Nhật Ký Tĩnh Tâm Đợt 1 - Sáng Ngày Thứ Nhất
NHẬT KÝ TĨNH TÂM TU ĐOÀN NĂM 2019
Đợt 1: Anh Em Khấn Trọn
---------------------------------------
Theo chương trình, Anh em Khấn trọn của Tu đoàn sẽ tĩnh tâm trong thời gian 5 ngày: từ ngày 12-16/07. Đạn viện Thánh Mẫu Châu Thủy là điểm đến và "ở lại" trong những ngày tĩnh tâm này của anh em. Người đồng hành và chia sẻ với anh em là cha Phaolô Nguyễn Đình Vịnh.Ofm, thuộc tỉnh dòng Phanxicô Việt Nam.
Bài giảng tĩnh tâm ngày thứ nhất: Buổi sáng:
--------------------------------------
Ở LẠI TRONG THẦY (Ga 15,1-8)
“ Để thực hiện châm ngôn của Tu đoàn là Yêu thương và Phục vụ, anh em cần diễn tả điều đó ngay chính trong cộng đoàn trước khi thi hành sứ vụ cho muôn dân. Chính nhờ đó, lời nói và việc làm của anh em mới có sức mạnh để thu hút nhiều người bước trên lối đi đến với Đức Giê-su. Từ đây anh em mới thắp lên cho thế giới đang đánh mất ngọn lửa niềm tin, niềm hi vọng về một xã hội công bằng, bác ái và hạnh phúc đích thực với Chúa Giê-su và với nhau” (HP. Điều 3. Linh đạo #4)
Chúng ta đang sống trong tuần Tĩnh Tâm năm. Đây là thời gian ân phúc và là cơ hội thuận tiện để mỗi chúng ta “đào sâu căn tính đời tu của mình,” và “trải nghiệm không ngừng được đổi mới nhờ sự nếm cảm tình bạn và sứ điệp của Đức Kitô.” Chính trải nghiệm này thúc giục chúng ta ngày càng yêu mến Đức Kitô hơn và chia sẻ tình yêu ấy cho người khác. Chính trải nghiệm ấy cũng giúp chúng ta Tân-Phúc-Âm-hóa chính mình mỗi ngày qua nỗ lực làm mới lại tương quan cá vị với Đức Kitô, nhờ việc “ở lại” trong Ngài. Nhân tuần tĩnh tâm này, chúng ta cùng suy tư lời mời gọi của Chúa và cảm nghiệm niềm vui, sự phong phú thiêng liêng khi được “ở lại” với Ngài.
I. LỜI CHÚA: (Ga 15, 1-8)
“Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho.2 Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn.3 Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em.4 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
5 Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.6 Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi.7 Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.8 Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.
II. SUY NIỆM
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã dùng hình ảnh “cành nho” và “cây nho” để nói lên mối hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa. Đức Giêsu chính là “Cây Nho Thật,” và tất cả những ai tin vào Ngài là “cành nho.” Giữa cành và cây có chung một dòng nhựa nên cùng chung một sự sống duy nhất. Cành chỉ có thể sống và sinh hoa kết trái khi gắn liền với cây. Mức độ gắn bó với cây, sẽ là mức độ sinh hoa kết trái nơi cành. Nếu không gắn liền với cây, cành sẽ héo tàn. Ngoài ra, cành nào đã sinh trái cũng cần được vun xới, cắt tỉa để sinh nhiều trái hơn. Trọng tâm sứ điệp của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay là lời mời gọi: “Hãy ở lại trong Ngài” (x.Ga 15,4). Vì “ở lại” trong Chúa sẽ giúp chúng ta sống sự sống của Chúa, nói lời nói của Chúa, hành động theo gương Chúa, phán đoán theo chuẩn mực của Chúa, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Chúa, yêu thương bằng trái tim của Chúa… Trong tuần tĩnh tâm này, chúng ta dành thời gian “ở lại” trong Chúa, để thông hiệp với Ngài, để yêu thương đến cùng như Ngài, và để trổ sinh hoa trái như Chúa Cha mong ước.
1. “Ở lại trong Thầy” để hiệp thông
Hiệp thông với Thiên Chúa là trọng tâm đời sống người Kitô hữu, đặc biệt với người sống đời thánh hiến. Sự hiệp thông ấy cần thiết như cành liền cây, như xác trong hồn, như cá trong nước. Vì thế, Đức Giêsu tha thiết nài xin các môn đệ “ở lại” trong Ngài. Vì ai kết hiệp với Ngài, ai tháp nhập vào Ngài, như cành nho liên kết với cây nho, sẽ tiếp nhận được sự sống viên mãn của Thiên Chúa trong mình. Sự Sống Thiên Chúa sẽ thần hóa người ấy, như Thánh Irênê đã xác tín: “Thiên Chúa đã làm người để con người trở thành Thiên Chúa.”
Như cành nho gắn liền với cây nho mới có sự sống, chúng ta cũng vậy. Chỉ khi hiệp thông với Đức Giêsu, chúng ta mới được sống sự sống của Thiên Chúa, mà Sự Sống ấy tuôn chảy trong tâm hồn chúng ta tùy theo mức độ chúng ta “ở lại” trong Đức Giêsu và nên một với Ngài, như các chi thể chỉ sống được nếu liên kết trong cùng một Nhiệm Thể (1 Cor 12,27). Cũng như nhựa sống lưu thông từ gốc nho đến các cành nho, thì sự sống của Thiên Chúa cũng được lưu chuyển từ Đức Giêsu đến những kẻ tin yêu và hiệp thông với Ngài như vậy.
Chúng ta vẫn xác tín rằng, càng kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa trong chiêm niệm, chúng ta càng hăng say và có nhiều sáng kiến thi hành sứ vụ tông đồ. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta lại không hành động theo lời xác tín ấy, chúng ta thường chọn công việc của Chúa hơn chọn Chúa, chọn hoạt động bên ngoài hơn chọn “ở lại” với Chúa trong nội tâm mình. Bài Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta cật vấn và gởi trao cho ta phương pháp tốt nhất giúp cải thiện mối tương giao giữa chúng ta với Chúa. Đó là hãy “ở lại” với Chúa cách thâm sâu, mật thiết. Với hoàn cảnh hiện tại, chúng ta làm sao để có thể “ở lại” trong Ðức Giêsu cách sống động và thiết tha?
Thiết nghĩ chúng ta hãy noi gương Thánh Tiến sĩ Catarina Siena để lập cho mình một căn phòng nội tâm và đừng bao giờ ra khỏi đó dù bận trăm công ngàn việc. Hãy làm mọi sự cho Chúa và vì Chúa, chúng ta sẽ thấy công việc thay vì đè bẹp chúng ta lại được tiến triển gấp bội nhờ tình yêu thánh thiêng của Chúa nâng đỡ. Chúng ta hãy “ở lại” với Chúa không chỉ trong các giờ cầu nguyện, nhưng hãy cùng với Chúa hân hoan thực thi bổn phận với lòng mến yêu và tinh thần bác ái xây dựng cộng đoàn và phục vụ tha nhân. Chúa sẽ giúp chúng ta hài hòa giữa hai chọn lựa: công việc của Chúa và chính Chúa.
2. “Ở lại trong Thầy” để yêu thương đến cùng
“Ở lại” trong Đức Giêsu, chúng ta được đón nhận nơi Ngài nguồn suối yêu thương xuất phát từ Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4,16). Tháp nhập vào Đức Giêsu, như cành nho gắn liền với cây nho, chúng ta cũng được thông chia nguồn Tình Yêu mà Đức Kitô đã tiếp nhận nơi Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Như thế, khi “ở lại” trong Đức Giêsu, chúng ta không những “ở lại” trong tình yêu Thiên Chúa, mà còn ở lại trong tình yêu đối với anh chị em mình, như những cành nho trong cùng một Gốc Nho Giêsu.
Là chi thể trong một nhiệm thể, chúng ta muốn “ở lại trong Thầy” thì cũng phải ở lại trong nhau. Cành nào muốn hiệp thông với cây thì cũng phải hiệp thông với các cành khác. Vì chỉ có một dòng nhựa, một Tình Yêu, từ cây nuôi các cành. Chúng ta là những cành cây được nuôi bằng cùng một dòng nhựa là chính Đức Kitô, nên khi gắn bó mật thiết với Chúa, chúng ta cũng được gắn bó với nhau. Tình yêu chúng ta trao chia cho nhau phản ánh tình yêu chúng ta tiếp nhận từ nơi Thiên Chúa: “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16). Như thế, khi yêu thương anh chị em mình, chúng ta là con cái Thiên Chúa vì chúng ta đang giống Thiên Chúa, Đấng chỉ biết yêu và làm mọi sự vì yêu.
Mỗi người chúng ta đều khao khát được “ở lại” trong Đức Giêsu, để cảm nếm tình yêu của Ngài, để đón nhận sức mạnh, sự nâng đỡ từ Ngài. Thế nhưng, một khi đã “ở lại” với Chúa thì chúng ta phải “ở lại” với nhau. Mỗi cành nho có chức năng riêng nhưng vẫn liên đới với các cành khác, và ảnh hưởng đến sự sống của toàn thân, nên sự sống chết của một cành đều ảnh hưởng đến cây và các cành khác. Trong thực tế, chọn sống ơn gọi Anh em Bác Ái Xã Hội là chúng ta tự nguyện sống đời cộng đoàn, tự nguyện tháp mình vào Hội dòng, và cụ thể hơn là liên đới mật thiết với từng phần tử của những cộng đoàn nơi chúng ta hiện diện. Vậy, mối tương quan của chúng ta với anh em trong cộng đoàn hiện nay như thế nào? Chúng ta đã quan tâm đến anh em, đã yêu thương và hiệp thông với anh em như các cành trong cùng một cây “Anh em BAXH” chưa? Việc “ở lại” trong Đức Giêsu có giúp chúng ta đón nhận anh em, yêu thương anh em đến cùng như Đức Giêsu mong ước chưa?
3. “Ở lại trong Thầy” để sinh hoa trái
Sau cùng, chúng ta được mời gọi “ở lại” trong Đức Giêsu để sinh nhiều hoa trái. Là môn đệ Thầy Giêsu, chúng ta gắn kết với Ngài không chưa đủ, mà còn phải gắn bó thiết tha, bền chặt để có thể sinh hoa kết trái nữa. Sinh hoa trái dồi dào là dấu chỉ của người môn đệ đích thực. Đức Giêsu đã xác quyết: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15,8). Nhưng muốn sinh được nhiều hoa trái, cành nho phải được cắt tỉa. Chẳng có sự cắt bỏ nào mà không gây đau đớn, dù cho phần cắt tỉa chỉ là phần thừa thãi tác hại đến toàn thân. Thế nhưng, cây nho sẽ chẳng sinh hoa trái nếu không chấp nhận sự đau đớn của việc cắt tỉa. Người trồng nho ắt hẳn rất đau lòng khi đưa tay cắt, bỏ đi những cành dư thừa, không sinh trái, rất xót xa vì phải bỏ đi những phần cây không mang lại lợi ích, nhưng vì sức sống của cây nho nên chẳng thế nào làm khác đi được.
Trong bối cảnh đó, Đức Giêsu đã cảnh báo những cành nho gắn liền với cây nhưng lại không sinh hoa trái thì sẽ bị chặt đi. Lời cảnh báo của Chúa làm sáng rõ chân lý này: Chấp nhận gắn kết vào cây nho là chấp nhận một trong hai điều kiện, sinh trái hay không sinh trái, không có chuyện sống “nửa chừng nửa vời!” Trong cuộc sống hôm nay, có nhiều cành bề ngoài xem ra vẫn xanh tốt, nhưng bên trong lại chết khô vì không còn nhựa sống. Lời cảnh báo của Đức Giêsu có giúp chúng ta nhìn lại chính mình? Chúng ta hiện đang là cành nho sai trái hay là cành nho không còn nhựa sống? Mang danh là tu sĩ BAXH, nhưng hiện tại chúng ta đã sống đúng căn tính đời tu BAXH chưa? Có khi nào chúng ta trở thành những tu sĩ “hữu danh vô thực” không?
Chúng ta sẽ là những cành nho sinh nhiều hoa trái khi chúng ta biết sống sự sống của Đức Giêsu, biết “phục vụ và hiến mạng” để biến đổi môi trường chung quanh, để đem lại niềm vui và hạnh phúc thật cho anh chị em mình. Việc sinh hoa trái nơi cuộc sống chúng ta hôm nay đơn giản chỉ là trung thành với ơn gọi, tận tụy với việc bổn phận, và sống hết mình với Chúa, với mọi người ngay trong giây phút hiện tại Chúa ban. Để bằng cả tấm lòng, chúng ta cùng nhau tạo cho cộng đoàn những nụ cười bình an, những lời nói xây dựng, và những hành động thấm nhuần đức ái … Với những việc nho nhỏ khả thi ấy, chúng ta đang trở thành những cành nho tốt tươi, biết sinh hoa trái, biết làm sáng danh chính Cây Nho Thật là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ước mong tất cả chúng ta luôn là những cành nho tươi tốt, nhờ gắn chặt đời mình với thân nho huyền nhiệm là chính Đức Giêsu Kitô. Để từ đó, mỗi chúng ta sẽ mang lại cho đời mình nhiều hoa thơm trái ngọt, nhiều kết quả tốt đẹp cho Giáo Hội, cho Hội Dòng, cho cộng đoàn và cho mọi người chúng ta gặp gỡ.
Lạy Chúa Giê-su là Cây Nho đích thực, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã cho chúng con được diễm phúc trở thành cành nho của thân nho là chính Chúa. Xin giúp chúng con luôn gắn chặt và “ở lại” trong Chúa để được hưởng nguồn sức sống dồi dào từ Chúa. Xin Chúa cắt tỉa chúng con khỏi những rườm rà, làm chúng con xa Chúa và xa anh chị em. Xin vun trồng và chăm sóc cuộc sống của chúng con, để chúng con sinh nhiều hoa trái đích thực làm vinh danh Chúa Cha và sinh ích cho những anh chị em sống xung quanh chúng con. Amen.
HÃY Ở LẠI
Đọc và Suy gẫm Gn 15,1-17
- Lời mời gọi tha thiết của Chúa: “Ở trong”, “Ở lại”
- Ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu và của Chúa Cha. Hình ảnh cây nho, cành nho phải “ở lại” trên thân nho. Đức Giêsu liên kết với Cha trong mọi sự, Ngài là nguồn mạch của mọi Tình yêu: “như cha đã yêu mến Thầy, thì Thầy cũng yêu mến các con” (15,9). Ở lại bằng cách để cho người yêu mến chúng ta, không để một trở ngại nào ngăn cách chúng ta.
- Ở lại bằng cách tuân giữ các giới răn của Cha Người.
- 1. “Ở lại trong Thầy” để hiệp thông với TC và với anh chị em
- 2. “Ở lại trong Thầy” để yêu thương đến cùng, đến với cội nguồn Tình yêu là TC.
- 3. “Ở lại trong Thầy” để sinh hoa trái. Phải múc lấy nhựa sống từ rễ và thân nho thì mới có thể sinh hoa trái.
Kinh nghiệm trong đời tu: hai phạm trù: Ở lại và Ra đi (Ra về) – Đó là những lúc chúng ta phải phân định về đời sống của mình. Sự phân định đưa đến những quyết định và những chọn lựa cho đời sống. Phân định cách nào: (a) Đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, như người bạn đang đồng hành với mình. (b). Xét vấn đề dưới nhiều khía cạnh: tích cực và tiêu cực. (c). Cầu nguyện xin ơn soi sáng – tìm một giải pháp tốt nhất dưới tác động của Chúa Thánh Thần. (d). Chia sẻ chọn lựa ấy với những người bạn tâm giao, với người linh hướng. (e). Tìm lại sự Bình an và niềm vui trong chọn lựa của mình – Tạ ơn Chúa trong tiến trình phân định.
- “Thực hành phân định: các phương pháp hành động Công giáo (Quan sát, Phê phán, hành động), Linh thao theo Thánh Ý-nhã, Qui chiếu về Hiến Pháp Tu đoàn Anh Em BAXH để xét mình
Câu hỏi để suy tư và cầu nguyện:
- Điều gì giữ chân tôi ở lại trong đời tu? Đời tu của tôi trong hiện tại thế nào?
- Tôi “ở lại” trong tâm thế nào?
- Tôi có muốn “ở lại” với cả con người của mình không? Tôi có sẵn lòng “ở lại” trong tình yêu và kết hợp với Chúa và với anh em không?