GÁNH NHAU TRONG ĐỜI
122
27/11/2020

Nhân sự kiện tối mai Hội Đồng Giám Mục Việt Nam tổ chức đêm nghệ thuật hướng về miền Trung với chủ đề "Gánh Nhau Trong Đời", tôi xin tản mạn vài dòng về tương quan cái "gánh" trong cuộc đời "người" và "ta": "NGƯỜI TA".
Trước hết, có thể nói, Gánh Nhau Trong Đời là chương trình nghệ thuật "hợp thời trang" và đậm đà tính nhân văn. Cái gánh thực tiễn, lại mang chiều kích không gian địa lý, gói gọn chiều sâu nhân văn và xác tín niềm tin tâm linh.
MIỀN TRUNG GÁNH HAI ĐẦU TỔ QUỐC
Không hẳn nghe qua phần chia sẻ của NSƯT Vũ Thành Vinh trong buổi họp báo tôi mới nghĩ tới điều này. Đây là từ ngữ đâu đây có nhà báo đã dùng. Riêng tôi, sau khi trải nghiệm miền Trung, nhiều người đặt vấn đề: "Đồng bào miền Trung năm nào cũng lũ lụt, tại sao họ không ra Bắc, vào Nam...sống để cuộc sống được bình an...?" Câu hỏi rất thực tế nhưng câu trả lời không đơn giản dừng lại ở lĩnh vực di dân. Ta thử tưởng tượng một viễn ảnh đồng bào miền Trung tập trung về hai đầu tổ quốc...đất đâu sống? Ruộng đâu cày? Nhà đâu ở? Rồi cả một dải dài miền Trung đất Việt giao ai quản? Hay miền Trung lại giao cho "Trung" thuê đất chia cắt hai miền Nam Bắc...? Không thể...Nhìn ở góc độ địa lý, quả thực miền Trung đang gồng gánh cho hai đầu tổ quốc. Nói như ý tưởng của NSƯT Vũ Thành Vinh, hai đầu tổ quốc càng phát triển, càng cồng kềnh thì cái gánh của miền Trung càng bị oằn xuống...Nói như thế để ta thấy thế mạnh của đất nước thuộc về hai đầu tổ quốc thì không thể phủ nhận sự gánh vác của miền Trung cho sự phát triển ấy. Cả đất nước hình chữ S là một cái gánh tổng thể, trong đó miền Trung ở giữa chịu sức nặng cho hai đầu. Cám ơn miền Trung! Trả ơn: Phải chăng làm nhẹ "GÁNH" cho miền Trung là trách nhiệm của tôi và bạn?
KHÔNG AI LÀ MỘT HÒN ĐẢO
Xã hội loài người xác nhận không ai là một hòn đảo, nghĩa là trong cuộc sống này không ai có thể sống trọn vẹn ý nghĩa của một con người mà không có một dính bén nào tới người khác...Chúng ta sống là sống "VỚI". Hơn thế nữa, trong tín ngưỡng dân gian và kinh nghiệm thực tiễn, ta có cảm giác một sự gánh vác cho nhau trong tương quan sinh mệnh. Cách nói "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời", "cha mẹ hiền lành để đức cho con"...hình như phảng phất một chiều kích tâm linh gánh nhau trong kiếp nhân sinh: tôi chịu đau khổ gánh cho bạn, chịu thay cho bạn...Chúng ta kinh nghiệm có một sự bù trù nào đó. Trong gia đình, có người đau khổ nhưng cũng có người dường như không biết mùi đau khổ; có người bệnh tật, lại có người khoẻ mạnh; có người tài năng, lại có người bất tài; có người thành công, lại có người thất bại ê chề; có người hiền lành, lại có người thật đáng sợ...Người ta vẫn thường nói: "sao cái thằng anh không bù cho thằng em"; "đứa em lấy hết phần chị nó"....Thật khó phanh phui được liên hệ khó hiểu này. Nhưng đó là hiện sinh và thực tế chúng ta vẫn đối diện hàng ngày. Câu chuyện trong Thánh Kinh, chính Thượng Tế Caipha đã nói về Chúa Giesu rằng: “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt". Phải chăng, đau khổ của đồng bào miền Trung, của anh chị em bên cạnh tôi, chính là người đã "GÁNH" thay tôi? Tôi có bổn phận làm nhẹ gánh?
CÓ THẬT LÀ LÀM ƠN?
Người Kito hữu xác tín một điều căn bản rằng: Tình thương mà Thiên Chúa dành cho con người là TÌNH YÊU NHƯNG KHÔNG. "Nhưng không" nghĩa là từ "KHÔNG" mà "CÓ", từ zero mà hiện hữu. Trong nhãn quan này, chúng ta có trên cuộc đời này là ơn ban nhưng không. Chúng ta không tự mình tạo ra chính mình. Ta vốn là từ hư vô mà Thượng Đế vì yêu thương đã nắn ta nên hình nên dạng "giống hình ảnh Ngài" trở thành một hữu thể có mặt trên trần gian. Như thế, ta mang ƠN Đấng tạo nên ta. ƠN LÀ TỪ KHÔNG MÀ CÓ. Trong chiều hướng này, truy cho cùng, cách ta nói làm ơn cho người khác thực ra không phải ta làm ơn, ta ban ơn mà ta TRAO ƠN, là "shipper" cho anh chị em ta. Khi lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giesu đã chẳng mời gọi các môn đệ hãy trở thành tấm bánh bẻ ra và trao cho tha nhân?. TRAO đó là trách nhiệm, là bổn phận, vì ta đã NHẬN NHƯNG KHÔNG thì phải trao, phải chuyển cho tha nhân, cho đồng bào: chính là anh chị em con cùng một Cha Trên Trời. Vì thế, "GÁNH" cho nhau không phải tôi ban phát, làm ơn mà phải chăng là bổn phận tôi phải chu toàn trong cuộc đời này?
Cám ơn HĐGMVN, cám ơn người có tưởng và sáng kiến này, cám ơn tất cả mọi thành phần đang nỗ lực hết mình cho đêm nghệ thuật của TÌNH NGƯỜI, CỦA TÌNH THƯƠNG. Quả đúng là nghệ thuật vị nhân sinh. Cầu chúc mọi sự thành công tốt đẹp và trở thành điểm xuất phát mới cho Tình Thương được lan toả khắp nơi nơi: GÁNH NHAU TRONG ĐỜI!!!


- Băng Nhân -