Nhật Ký Tĩnh Tâm Đợt 2-Ngày Kết Thúc
NHẬT KÝ TĨNH TÂM TU ĐOÀN NĂM 2019
Đợt 2: Anh Em Khấn Tạm
--------------------------------
Hôm nay, sau những ngày anh em khấn trọn tĩnh tâm, quý anh em khấn tạm từ các cộng đoàn trở về Cộng đoàn Phaolô-Nhà chính của Tu đoàn, để tham dự đợt tĩnh tâm thứ hai.
Đúng 17 giờ 00, cha giảng phòng Gioan TC. Nguyễn Phước.Ofm, gặp gỡ và trao đổi để thống nhất chương trình tĩnh tâm. Qua sự gặp gỡ này, ngoài việc đề cập đến chương trình tĩnh tâm cụ thể, ngài nhấn mạnh đến một điều quan trọng và cần thiết nhất trong đợt tĩnh tâm này là: sự gặp gỡ Chúa trong giờ cầu nguyện riêng. Trong chương trình tĩnh tâm mỗi ngày, ngài đề nghị 2 giờ cầu nguyện phải trung thành thực hiện đó là: sáng: 9 giờ - 10 giờ, chiều:16 giời - 17 giờ. Như vậy, mỗi ngày anh em phải dành ít nhất 2 tiếng đồng hồ để cầu nguyện riêng và gặp gỡ Chúa. Sau những giờ cầu nguyện gặp gỡ Chúa, anh em ghi lại nhật ký của "câu chuyện gặp gỡ" này, rồi đi đến việc kiểm điểm mối tương quan của mình với Chúa tiến triển thế nào trong tiến trình của những ngày tĩnh tâm.
Để anh em có một giờ cầu nguyện sốt sắng, cha giảng phòng gợi lên cho anh em 8 bước của một giờ " tâm nguyện" như sau:
1. Chọn địa điểm. Mỗi nơi cầu nguyện là một điểm hẹn gặp Chúa. Chọn cho mình một “điểm hẹn” thích hợp là điều kiện đầu tiên để có thể bước vào giờ cầu nguyện.
2. Ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa - Làm một cử chỉ thờ lạy. Cầu nguyện không phải là lúc ngồi một mình giữa cõi trống không, nhưng là bước vào một cuộc gặp gỡ. Bầu khí cầu nguyện được duy trì trong việc ý thức mình đang hiện diện trước ánh mắt yêu thương của Chúa, mình đang được lắng nghe tiếng Chúa và đang được nói cho Chúa nghe.
3. Dâng một lời nguyện ngắn. Ý thức rằng, để cầu nguyện được, tôi cần đến sự trợ giúp của Chúa. Xin Chúa giữ tôi ở lại với Ngài. Xin cho tôi biết lắng nghe. Xin cho tâm hồn tôi được thanh tẩy và lớn lên. Xin điều mà lòng tôi thao thức và khao khát.
4. Đọc Tin mừng. Đọc thật trân trọng và chậm rãi. Tránh thói quen đọc nhanh và sơ sài. Hình dung khung cảnh của bài Tin mừng để giúp tôi có thể đặt mình cầu nguyện tốt hơn. Dừng lại ở những câu chữ hay hình ảnh khiến tôi bị đánh động. Để cho Lời Chúa chất vấn, dạy dỗ và trở nên lương thực nuôi dưỡng tôi.
5. Suy gẫm. Sử dụng những điểm gợi ý từ người hướng dẫn tĩnh tâm để có thể giúp tôi thêm chất liệu và tâm tình cầu nguyện.
6. Tâm sự. Đích đến của giờ tâm nguyện là thời khắc tâm sự với Chúa. Tôi nghe Chúa nói và tôi nói Chúa nghe bằng tất cả những tâm tình tôi có được từ việc suy gẫm. (Đây là kinh nghiệm mấu chốt sẽ giúp ta nâng tâm hồn lên để hiệp nhất với Thiên Chúa giữa đời thường. Ta có thể nhớ lại định nghĩa của Thánh nữ Têrêxa Avila: Cầu nguyện là thường xuyên đối thoại thân tình với Đấng mà ta biết là rất yêu thương ta).
7. Kết nguyện. Bằng một lời kinh. Bằng một tâm tình tạ ơn. Bằng việc rút ra một bài học hay một hướng sống. Bằng một quyết tâm nho nhỏ.
8. Kiểm điểm. Bạn nghỉ ngơi ít phút rổi xem xét kết quả của giờ cầu nguyện vừa rồi: Có gặp được Chúa? Gặp nhiều hay ít? Tại sao? (chẳng hạn như: do địa điểm; mục tiêu; do không suy tư; không tập trung vào Tin mừng; khi suy tư để tâm trí chạy theo những điều mất thời gian khác; làm điều thừa, hoa hòe, không chính yếu...)
Ngoài việc gợi ý cho các bước của một giờ tâm nguyện, cha giảng phòng tóm tắt cho anh em các đề tài nghe giảng trong những ngày tĩnh tâm. Các đề tài trong đợt tĩnh tâm này đều xoay quanh chương 4 của Tông huấn AMORIS LAETITIA- Niềm Vui Của Tình Yêu - của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tình yêu là gì? Làm cách nào để thể hiển tình yêu đó? Đó là những câu hỏi được đặt ra cho mỗi anh em trong đợt tĩnh tâm này. Mười bốn đề tài sẽ được chia sẻ trong những ngày tĩnh tâm được Đức Thánh Cha Phanxicô diễn giải theo tinh thần của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô với tên gọi trìu mến là: “ Bài Ca Đức Mến”(1 Cr 13:1-13).
Nguyện xin Thiên Chúa đồng hành và hướng dẫn quý anh em trong đợt tĩnh tâm này, để mỗi nhịp thời gian trong những ngày tĩnh tâm là giây phút ân sủng tuyệt đẹp. Nhờ những giây phút như thế, đời sống ơn gọi của anh em trở nên của lễ tình yêu dâng lên Thiên Chúa mỗi ngày qua việc sống tinh thần của thánh Phaolô trong “Bài Ca Đức Mến” ngay trong lối sống của Tu đoàn. Kính chúc anh em có một tuần tĩnh tâm sốt mến và thánh thiện.
vanphongtudoan