Khuôn mặt người tôi tớ của Thiên Chúa
110
19/03/2016
CHÚA NHẬT LỄ LÁ Năm C - KHUÔN MẶT NGƯỜI TÔI TỚ CỦA THIÊN CHÚA
Is 50, 4-7; Pl 2, 6-11; Lc 22,14-23,56
Ta vừa đi lại khoảnh khắc hoành tráng, vinh quang mà người đời dành tặng cho Chúa Giêsu.
Bề ngoài, cuộc tiến vào thành Giêrusalem giữa tiếng tung hô của đám đông dân chúng nô nức phất cao cành lá: "Hoan hô Con Vua Đavit" có vẻ là một cuộc toàn thắng vang dội. Nhưng thực ra, đây là một cuộc mở màn Thương Khó mỉa mai nhất và có lẽ cũng là giai đoạn bi thương nhất của cuộc Thương Khó. Bởi vì Chúa biết rõ rằng trong niềm phấn khởi chóng qua của dân chúng, đã chất chứa một sức phản bội sẽ bùng nổ dữ trước mặt Tổng trấn Philatô trong tiếng kêu gào với những bàn tay nắm chặt đưa lên: "Đả đảo! Đóng đinh nó vào Thập giá!"
Lễ Lá thật ra đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong diễn tiến cuộc cứu độ của Đức Kitô, đánh dấu chặng đường đau khổ nhất của Chúa Giêsu trong hành trình làm người.
Qua đó cũng làm nổi bật thân phận Người Tôi Tớ của Ngài.
Thân phận người tôi tớ đó đã được gợi lên qua các hình ảnh của các ngôn sứ. Thân phận người tôi tớ đó đặc biệt được ngôn sứ Isaia nói rất nhiều và hiện thân rõ nét nơi Isaia. Ngôn sứ Isaia đã phác họa Ngài trong Bài Ca Người Tôi Tớ: Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu; tôi đã không che giấu mặt mũi, tránh những lời nhạo cười và những người phỉ nhổ tôi...'' (Is 50, 4-7)
Thân phận người tôi tớ ấy vừa được Thiên Chúa Cha an bài, vừa được loài người áp đặt trên thân thể Đức Kitô như con chiên hiền lành bị đem đi giết khi giờ đã điểm.
Thật vậy, Thánh Phaolô đã xác định về thân phận tôi tớ của Ngài: Chúa Kitô tuy là Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi...''(Pl 2, 6)
Khi tự hạ như thế, Chúa Giêsu đã bằng lòng chịu mọi vất vả nhọc nhằn, xỉ nhục cay đắng và chịu lấy án phạt của thân phận người tôi tớ.
Thân phận người tôi tớ của Ngài càng rõ hơn khi bước vào thành Giêrusalem để chịu chết cho nhân loại. Chính Ngài đã dạy các tông đồ những lời trăn trối thật cảm động: Vua chúa các dân ngoại thì thống trị dân, và những kẻ có quyền hành trên dân thì bắt họ gọi mình là ân nhân. Phần các con, thì không như thế, vì ai cao trọng hơn các con thì hãy trở thành như người nhỏ nhất, và làm đầu, hãy trở thành như người hầu bàn... Thế mà Thầy, Thầy ở giữa các con như người hầu hạ...” (Lc 22, 24-27).
Chính Chúa Giêsu đã hành động quá đẹp là hầu hạ trong bữa tiệc Thánh Thể giữa các môn đệ và Chúa Giêsu đã trở thành người tôi tớ thực sự mà ngôn sứ Isaia đã phác họa trong cuộc khổ nạn của Ngài. Ta thấy, Chúa Giêsu hoàn toàn im lặng không lời chống đối thở than và phó mặc cho loài người hành hạ, xỉ nhục, bắt vác thập giá lên đồi sọ và chịu họ đóng đinh giữa trời buồn tím đau thương cô đơn tất tưởi. Người tôi tớ trên tất cả các người tôi tớ ấy đã can đảm nhận lấy cái chết trong tình thương bao la vô bờ, bởi Ngài đã trao cả nhân loại cho mẹ Ngài chăm sóc và trút hết tình thương vào cái chết với lời kết thúc sau cùng: Mọi sự đã hoàn tất!
Dưới con mắt đức tin thì cái chết của Đức Kitô trên thập giá là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm, bởi vì chúng ta không thể hiểu được tại sao Con Một Thiên Chúa đã phải trải qua một thân phận đau đớn như thế? Mầu nhiệm, bởi vì một cách nào đó, người có niềm tin cũng cảm thấy mình đã thực sự tham dự vào việc đóng đinh ấy.
Chúng ta tuyên xưng rằng Ngài đã chịu đóng đinh vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, nghĩa là chính do tội lỗi của chúng ta mà Ngài đã phải treo trên thập giá. Tội lỗi của chúng ta ngày nay, cho dầu cách xa 2000 năm, vẫn là một chối bỏ, một tiếng reo hò, một sỉ vả hoặc chính một cái đinh đóng vào thân thể Ngài...
Mỗi lần ai đó cảm thấy cô đơn, đau thương dập vùi, hãy cố nhìn lên thân phận người tôi tớ của Đức Kitô, để nhận lấy sức mạnh trong trái tim yêu thương bao la của Ngài mà bước đi trong hành trình nhục nhằn kiếp người. Người đó sẽ còn thấy mình đang được đỡ nâng giữa đoàn người con cái của Chúa từ sau cuộc khổ nạn của Ngài cho đến hôm nay. Sức mạnh Đức Kitô người tôi tớ ấy không còn là sự thất bại của người nô lệ, nhưng theo Lời Thánh Phaolô, đã được Thiên Chúa tôn vinh và ban cho một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu. (Pl 2:8-9) Hãy tin tưởng và bước đi theo Ngài.
Ta cùng với Chúa Giêsu bước theo Ngài trên con đường thập giá và ta nhìn lên thập giá, nơi Ngài đã bị treo lên trong tủi nhục đau đớn.
Ta nhìn lên thập giá của Ngài để thấy được án phạt của tội lỗi. Nhìn lên thánh giá của Ngài để thấy được tình yêu bao la của Thiên Chúa. Phải, bên kia sự độc ác của tội lỗi, Chúa Giêsu chỉ muốn chúng ta nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa: một tình yêu không ngừng tha thứ, một tình yêu vượt lên trên mọi tư tưởng, mọi tiêu chuẩn phán đoán, mọi khát vọng của chúng ta.
Nhìn lên thập giá Chúa không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, mà trái lại để cảm nếm được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn được phấn khởi, tin yêu hơn...
Nhìn lên thập giá Chúa để cảm nếm được ơn tha thứ của Ngài. Như thế, chúng ta cũng được mời gọi để cảm thông, để tha thứ hơn đối với người anh em của chúng ta. Càng nhận ra được tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta càng được mời gọi để tha thứ nhiều hơn. Càng tha thứ nhiều hơn, chúng ta càng dễ cảm nếm được ơn tha thứ của Chúa hơn.
Xin Chúa cho ta lòng chạnh thương với anh chị em đồng loại như Chúa đã chạnh thương phận người tội lỗi của ta.
Huệ Minh