1. Trang Chủ
  2. Tin Tu Đoàn
  3. Bản Tin Thường Ngày
  4. Nhật Ký Tĩnh Tâm Đợt 1 - Chiều Ngày Thứ Ba

Nhật Ký Tĩnh Tâm Đợt 1 - Chiều Ngày Thứ Ba

223 14/07/2019
Nhật Ký Tĩnh Tâm Đợt 1 - Chiều Ngày Thứ Ba

NHẬT KÝ TĨNH TÂM TU ĐOÀN NĂM 2019
Đợt 1: Anh Em Khấn Trọn
---------------------

 

Bài giảng tĩnh tâm ngày thứ ba: Buổi sáng

 

I. THÁNH ÂU TINH, 
NGƯỜI SUỐT ĐỜI ĐI TÌM CHÂN LÍ VÀ TÌM CHÚA
Suy niệm: Lc 11,9-13 (Mt 7,7-11)

 

“Con yêu Ngài quá trễ rồi, hỡi vẻ đẹp quá xa xưa, và cũng quá mới mẻ, con yêu Ngài quá trễ rồi!Nhưng!...Ngài vẫn luôn ở bên trong con, và con, con lại ở bên ngoài!Và cứ ở bên ngoài, con tìm Ngài mãi thôi. Với hình dạng xấu xa của con, con đổ xô đi tìm Ngài, đi tìm Ngài trong những dáng vẻ mỹ miều của tạo vật Ngài dựng nên. Ngài vẫn ở với con, nhưng con lại không ở với Ngài, những tạo vật kia đã cầm giữ cởn xa Ngài, những tạ vật ấy đâu có là gì, nếu chúng không ở trong Ngài, Ngài đã gọi con, và tiếng kêu của Ngài đã chọc thủng lỗ tai điếc của con; Ngài đã sáng chói và ánh quang của Ngài đã xé tan màn đêm dày đặc trong mắt con, Ngài đã tỏa hương thơm cho con hít thở, và con đây con thao thức theo Ngài; con đã được nếm Ngài, và này đây con đói, con khát Ngài; Ngài đã đụng chạm vào con và con đã say sưa đắm chìm trong giấc an bình mà Ngài đã ban cho con”(Thánh Âu-tinh, Lời Tuyên Tín L,X,XXVII,38).

 

“Lạy Chúa, xin cho con sức mạnh để con tìm kiếm Ngài. Chúa đã cho con tìm thấy Ngài và đã làm cho con hy vọng tìm thấy Ngài hơn nữa” (Thánh Âu-tinh, Thiên Chúa Ba ngôi)
Con người thuộc nội giới hay ngoại giới? Teilhard de Chardin cho rằng con người thuộc nội giới. Trong con người có tư tưởng để giúp nó hiểu được vũ trụ và chính mình, và có thể hiểu được những điều cao sâu hơn chính nó. Con người còn có ý chí để giúp nó điều khiển các hành động, và vươn lên những tầm cao mới… Con người còn có năng lực tình yêu, năng lực giao tiếp, có một trung tâm là cái “tôi” để qui tụ tất cả những gì tản mác bên ngoài thành một cá nhân sâu sắc và độc đáo. Âu tinh cho ta thấy có một cái bên trong giúp ta gặp gỡ đấng là nguồn mạch của sự sống, sự hiểu biết, và tình yêu. Nơi đó ta gặp được Chân, Thiện, Mỹ…

 

Muốn hiểu được một con người ta thường phải đọc nhật kí nội tâm của người đó, khi đó ta mới biết được cuộc đấu tranh nội tâm và con đường đi lên của một tâm hồn. hiện tại ở VN chúng ta thấy có phong trào viết hồi kí, từ sau cuốn Nhật kí của Đặng Thùy Trâm; Lê Vân – Yêu và Sống Tự truyện; Chuyện Ba người khác của Tô Hoài…

 

Nhưng có lẽ tác phẩm Tự thuật của Thánh Âu-tinh là tác phẩm tự thuật – hồi kí nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học và triết học. Chữ Confession (gốc Confiteri) có thể được hiểu nhiều nghĩa: thú tội, nhưng có nghĩa là những lời tán tụng, những lời tuyên tín (như trong đoạn trích trên)

 

Một trong những điểm mấu chốt của các tác phẩm tự thuật hay hồi kí là sự trung thực với các biến cố và suy tư từng giai đoạn; nếu không chúng chỉ là những cuốn tiểu thuyết hư cấu, hay một thứ huyễn hoặc người khác. Chúng ta có thể tin những gì Âu-tinh viết là trung thực. Tác phẩm có thể chia làm 3 phần chính: (1) Phần 1: (10 quyển) Cảm tạ TC về những ơn lành đã nhận được trong quá khứ. (2) Phần 2: (1 quyển): Cảm tạ Chúa về hoàn cảnh hiện tại. (3) Phần 3: (2 quyển): Ngài tập nhấc tâm hồn lên tới Chúa qua Thánh kinh.

 

Ta có thể học được nhiều điều trong con đường tìm kiếm chân lí và Thiên Chúa của Thánh nhân:

 

- Tuổi thiếu niên: học nói theo cách của người, tuân theo ý người lớn theo cách của trẻ con
- Tuổi Thanh niên: Mong đợi của Cha Mẹ, khao khát “yêu và được yêu”, những vấp ngã của tuổi thanh niên
- Con đường tìm kiếm trí thức và danh vọng: đam mê triết lí, đam mê lôi cuốn người khác bằng hùng biện. Những thay đổi chỗ ở để tìm việc làm và danh vọng…
- Những cuộc gặp gỡ: những người bạn, đồng nghiệp. Cuộc gặp gỡ đặc biệt với GM Ambrôsiô. Cuộc trở lại.
- Đi từ con người đến TC là mầu nhiệm khôn lường: “Qua tất cả những điều này, con tiến xa bao nhiêu có thể và không có tận cùng nào cả, lớn lao thay sức mạnh của sự sống trong con người hữu diệt. Ôi Chúa của con, niềm bí ẩn kinh khiếp là dường nào, phức tạp vô cùng, vô tận là dường bao! Và đó là Tâm linh, đó là con, chính con! Con là gì? Bản tính con là gì? Một sự sống biến hóa khôn lường!”
- “Lạy Chúa xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa”. Biết mình — Biết Chúa là con đường tâm linh.
- Những đoạn cuối của tự thuật mở ra những chân trời mới: “Vì cũng như một mình Chúa là hữu thể tuyệt đối, thì cũng một mình Chúa biết được thật sự; Chúa có một cách bất biến, và biết một cách bất biến, và muốn một cách bất biến… cho nên trước mặt Chúa, linh hồn con đây như một mảnh đất không có nước. Vì cũng như tự nó không soi sáng cho mình bớt khát. Vì gần Chúa có mạch nước hằng sống, cho nên cũng trong ánh sáng Chúa, chúng con nhìn thấy sự sáng” (Tự thuật, Quyển 13, đoạn XVI).
- “Đó là những điều Chúa dạy bảo chúng con, ôi TC chúng con, Đấng khôn ngoan tuyệt đối, trong sách Chúa, bầu trời của Chúa, để chúng con biết phân biệt mọi sự bằng một cuộc chiêm niệm lạ lùng, mặc dầu hãy còn bị giới hạn trong các dáu hiệu, thời giờ, ngày đêm và năm tháng” (Tự thuật, Quyển 13, đoạn XIX)

 

CÂU HỎI SUY TƯ VÀ CẦU NGUYỆN
1. Tôi đã thực sự đi tìm Chúa trong cuộc sống mình chưa” Bằng cách nào?
2. Đâu là những biến cố quan trọng có tính chất bước ngoặt trong cuộc đời của tôi? Chúa đã dẫn dắt tôi theo cách nào?

 

II. THÁNH PHANXICÔ VÀ CON ĐƯỜNG TÌM CHÚA
Suy niệm: Ga 8, 1-11

 

“Lạy Thiên Chúa tối cao và vinh hiển, xin chiếu sáng cõi lòng tăm tối của con. Xin ban cho con Đức Tin ngay thẳng, Đức Cậy vững vàng, và Đức Mến hoàn hảo. Lạy Chúa xin ban cho con được ơn hiểu biết tỏ tường, để thi hành huấn lệnh thánh thiện và chân thật của Chúa” (Phanxicô, Kinh đọc trước Thánh giá Nhà thờ San Damiano)

 

Có tác giả đã so sánh cuộc đời của Thánh Âu-tinh và Thánh Phanxicô, nhất là những năm thời niên thiếu và trai trẻ, một tuổi trẻ hiếu động và ăn chơi. Nhưng thực tế, cuộc tìm kiếm Thiên Chúa của hai vị có nhiều điểm khác nhau từ xuất phát điểm đến đích điểm. Âu-tinh đi từ quan điểm khôn ngoan của loài người đến sự khôn ngoan vô lượng của Thiên Chúa; Phanxicô đi từ khốn cùng ngu muội của con người đến sự Khiêm hạ tột cùng của Thiên Chúa Ba Ngôi và sự khôn ngoan của Thập giá.

 

Đây là lời kinh đơn sơ đầu tiên mà Phanxicô đã sáng tác và được truyền lại cho anh em, một lời kinh khởi đầu, một lời kinh lên đường tìm Chúa. Trước hết Phanxicô qui hướng về cùng đích, về đích điểm mà Ngài đang nhắm tới: Lạy TC tối cao và vinh hiển, và chỉ có Chúa tối cao và vinh hiển mới có thể chiếu sáng cõi lòng tăm tối của con. Tâm hồn là nơi trung tâm và là nơi sâu thẳm nhất của con người. Đó là trung tâm thống nhất từ đó phát xuất mọi khát vọng, đó là căn tính và sự thật về mỗi người, tại điểm riêng tư nhất và không thể truyền đạt.

 

Thế nhưng tại nơi xuất phát điểm lại là cõi lòng tăm tối của con. Đâu là những tăm tối của cõi lòng ta. Có thể trong tư tưởng của Thánh Phanxicô có ba khu vực đồng quy: (1) Không biết cái tôi thực của mình, đúng như nó thực là trước mắt Chúa; Không biết sự cao cả phi thường của mình, là hình ảnh TC và thánh tử làm người, cả trong tâm hồn và thể xác (Hn 5); Không biết thân phận nghèo nàn cùng cực của mình, các giới hạn, các lệ thuộc và dứt khoát là không phải một thần linh, một Thiên Chúa. Đó là bóng tối đầu tiên, một thực tại mập mờ pha trộn giữa cái cao cả và cái nhỏ bé, lập lờ giữa làn ranh luân lí. Sự tốt lành và sự dữ nằm ngay trong tâm hồn con người. “Từ lòng người phát xuất những ý định xấu xa” (Mc 7,21). (2) Bóng tối của sự dữ và của tội lỗi khi con người thuận theo nó. Đây là cảm nghiệm của mỗi người. (3) Bóng tối khi con người không biết con đường phải chọn. để đáp lại tiếng gọi nảy sinh trong nơi sâu thẳm của lòng mình. Đó cũng là tiếng gọi của Chúa từ nơi sâu thẳm của con người. Mỗi thời điểm con người đều phải phân định.

 

Chính vì thế trước khi lên đường đi tìm Chúa Phanxicô xin Chúa ba điều: (1) Đức tin ngay thẳng: là cái nhìn chính xác, không ảo giác, ảo tưởng; thực tại đúng như nó là trong dự phóng và ý định của TC. Vượt qua dáng vẻ bên ngoài để nhìn ra sự hiện diện sống động của Tình yêu ngôi vị, giá trị của mỗi hữu thể trong con mắt của TC. Cái nhìn vượt qua những sự bất toàn, đang biến chuyển quanh ta. (2) Đức cậy vững vàng: đó là một lời cầu xin và một bước nhảy vọt đầy lạc quan, đầy sức sống và xác tín vào lời hứa của TC cho những ai trung thành theo bước của Ngài.(3) Đức Ái hoàn hảo: Đó là Tình yêu vô điều kiện của TC, đó là lò lửa mến lan ra từ TC đến mọi thọ tao, và con người đón nhận Đức Ái đó có thể làm lan tỏa tình yêu nguồn cội ấy. (4) Ơn hiểu biết tỏ tường: theo Phanxicô, hiểu ở đây có nghĩa là kinh nghiệm, sự nắm bắt được được điều vừa được khám phá. Cái hiểu thiêng liêng này không phải là môt thứ cảm tính nhất thời, nhưng là một sự thấu suốt của óc thông minh. (5) Để thi hành huấn lệnh thánh thiện và chân thật của Chúa: đó là yêu mến Chúa hết lòng, hết sức và yêu tha nhân như chính mình vậy! Thực hiện là tiêu chuẩn chứng thực mọi dấn thân ấy có chân thật hay không.

 

Con đường hoán cải và tìm kiếm TC của Phanxicô:
- Một cuộc đời vui chơi, thoải mái không lo nghĩ.
- Mộng công danh, mộng hiệp sỹ.
- Giấc mộng Spoletô: “chọn chủ hay tôi tớ”
- Ba năm trầm cảm và rút lui vào cô tịch – Tiếng Chúa gọi từ Thánh giá Damianô: “Phanxicô hãy đi xây lại nhà Cha Ta đang đổ nát”
- Cuộc gặp gỡ người phong cùi – nhìn nhận con người là hình ảnh TC.
- Gặp gỡ Bà Chúa Nghèo
- Đi tìm ý Chúa: “bói” Phúc Âm..
- Trăn trở giữa Chiêm niệm và Hoạt động cho Dòng
- Thử thách bệnh tật.
- Phó thác mọi sự vào tay Chúa
- Kết hợp với Chúa Kitô chịu đóng đinh trên núi La Verna.

 

CÂU HỎI SUY TƯ VÀ CẦU NGUYỆN
1. Đâu là những bống tối đang vây phủ cuộc đời của tôi?
2. Tôi đã vượt qua, hay đang cố vượt qua bóng tối đời mình bằng cách nào?
3. Tôi đi tìm Thánh ý Chúa bằng cách nào trong cuộc đời của tôi?

 

Lm. Phaolô Nguyễn Đình Vịnh.Ofm

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP