KHÁCH MỜI DỰ TIỆC
1 Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: 2 "Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. 3 Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. 4 Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: 'Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới'. 5 Nhưng những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán, 6 những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. 7 Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. 8 Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: 'Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. 9 Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới'. 10 Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.
11 Đoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. 12 Vua liền nói với người ấy rằng: 'Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?' Người ấy lặng thinh. 13 Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: 'Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng!' 14 Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít".
(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
A- Phân tích (Hạt giống...)
Dụ ngôn tiệc cưới:
- Tiệc cưới là Nước trời.
- Những người khách được mời đợt đầu nhưng chối từ là dân Do Thái.
- Những người khách được mời đợt sau là chư dân.
Trong dụ ngôn này có hai chi tiết hơi khó hiểu là:
- Vua ra lệnh phá hủy thành phố của những người không đáp lời mời: ám chỉ thành Giêrusalem bị phá hủy năm 70.
- Một người vào dự tiệc mà không mặc áo cưới nên bị phạt: áo cưới chỉ nếp sống mới. Được gia nhập Nước trời nhưng không có một nếp sống mới thì cũng bị phạt trong ngày phán xét.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. So với dân Do Thái, chúng ta chính là những người tốt có xấu có vất vơ ở các ngã ba đường nhưng được Chúa mời vào Giáo Hội. Hãy tạ ơn Chúa.
2. Câu chuyện người không mặc áo cưới là một lời cảnh giác chúng ta: để xứng đáng với tấm lòng của Chúa, chúng ta phải cố gắng hoán cải, có một nếp sống mới. Không phải nguyên việc trong Giáo Hội là đảm bảo cho ơn cứu rỗi đâu. Thánh Phaolô kêu gọi hãy từ bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới.
3. Tiệc cưới và áo cưới tượng trương cho những tâm tình cơ bản mà Kitô hữu phải luôn có, đó là hân hoan, vui mừng và yêu thương.
Có người đã tưởng tượng ra thiên đàng và hỏa ngục như hai bàn tiệc. Bàn tiệc dưới hỏa ngục cũng mâm cỗ đầy, thế nhưng khách dự tiệc thì ngồi ủ rũ buồn thiu, bởi vì mỗi người cầm một đôi đũa dài đến độ thức ăn gắp được nhưng không thể đưa vào miệng. Bàn tiệc trên thiên đàng thì cũng y hệt, nhưng khác một điều thay vì gắp thức ăn cho và miệng mình, thì người ta lại gắp thức ăn đưa vào miệng cho người đối diện. Thế là vui vẻ cả vì ai cũng được ăn no nê. (Mỗi ngày một tin vui)
4. Ngày nay chúng ta có thể “đọc lại” (relecture) dụ ngôn này và hiểu một nghĩa khác, khách được mời thứ nhất là chính chúng ta.
“Mọi sự đã sẵn sàng, xin mời đến dự tiệc”: Chúa dọn sẵn cho ta hai bàn tiệc là Thánh Thể và Lời Chúa. Đến đó, chúng ta sẽ được bồi dưỡng mọi thứ cần thiết. Thế nhưng rất nhiều lần chúng ta từ chối.
Cũng như những người trong dụ ngôn, chúng ta coi việc “đi thăm trại” và “buôn bán” (những việc làm ăn, vui chơi) trọng hơn bàn tiệc của Chúa.
5. “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. 9 Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới.” (Mt 22,8-9)
Tiếng còi của trọng tài đã vang lên kết thúc trận đấu chung kết của khoa.
Đó cũng là tiếng còi khai mạc cho những tràng pháo tay, những niềm vui hân hoan của những cổ động viên (là những thành viên trong lớp tôi).
Trước đây, tinh thần này không thấy được trong lớp tôi, các bạn trong lớp chia băng, kết bè, ít quan tân đến việc trong lớp, chuyện của mỗi người theo chủ nghĩa "Mac-ke-no" (mặc kệ nó).
Đội bóng lớp tôi đã đạt được chức vô địch khoa. Nhưng cao quý hơn nữa là mỗi người đã phá vỡ cái tôi, bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới, con người của sự yêu thương và chăm sóc, con người của tình đoàn kết và hòa đồng.
Lạy Chúa, xin cho con biết đến với anh em, xóa bỏ mặc cảm tự ti, để có thể hòa mình cùng dòng người vào tiệc cưới trong nhà Cha. (Hosanna)
6. “Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: 'Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới'. Nhưng những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi.” (Mt 22,4-5).
Kết thúc cuộc chiến, người lính trẻ viết thư về cho bố mẹ, báo tin ngày về: “Thưa cha mẹ, con có người bạn cùng chiến đấu sống chết với con, nay đã thành kẻ tàn phế. Chiến tranh cướp đi người bạn con đôi tay. Con muốn anh ta sống với gia đình để con có thêm người bạn”. Người Cha đã hồi âm: “Không được con ơi, một người tàn phế như vậy thì có ích gì!” Nhận được thư, người con đã quyết định không bao giờ trở về nhà bởi vì con người tàn phế đó không ai khác, chính là anh!
Khác xa người cha trong câu chuyện, Chúa chẳng bao giờ chối bỏ con. Trái lại, Chúa vẫn tiếp tục gõ cửa nhà từng người chúng con để mời gọi chúng con dự phần vào sự sống và niềm vui của Chúa, nhưng nhiều khi chúng con đã khước từ. Xin tha thứ và cho chúng con luôn biết đến với Chúa với tấm lòng của người con thảo. (Hosanna)
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
http://tonggiaophansaigon.com/suy-niem/20150819/31773