ĐI RAO GIẢNG
7 Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. 8 Và Người truyền các ông đi đường đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, 9 nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. 10 Người lại bảo: "Đến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. 11 Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ". 12 Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. 13 Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.
(Nguồn: Ủy ban Thánh Kinh / HĐGMVN)
A- Phân tích (Hạt giống...)
Trước đây Chúa Giêsu đã chọn 12 tông đồ, mục đích là “để họ ở với Ngài và để Ngài sai họ đi rao giảng” (Mc 3,14). Vậy sau khi họ đã“ở với Ngài” một thời gian, nay Ngài “sai họ đi rao giảng”. Đây là những người còn non yếu, cho nên trước khi họ ra đi, Chúa chỉ dẫn họ những điều cần thiết.
Mục đích lần sai đi này là “để họ đi rao giảng”. Họ phải giảng điều gì và giảng thế nào?
- Về nội dung lời giảng, thánh Marcô tóm lược trong công thức rất gọn “Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối”. Như thế, đây là nội dung chính, tất cả những lời rao giảng khác đều quy về nội dung chính này. Hơn nữa, đây cũng chính là nội dung rao giảng của Chúa Giêsu (x. Mc 1,15) và của Gioan tiền hô (x. Mc 1,4).
- Về cách giảng: họ không chỉ giảng bằng lời kêu gọi, mà còn bằng:
a/ việc làm chứng (c.7: Họ đi từng nhóm 2 người, đúng quy định của luật Môsê về điều kiện để sự làm chứng có giá trị).
b/ việc giải thoát người ta khỏi xiềng xích của thế lực gian tà (“trừ quỷ”).
c/ việc giải thoát người ta khỏi đau khổ thể xác (“chữa bệnh”).
- Những chỉ dẫn về tác phong người rao giảng có thể tóm lại trong hai điều: Nghèovà tin tưởng vào Chúa quan phòng.
B- Suy gẫm (... nẩy mầm)
1. Cách giảng hữu hiệu nhất là làm chứng, và cách làm chứng hữu hiệu nhất là một cuộc sống nghèo, không cần gì khác ngoài ơn Chúa.
Đã có lần Lênin nói về Thánh Phanxicô Assisi như sau "Để có thể thay đổi bộ mặt thế giới, có lẽ chỉ cần 10 con người như vậy". (Trích "Mỗi ngày một tin vui")
2. Chúa Giêsu sai các môn đệ đi “từng hai người một”: việc truyền giáo là việc của tập thể và phải làm trong tinh thần cộng tác với nhau. Có những người làm việc Chúa nhưng đã không theo tinh thần ấy: họ làm theo chủ nghĩa anh hùng cá nhân, không thích bị người khác kiểm soát, không muốn người khác chia sẻ thành công…
3. Ngày kia, thánh Phanxicô Assisi nói với một thày dòng: “Nào chúng ta cùng đi phố và giảng đạo.” Hai người ra đi, hết con đường trước mặt, quẹo sang đường khác rồi về nhà. Thày dòng thắc mắc hỏi: “Con nghe ngài nói là mình đi phố và giảng đạo cơ mà!” Thánh Phanxicô đáp: “Chúng ta đã giảng đạo rồi đó! Khi chúng ta đi đường. Mọi người nhìn ta, thấy phong cách của ta, nghĩ về đời sống của ta và rồi họ sẽ thắc mắc về nguồn sống nơi linh hồn của họ. Như thế chẳng phải là ta đã giảng đạo cho họ rồi sao?"
Câu nói của thánh nhân quả là khôn ngoan. Kitô hữu không có cách truyền giáo nào hay hơn là chính đời sống chứng tá của họ. (Góp nhặt).
4. “Nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì ra khỏi nơi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” (Mc 6,11)
Để tiện việc ôn thi đại học của đứa em, tôi phải thuê nhà trọ ở gần trường và ở chung với nó. Rồi một buổi tối, trời mưa như trút nước, ba mẹ con hành khất đến xin chủ nhà cho ngủ trọ. Người chủ nhà từ chối và tìm cách đuổi khéo.
Nhìn bóng ba mẹ con hành khất khuất dần trong bóng tối, tôi cảm thấy sức nặng của Phúc Âm và những đòi hỏi quyết liệt của nó. Giả như các môn đệ của Chúa đến với tôi không bị, không bánh, không tiền, liệu tôi có thể tiếp nhận các ngài không? Rất có thể một lần nữa, các ngài sẽ bị xua đuổi hay khước từ.
Lạy Chúa, xin cho con biết nhận ra Chúa nơi tất cả mọi người, nhất là những người cùng khổ, để luôn ân cần đón tiếp mọi người. (Epphata)
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
http://tgpsaigon.net/suy-niem/20160203/33793