Gặp Gỡ Đức Kitô Trong Đời Sống Thánh Hiến
GẶP GỠ ĐỨC KITÔ TRONG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
Mùa hè đối với các hội dòng thánh hiến thường được gọi là Mùa Hồng Ân, bởi trong khoảng thời gian này, các hội dòng thường có các chương trình tĩnh tâm năm, lễ khấn hoặc lễ thụ phong linh mục; Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội Phan Thiết cũng không ngoài chu kỳ thường lệ của các hội dòng thánh hiến này.
Sau đợt tĩnh tâm năm của các anh em khấn trọn kéo dài 5 ngày từ 26/06/2017 đến 30/06/2017 là đợt tĩnh tâm của các anh em khấn tạm bắt đầu từ chiều 04/07/2017 và kết thúc với giờ chầu Thánh Thể Tạ Ơn chiều 09/07/2017 tại Đan Viện Xi-tô Châu Thủy, thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Có thể nói, Đan Viện Xi-tô Châu Thủy quả là một trong những nơi lý tưởng để các nhóm, đoàn hay hội dòng chọn làm nơi tĩnh tâm sau những khoảng thời gian bận rộn với việc học hành hay hoạt động mục vụ. Vì thế, anh em lớp khấn tạm của Tu Đoàn BAXH đã chọn nơi đây cho đợt tĩnh tâm năm của mình.
Tuy với thời gian tĩnh tâm ngắn ngủi 5 ngày, nhưng anh em lớp khấn tạm cũng cảm thấy đó là những khoảnh khắc thật bổ ích cả về thể chất lẫn tinh thần, nhất là về đời sống thiêng liêng. Mặc dù không tham dự vào các giờ chung của anh em Đan Sĩ, nhưng bầu khí thanh bình yên ả của Đan Viện cũng tạo cho các anh em tham dự tĩnh tâm cảm thấy tâm hồn mình an bình và thánh thiện. Cảm giác tuyệt vời đó càng được nhân lên với những bài chia sẻ thật tâm tình và sâu sắc của thầy Stêphanô Nguyễn Khắc Dương, một bậc thầy trong làng triết học của Việt Nam, và là bậc lão thành trong kinh nghiệm sống của người Ki-tô hữu, kể cả bậc sống giáo dân cũng như bậc sống thánh hiến. Với chủ đề chính “Gặp Gỡ Đức Ki-tô Trong Đời Sống Thánh Hiến” thầy Stêphanô đã làm sáng tỏ bản chất của người tu sĩ khi sống trọn vẹn với ba lời khấn khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Bên cạnh đó, thầy cũng làm cho anh em hiểu rõ hơn, sâu xa hơn linh đạo “bác ái xã hội” của Tu Đoàn.
Trong hai ngày đầu, câu hỏi được thầy Stêphanô đặt ra cho anh em là: “Anh em đã gặp được Chúa Ki-tô chưa, gặp ở đâu, và trong bối cảnh nào?” Đối với thầy, phải chăng anh em có thể gặp được Chúa trong những ngày tĩnh tâm? Phải chăng chỉ có thời gian tĩnh tâm anh em mới có thể gặp được Người? Hay có thể chăng anh em gặp được Người trong mọi lúc, mọi nơi? Nơi những hoạt động mục vụ cao cả hay nơi những công việc nhỏ nhặt thường ngày? Đó là những gợi ý cho anh em suy tư và đào sâu ý nghĩa của người tu sĩ có Chúa hay gặp được Chúa trong suốt chặng đường “bước theo Thầy” của mình. Mặc dù có muôn nghìn cách thức gặp gỡ Đức Ki-tô, nhưng theo thầy Stêphanô, điều thiết yếu và quan trọng nhất là người tu sĩ cần phải trở về với chính mình, tìm gặp Chúa trong chính nơi sâu thẳm của tâm hồn mình, hay nói cách khác, người tu sĩ cần phải có một đời sống nội tâm sâu xa, bất kể đó là dòng chiêm niệm hay hoạt động. Và để được như thế, người tu sĩ cần phải biết lắng nghe tiếng Chúa nói với mình qua việc siêng năng đọc và suy ngẫm Kinh Thánh. Trong ba ngày còn lại, thầy Stêphanô chia sẻ với anh em về đời sống thánh hiến và ba lời khuyên Phúc Âm. Theo thầy, người tu sĩ không “khấn” với Chúa nhưng là thề, là nguyền, là hứa với Chúa. Chữ “khấn” chưa đủ để diễn tả mối tương quan hay giao ước giữa cá nhân người tu sĩ đó với Thiên Chúa. Nghĩa là, trong chính ngày lễ khấn dòng, người tu sĩ với ý thức đầy đủ và với sự tự do khi nói “tôi thề hứa, đoan nguyền rằng ...” và “tôi” phải giữ đúng lời thề hứa và đoan nguyền ấy, nhất là đó lại là thề hứa và đoan nguyền với Đấng Chí Thánh, Chí Tôn, lời thề hứa của thụ tạo đối với Đấng Tác Tạo. Trong lời khuyên Phúc Âm về đức khiết tịnh, thầy Stêphanô ví thời khắc mà người tu sĩ nói lên thề hứa với Thiên Chúa “giữ đức khiết tịnh” được sánh như (và có thể cao trọng hơn) lời thề ước kết giao giữa hai người nam nữ trong ngày lễ thành hôn của họ. Chính vì thế, với bất cứ hành vi nào, và dưới bất kỳ hình thức nào nếu tổn hại đến lời thề ước này đều bị kể như là “kẻ phản bội, kẻ bất trung”. Kế đến, thầy Stêphanô gợi mở cho anh em suy tư về đức khó nghèo. “Khó nghèo” ở đây không có nghĩa là sống mà không có gì hay sống kham khổ bần cùng, nhưng là sống mà không ham, không ham thế gian, không ham tiền tài của cải, hay tiện nghi vật chất, v.v. đó mới quả thực là “sống nghèo”. Còn đối với đức vâng phục, theo thầy Stêphanô, vâng phục chứ không phải là “chịu lụy” hay “chịu vậy”, vâng phục cũng không phải là thái độ của một kẻ nô lệ chỉ biết “nhắm mắt đưa chân” hay răm rắp làm theo lệnh của chủ như một con rô-bốt, nhưng là thái độ của một ngôi vị có lý trí và ý chí tự do. Người biết vâng phục đích thực là người nhận ra rằng Thiên Chúa có cách thức và đường lối nhiệm mầu của Người, người sắp đặt và dẫn dắt ta trong ý định siêu việt mà lý trí con người không thể đoán trước hay dò thấu được. Và như thế, người tu sĩ một khi sống đức vâng lời chính là sống vâng theo thánh ý Thiên Chúa trong suy tư và cầu nguyện, thông qua những đấng bề trên của mình.
Trong ngày cuối của kỳ tĩnh tâm năm, thầy Stêphanô giúp anh em làm sáng tỏ hơn và hiểu sâu xa hơn ý nghĩa của đức ái Ki-tô giáo, nhân đức mà tất cả anh em Tu Đoàn BAXH lấy đó làm linh đạo của mình qua các hoạt động bác ái xã hội của mình. Bác ái Ki-tô giáo không đơn thuần là một công tác từ thiện hay bố thí, hay lấy đó làm phương tiện để dụ dỗ, lôi kéo người khác “theo đạo”, “chịu rửa tội” rồi bỏ mặc, thôi bác ái đối với họ; bác ái Ki-tô giáo đích thực phải là “vô cầu”, nghĩa là qua và nhờ Đức Ki-tô, ta bác ái cho chính đối tượng đó, vì họ và cho họ, không vì bất cứ một mục đích hay tư lợi nào khác, dù đó là những ý hướng hay mục đích khoát áo tốt lành, thánh thiện; nếu không cẩn trọng, chúng ta có thể sẽ dễ dàng rơi vào “chước cám dỗ của những việc thiện”.
Kỳ Tĩnh Tâm Năm của anh em Lớp khấn tạm đã khép lại với giờ Chầu Thánh Thể Tạ Ơn trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng, hân hoan và cũng đầy luyến tiếc. Luyến tiếc vì phải từ giã những phút giây được hưởng lấy bầu khí an bình, tĩnh lặng của Đan Viện, được nghe tiếng hát “Kinh Sáng, Chiều, Đêm của các Đan sĩ Xi-tô, luyến tiếc những bài chia sẻ sâu sắc nhưng không kém tâm tình của thầy Stêphanô, và luyến tiếc hơn cả đó là những phút giây bên Chúa, được quỳ thinh lặng trước Thánh Thể và chiêm ngắm Người. Tuy nhiên, sự luyến tiếc ấy đã được Cha Giuse Đặng Xuân Tiếp, Đặc trách Đào tạo của Tu Đoàn bù đắp bằng chính lời động viên và lời mời gọi của Thầy Giê-su trong phần Suy Niệm Trước Thánh Thể: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 28-30).
Đã đến lúc phải rời Đan Viện để trở về Tu Đoàn với bao dự tính công việc đang còn chờ anh em phía trước, nhưng tâm hồn anh em Lớp khấn tạm chắc sẽ thấy an bình hơn, hân hoan hơn và mạnh mẽ hơn trong bước đường tương lai dấn thân phục vụ lý tưởng của mình để qua đó anh em sẽ gặp được Chúa trên nẻo đường anh em đang đi, anh em sẽ tìm gặp hạnh phúc đích thực trong cuộc đời thánh hiến của mình.
Lạy Chúa, Chúng con xin chúc tụng và cảm tạ Chúa vì “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Nguyện xin Chúa tuôn đổ hồng ân xuống trên chúng con như Chúa đã tuôn đổ ơn phúc của Ngài trên chúng con từ trước đến nay, và nhất là trong kỳ Tĩnh Tâm Năm của chúng con vừa qua!
Giuse Nguyễn Văn Thưởng