DƯ LUẬN

95 24/09/2015
DƯ LUẬN
Thứ Năm Tuần XXV Thường Niên
Lời Chúa: Lc 9,7-9

7 Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, 8 vì có kẻ nói rằng: "Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại"; còn kẻ khác lại nói: "Ông Êlia đã hiện ra"; kẻ khác nữa nói rằng: "Một tiên tri thời xưa đã sống lại". 9 Nhưng Hêrôđê thì nói: "Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?" và vua tìm cách gặp Người.

(Nguồn: Uỷ ban Thánh Kinh / HĐGMVN) 

Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống...)

Phản ứng của vua Hêrôđê trước dư luận về Chúa Giêsu.

- Những dư luận về Chúa Giêsu:

a/ Gioan Tẩy giả sống lại.
b/ Êlia hiện ra.
c/ Một ngôn sứ thời xưa sống lại.

- Phản ứng của vua Hêrôđê:

a/ Hơi sợ, vì nếu Gioan Tẩy giả sống lại thật thì ông sẽ bị Gioan hỏi tội, bởi ông đã ra lệnh chém đầu Gioan.
b/ Mặt khác, vốn chịu ảnh hưởng văn hóa Hy Lạp, ông không tin vào việc sống lại, cho nên ông không nghĩ rằng Chúa Giêsu là Gioan, Êlia hay bất cứ một ngôn sứ nào khác sống lại.
c/ Tuy nhiên ông không thể cắt nghĩa việc Chúa Giêsu làm những phép lạ. Tóm lại, ông phân vân. Vì thế ông tìm cách gặp Chúa Giêsu.

B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Ngày xưa có nhiều dư luận về Chúa Giêsu. Các tông đồ đã đi khắp nơi để làm chứng cho người ta hiểu đúng Chúa Giêsu thực sự là ai.

Ngày nay cũng có nhiều dư luận sai lạc về Chúa Giêsu. Người ta nghĩ Ngài là ai? (Những người của các tôn giáo khác nghĩ gì? Những người vô thần nghĩ gì? Những người đầu óc nặng thành kiến khoa học thực dụng nghĩ gì?…) Thực ra, Chúa Giêsu là ai? Tôi phải làm chứng cho Ngài thế nào?

2. Hêrôđê tìm cách gặp Chúa Giêsu chỉ để giải đáp thắc mắc và để thỏa mãn sự tò mò. Phần tôi thì tìm gặp Chúa Giêsu để xin ơn. Như thế có đủ và đúng chưa?

3. Dù muốn hay không, người ngoài Giáo Hội vẫn đồng hóa Kitô hữu với Đức Kitô. Thấy Kitô hữu thế nào thì họ nghĩ Đức Kitô thế ấy. Vì thế, dù muốn hay không, cách sống của Kitô hữu cũng là một lời chứng về Đức Kitô. Làm chứng đúng hay sai, tốt hay xấu là trách nhiệm nặng nề của chúng ta.

4. Chúa Giêsu đã là một dấu hỏi cho những người thời Ngài. Mỗi người chúng ta cũng phải là một dấu hỏi cho những người thời nay. Một kiểu sống rập khuôn “ai sao tôi vậy”, một kiểu sống sợ bị người khác coi là khác thường… không phải là một dấu hỏi. Ta không chủ trương sống lập dị, nhưng ta không có quyền che dấu những nét đẹp độc đáo của niềm tin chúng ta.

5. “Nhưng Hêrôđê thì nói: ‘Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?’ và vua tìm cách gặp Người.” (Lc 9,9)

6. Khi nghe dư luận đồn về Chúa Giêsu: “Đó là Gioan từ cõi chết chỗi dậy” hay “Ông Êlia xuất hiện”… vua Hêrôđê tìm dịp gặp Chúa Giêsu để xem Ngài là ai.

Khác với Hêrôđê, để tìm gặp Chúa, Dakêu đã dấn bước lên đường. Ông leo cây vả và đã bắt gặp ánh mắt Chúa giữa đám đông. Ông đã biến đổi hoàn toàn. Còn Nicôđêmô lại tìm Chúa trong khung cảnh tĩnh mịch ban đêm.

Tôi cũng tìm Ngài trong cuộc đời, trong những giờ phút thinh lặng cầu nguyện, trong tiếng cười nói vui đùa của trẻ thơ, hay trong mỗi người tôi gặp gỡ. Và tôi tin rằng Chúa sẽ không chối từ khi tôi biết mở lòng ra đón Ngài.

Lạy Chúa, niềm vui và hạnh phúc của con là được gặp Ngài trong cuộc đời. (Hosanna)

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

http://tonggiaophansaigon.com/suy-niem/20150923/32156

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP