người nghe, tất cả đều say mê Lời Chúa: ông Ezra đọc sách Luật từ sáng sớm tới trưa, còn toàn dân chăm chú lắng nghe nội dung Lời Chúa. Quả là một hình ảnh cảm động, vì đã từ lâu rồi, kể từ thời đi lưu đày bên Babylon, toàn thể dân Israel mới có dịp tụ họp lại để nghe Luật Chúa, để được nghe giải thích Luật Chúa cách tường tận.
Dịp này, toàn dân tỏ lòng tôn kính Thiên Chúa cách công khai. Khi ông Ezra mở sách Luật thì toàn dân đứng dậy… họ đồng thanh thưa “Amen, Amen”… họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy Đức Chúa. Các vị lãnh đạo dân cũng thực hiện tốt vai trò mà Chúa trao cho họ: ông Ezra và các thầy Lêvi đọc và giải thích sách Luật cho dân. Hôm đó là ngày đáng vui mừng cho toàn dân, những giọt nước mắt được thay bằng nét rạng rỡ trên khuôn mặt. Toàn dân được truyền tổ chức tiệc mừng hoan hỉ; ai nấy học biết cách chia sẻ niềm vui cho những ai bất hạnh hơn mình; người có của ăn không quên những người thiếu thốn.
2. Bài đọc 2: 1Cr 12,12-30
Trong bài đọc 2, thánh Phaolô dùng hình ảnh “thân thể” để nói về tình hiệp nhất của các Kitô hữu. Chúa Kitô là Đầu, còn các tín hữu tạo nên Nhiệm Thể của Chúa Kitô, tức là Hội Thánh của Người. Qua bí tích Rửa Tội, các Kitô hữu trở nên chi thể của Nhiệm Thể này.
Được chịu Phép Rửa trong cùng một Thần Khí, nên chúng ta, tuy khác nhau về nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, văn hóa và dân tộc tính, nhưng cùng tạo nên một Nhiệm Thể của Đức Kitô. Trong Nhiệm Thể này, mỗi chi thể đóng các vai trò và chức năng cụ thể, như người thì làm tông đồ, kẻ khác làm ngôn sứ, thày dạy, người khác nữa lại được ơn làm phép lạ, được đặc sủng chữa bệnh, được ơn nói các thứ tiếng khác nhau, v.v.; những chức năng và vai trò này, tuy khác nhau, nhưng đều nhằm mục đích xây dựng một Nhiệm Thể duy nhất.
Như trong một thân thể, chi thể này luôn liên kết với các chi thể kia, thì trong Nhiệm Thể của Đức Kitô cũng vậy, mỗi người chúng ta đều cần đến các anh chị em khác. Chúng ta không thể sống biệt lập, không thể sống cô lập, đứng trên hay đứng ngoài Giáo Hội, nhưng gắn kết với nhau trong tình hiệp nhất yêu thương. Bởi thế, điều thánh Phaolô ao ước là các tín hữu hãy trân trọng và quý mến nhau, hãy nâng đỡ nhau, hãy làm cho nhau thêm phong phú, hãy biết cậy dựa vào nhau và phục vụ lẫn nhau, để Nhiệm Thể của Chúa Kitô là Giáo Hội ngày càng tiến triển, trở nên dấu chỉ yêu thương và hiệp nhất cho thế giới chúng ta đang sống.
3. Bài Tin Mừng: Lc 1,1-4; 4,14-21
Đoạn trích Tin Mừng Luca cho chúng ta hay: Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của Người tại Galilê. Galilê là khởi điểm và sẽ trở thành trung tâm sứ vụ công khai của Người. Tại đây, Người bắt đầu sứ mạng bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần, tức là bằng quyền năng của Đấng đã thực hiện hóa mầu nhiệm Nhập Thể nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Maria; bằng quyền năng của Đấng đã ngự xuống trên Chúa Giêsu dưới hình dạng chim bồ câu trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa; bằng quyền năng của Đấng đã dẫn đưa Người vào sa mạc để cầu nguyện, để chịu cám dỗ 40 ngày, để chiến thắng tên cám dỗ, khiến hắn phải bỏ đi để chờ dịp khác.
Tại Galilê, Người giảng dạy cho dân chúng trong các hội đường, nghĩa là ở những nơi linh thiêng mà người Do-thái tụ họp lại, nhất là vào những ngày Sabbath, để cầu nguyện, để nghe Lời Chúa và để được những người am hiểu Lời Chúa giảng giải cho họ. Chúa Giêsu thường chọn những nơi linh thiêng này làm nơi Người công bố sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa. Những ai thành tâm lắng nghe lời giảng dạy của Người đều cảm nghiệm sự khác biệt thấy rõ giữa Người với các kinh sư khác. Người ta ngỡ ngàng trước giáo huấn của Chúa Giêsu. Người nghe sửng sốt trước những lời hay ý đẹp từ miệng Người thốt ra. Người ta ca ngợi Người là một người giảng thuyết tuyệt vời; họ cũng không quên tôn vinh Thiên Chúa vì đã ban cho Người khả năng nói được những điều tốt đẹp như thế, rồi lại làm được những điều lạ thường nữa.
Với cc16-21, thánh Luca dẫn chúng ta vào quang cảnh của một lần hội ngộ như vậy giữa Chúa Giêsu và dân Do-thái. Lần này câu chuyện diễn ra tại Nazareth, vốn là nơi Người đã sinh trưởng, đúng hơn là nơi Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria; nơi Người đã được dưỡng dục sau khi thánh gia thất từ Ai-cập trở về; nơi Người đã học nghề mộc; nơi người đã quen biết nhiều người trong suốt thời gian sống ẩn dật.
Chúa Giêsu vào hội đường như thói quen tốt đẹp đã thành hình nơi Người theo dòng thời gian và tiếp tục được thực hiện khi Người thi hành sứ vụ công khai. Tại hội đường này, trước mặt mọi người, sau khi nhận lời mời của vị trưởng hội đường, Chúa Giêsu đã đọc sách ngôn sứ Isaiah. Đọc xong, Người cho dân chúng biết đoạn sách thánh được ứng nghiệm nơi Người.
Quả vậy, Thần Khí Đức Chúa đã ngự xuống trên Chúa Giêsu, xét như là Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể, ngay từ trong biến cố Truyền Tin, và nhất là trong biến cố Người chịu phép rửa. Bảy ơn Chúa Thánh Thần đã được trao ban cho Người một cách sung mãn: ơn khôn ngoan, ơn thông minh, ơn biết lo liệu, ơn can đảm, ơn hiểu biết, ơn đạo đức, và ơn kính sợ Thiên Chúa (x. Is 11,1-2; GLTHCG số 1831). Bảy hồng ân này thấm nhập trọn vẹn và phát huy sức tác động mạnh mẽ nhất nơi Chúa Giêsu, là Đấng được Chúa Cha xức dầu tấn phong Người là Đấng Cứu Độ, để Người có thể thi hành sứ mạng Chúa Cha trao phó một cách hoàn hảo nhất và hiệu quả nhất.
Khi thi hành sứ vụ công khai của mình, Chúa Giêsu, Đấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong, để thành Vua muôn vua, để thành vị Thượng Tế vượt trên tất cả các vị thượng tế, để trở thành vị Ngôn Sứ trổi vượt trên các vị ngôn sứ, chính Người sẽ chọn các người nghèo làm đối tượng ưu tiên lãnh nhận Tin Mừng Cứu Độ của Người. Tất cả những ai có “tâm hồn nghèo khó” đều có thể nghiệm được niềm vui lời Người loan báo: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Những ai đang bị giam cầm bởi tội lỗi và những thói đam mê xấu, đang chịu tổn thương do tội lỗi và sự dữ gây ra, nếu biết ăn năn, sẽ tìm được con đường giải thoát nơi Chúa Giêsu là Đấng giàu lòng xót thương. Nơi Chúa Giêsu, người bị tổn thương do tội sẽ tìm được nguồn an ủi, vì Người nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32).
Trong khi thi hành sứ vụ công khai của mình, Chúa Giêsu không chỉ đem lại ánh sáng cho một số người bị mù lòa; quan trọng hơn, Người còn “mở mắt” bao người đang ngồi trong bóng tối sự chết, để họ được thấy ánh sáng tình thương của Thiên Chúa. Người mở lòng mở trí cho những ai đang thao thức hiểu biết thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời mình, xóa đi bao bóng đen mê muội trong tâm hồn họ. Người loan báo một năm hồng ân của Thiên Chúa cho mọi người. Đó là một năm thánh đích thực, khi mọi tâm hồn được giải thoát khỏi ách thống trị của sự dữ, của tội, để được giao hòa cùng Thiên Chúa, khi họ biết mở lòng ra đón nhận sứ điệp cứu độ của Người, vì “hễ ai kính sợ Thiên Chúa, và ăn ở ngay lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người [Thiên Chúa] tiếp nhận” (Cv 11,35).
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20160122/33664