NGƯỜI CHA NHÂN HẬU

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – NĂM C
Lc 15, 11–32
"Chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ,
vì em con đây đã chết, nay lại sống,
đã mất, nay lại tìm thấy". (Lc 15,32)
Chúng ta vừa được nghe một trong những bài dụ ngôn hay nhất và độc đáo nhất của Chúa Giêsu. Dụ ngôn này chỉ có thánh Luca thuật lại.
Câu truyện kể về một gia đình có một người cha và hai người con. Theo ý của Chúa trong bài dụ ngôn thì rõ ràng là cả hai người con đều là những người đáng trách.
Câu chuyện xẩy ra xem ra có vẻ rất bất ngờ.
Hai anh em cùng chung một cha. Người em bỏ nhà ra đi vì nó quyết định sống cuộc sống riêng của nó.
Sau thời gian say sưa độc lập, thì đến thời gian thực tại gay gắt. Cuộc sống - cuộc sống thật với bao nhiêu trách nhiệm và nghĩa vụ, với những đau khổ, thử thách hiện ra trước mắt nó. Một thực tại phũ phàng chứ không đẹp như mơ tưởng. Lần đầu tiên trong đời nó phải đối diện với những thực tại phũ phàng và nhiều đau khổ như thế.
Rất may là nó đã biết hồi tỉnh. Nó ý thức được lỗi lầm của mình. Nó ý thức thật rõ những gì nó đã làm đổ vỡ. Cho nên, khi trở về nhà, thái độ của nó thật khiêm tốn và xem chừng có cả sự sợ sệt. Nó xưng thú tội trước mặt người đang giơ tay đón nhận nó. Người ấy tha thứ và ban lại cho nó danh nghĩa là con, cho và ôm chặt nó ở trong vòng tay mình.
Những gì người con thứ đã sống, chúng ta cũng đã sống. Bao lần tội lỗi đã làm cho chúng ta xa cách Thiên Chúa và xa lạ với anh chị em chúng ta. Rồi khi chúng ta nhận được bí tích hòa giải trong Giáo hội, lúc đó, Thiên Chúa cũng xử sự với chúng ta như một người Cha tốt lành, đầy tình thương và lòng trìu mến. Và trong lòng thương xót vô biên của Ngài, Ngài ban lại cho chúng ta chỗ đứng làm con bên cạnh Ngài.
Câu chuyện được tiếp tục như sau: Người anh cả đi làm về và khi nghe biết những gì vừa đang ra, anh ta nổi giận. Anh trả lời với người cha đến yêu cầu anh tham gia vào cuộc vui: "Con làm việc như một kẻ làm thuê, con vâng lệnh cha thế mà cha chẳng cho con cái gì đặc biệt cả. Nhưng đứa con của cha kia đã bỏ cha mà ra đi nay trở về, thì cha mở tiệc ăn mừng để đón tiếp nó ".
Anh con cả này là một kẻ không tự xem mình như con cái mà chỉ là một kẻ làm thuê. Người cha kia không phải là cha của anh ta nhưng là một ông chủ, ông chủ khắt khe, đòi hỏi, ông chủ chỉ biết ra lệnh.
Đôi khi chúng ta lại chẳng có thái độ giống như vậy sao, khi chúng ta tưởng mình đã đủ bổn phận với Chúa rồi, vì chúng ta tuân giữ các giới răn? Chúng ta không xem Thiên Chúa như Cha nhưng như một quan tòa, như một ông chủ mà ta phải vâng lời. Và khi biết rằng có những người không cố gắng bằng chúng ta lại được tha thứ, ta sẽ bực bội tức tối.
Và người cha trả lời: "Con ơi, con luôn luôn ở với cha và bao giờ cha cũng cho con dư đầy mọi sự. Đối với con, lúc nào cũng là tiệc ăn mừng cả. Nhưng em con đã mất đi và nay tìm lại được. Chẳng phải là chuyện bình thường khi chúng ta vui mừng và mở tiệc vì chúng ta lại được đoàn tụ ư?".
Thiên Chúa nhắc nhở chúng ta nhớ lại địa vị làm con cái của mình. Phải, chúng ta là con của Thiên Chúa nhờ ân sủng Ngài ban cho ta chứ không phải nhờ tuân giữ luật lệ. Thiên Chúa ban cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần. Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng biết nhìn ra những gì chúng ta có, những gì chúng ta nhận được.
Đôi khi chúng ta quên rằng đứa con hoang đàng cũng là em ta. Nếu nó cần sự tha thứ của cha để trở thành con thực sự, thì nó cũng cần sự tha thứ của chúng ta để trở thành em nữa. Và hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta thực hiện việc tha thứ. Một sự tha thứ theo hình ảnh sự tha thứ mà Chúa ban cho mỗi người.
Như vậy cả hai người con đều làm phiền lòng người cha. Xét cho cùng chúng ta cũng thường làm phiền lòng Thiên Chúa như thế.
Là những người con đáng lý ra chúng phải hiểu rõ về cha của mình. Thế nhưng cả hai đã không làm được điều đó. Chính vì thế mà cách cư xử của cả hai người con đối với Cha mình có nhiều điều tắc trách.
Như vậy câu chuyện cho chúng ta thấy: Mọi tội lỗi chúng ta phạm ít nhiều đều bắt nguồn từ chỗ chúng ta còn thiếu sự hiểu biết về tình yêu của Thiên Chúa là Cha chúng ta.
Có một cậu bé tự cho mình là đứa trẻ bất hạnh nhất thế giới này. Trong con mắt của bạn bè, cậu là kẻ nhát gan, yếu đuối. Trên nét mặt cậu thường lộ vẻ sợ hãi. Cậu thở phì phò giống người ta kẻo bễ vậy. Khi bị cô giáo gọi đứng dậy đọc bài hay trả lời câu hỏi, đôi chân cậu lập tức run rẩy, môi liên tục mấp máy. Đương nhiên, cậu trả lời ấp úng và đứt quãng. Cuối cùng, cậu đỏ mặt xấu hổ quay về chỗ ngồi. Nếu cậu có một gương mặt đẹp, thì người khác có thể cảm tình với cậu một chút. Nhưng khi bạn thương hại nhìn cậu ta, thì bạn có thể nhìn thấy hàm răng hô xấu xí của cậu.
Vào một ngày mùa xuân, bố cậu bé xin nhà hàng xóm một ít cây giống. Bố cậu muốn trồng chúng trước nhà. Ông bảo các con, mỗi đứa trồng một cây. Ông nói với chúng, cây của ai lớn nhanh nhất, người đó sẽ được ông tặng cho một món quà giá trị. Cậu bé ấy cũng muốn nhận được món quà.
Nhưng khi nhìn thấy anh chị em hào hứng chạy đi, chạy lại tưới nước cho cây, không hiểu tại sao, trong đầu cậu lại nảy sinh ý nghĩ kỳ quặc: cậu mong cái cây mình trồng, mau chóng chết đi. Vì thế, cậu chỉ tưới nước cho cây hai lần, rồi sau đó bỏ mặc nó.
Một tuần sau, khi xem cái cây mình trồng, cậu bé ngạc nhiên khi phát hiện ra nó không những không héo úa, mà còn mọc ra mấy cái lá xanh nõn nà. So với những các cây mà anh chị em cậu trồng, dường như nó còn tươi tốt hơn và tràn đầy sức sống. Bố cậu thực hiện đúng lời hứa, mua cho cậu một món quà mà cậu thích nhất. Đồng thời, ông còn nói với cậu, cứ xem cách cậu trồng cây, thì sau này chắc chắn cậu sẽ trở thành một nhà thực vật học xuất sắc.
Từ đó trở đi, cậu bé dần dần trở nên lạc quan.
Vào một buổi tối, cậu bé trằn trọc không sao ngủ được. Nhìn ánh trăng vằng vặc ngoài sân, cậu chợt nhớ đến câu nói của thầy giáo dạy sinh vật: thực vật thường lớn lên vào lúc trời tối. Cậu nghĩ bụng, tại sao mình không xem thử xem cái cây mình trồng lớn như thế nào nhỉ? Khi cậu rón rén đi ra ngoài sân. Cậu nhìn thấy bố đang dùng gáo tưới nước cho cái cây cậu trồng. Ngay lập tức, cậu hiểu ra tất cả. Hóa ra, bố cậu âm thầm bón phân cho cái cây cậu trồng.
Cậu trở về phòng ngủ, gục mặt xuống giương mặc cho nước mắt chảy đầm đìa trên khuôn mặt.
Thấm thoắt mấy chục năm đã trôi qua. Cậu bé với đôi chân tập tễnh ấy, mặc dù đã không trở thành một nhà thực vật học như ước nguyện của người cha, nhưng lại trở thành tổng thống của nước Mỹ. Tên của ông là Franklin Roosevelt.
Tình yêu chính là chất dinh dưỡng tốt nhất của cuộc đời. Chỉ cần một gáo nhỏ, nhưng nó cũng có thể làm cho cái cây của cuộc đời trở nên tươi tốt, cành lá xum xuê. Có thể, cái cây đó rất bình thường, có thể cái cây đó rất nhỏ bé, thậm chí còn héo úa, nhưng chỉ cần được chăm bón bởi chất dinh dưỡng này, thì nó vẫn có thể trở thành những thân cây tươi tốt, thậm chí còn cao lớn chọc trời.
http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20160304/34080