Chúa Nhật XXXIII Thường Niên-C

86 16/11/2019
Chúa Nhật XXXIII Thường Niên-C

CHÚA NHẬT XXXIII TN – NĂM C
Lc 21, 5 – 19
------------------------

 

Năm phụng vụ là năm Giáo hội dùng để cử hành các mầu nhiệm đức tin, mầu nhiệm về cuộc đời Chúa Ki-tô cùng kính nhớ đức mẹ và các thánh những người đã sống những mầu nhiệm đó cách tuyệt vời. Năm phụng vụ đó đã sắp hết, lợi dụng tính cách tận cùng này, lời Chúa hôm nay cho chúng ta suy gẫm đôi điều về ngày tận thế.

 


Những biến cố chính :

- Cuộc khủng hoảng lớn khắp cả vụ trụ và ngay trên mặt đất.
- Chúa sẽ trở lại trong vinh quang.
- Trước ngày Chúa đến Giáo hội Chúa gặp nhiều thử thách biết những biến cố đó không phải để thỏa tính tò mò, mà là sống tinh thần mới theo Tin Mừng.

 

Đền thờ Giê-ru-sa-lem đang được các tông đồ trầm trồ khen ngợi. Mặt tiền đền thờ giát bằng vàng lá, toàn bộ ngôi đền thờ có một màu trắng bạc. Vào lúc chiều ta, đứng trên đồi Oliu nhìn xuống, người ta sẽ thấy một cảnh huy hoàng tráng lệ tuyệt vời, người Do Thái nào mà không hãnh diện trước cảnh huy hoàng tráng lệ này. Và họ có thể coi đó như vinh quang của Chúa Gia-vê nữa.

 

Các tông đồ tỏ bày niềm kiêu hãnh đó với Chúa và thầm nghĩ rằng đền thờ không bao giờ bị tàn phá được. Vậy mà Chúa GIê-su lại tuyên báo cho họ : "những gì anh em chiêm ngưỡng sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào".

 

Số phận đền thờ và thành thánh Giê-ru-sa-lem đã xảy ra đúng như vậy. Năm 70 tức 40 sau khi Chúa tuyên báo, nhân một vụ nổi loạn của người Do Thái, một ông tướng La-mã đã đem một sứ đoàn quân đội đến bao vây nhiều tháng trời và cuối cùng làm cho thành người chết vì đói, vì giết nhau ăn thịt, vì lính La-mã giết có trên một triệu, còn bị thương không nói, chín mươi bảy ngàn người bị bắt làm nô lệ.

 

Đó là số phận của công trình loài người từ cổ chí kim, không có gì là tồn tại. Ngay đến cả vũ trụ Chúa dựng nên cho loài người hưởng dùng, mà vì tội lỗi, loài người đem sự chết, sự tàn phá cho đến cả vũ tụ. Dân cư trên mặt đất chống nhau. Động đất mất mùa, dịch bệnh, đói kém. Những điềm lạ trên trời.

 

Công trình cứu độ của Chúa cũng bị vạ lây. Các tín hữu bị bắt bớ, bị giết. Ta thấy qua hai ngàn năm từ ngày Chúa đề cập đến tương lai vũ trụ và Giáo hội đã và đang xảy ra liên tục biết bao điều như Ngài nói. Thời gian khủng hoảng không biết kéo dài bao lâu nữa, nhưng ta thấy càng ngày càng tăng những cơn khùng hoảng trước mắt chúng ta.

 

Trong khi các tông đồ muốn biết lúc nào thì đến ngày chung cuộc của Giê-ru-sa-lem Chúa lại tiếp tục nói đến một biến cố lớn lao đến cả vũ trụ, đó là ngày tận thế, ngày mọi công trình con người bị hủy diệt hoàn toàn. Chúa lại đặt vấn đề sống đức tin như thế nào giữa các biến cố đó. Vấn đề là làm thế nào để trời đất này qua đi, sẽ có thế giới mới xuất hiện, nhưng phải làm sao để mình được tham dự cuộc toàn thắng vinh quang Chúa dành cho con cái trung thành của Ngài.

 

Điều Ngài muốn nhấn mạnh trước hết là một niềm tin tinh tuyền như Tin Mừng Ngài truyền lại qua các tông đồ, qua Giáo hội hoàn vũ. Tuy Giáo hội bề ngoài, đúng hơn là con cái Giáo hội đã sống sai Tin Mừng, đã có nhiều hành động tập thể gây nên chia rẽ, khiến đức thánh Cha phải đi xin lỗi, những giáo lý tông truyền thì không bao giờ sai được. Vì chính Chúa Thánh Thần vẫn ở với Giáo hội, điều khiển Giáo hội, gìn giữ Giáo hội.

 

Phần mỗi người chúng ta, chúng ta cũng cần cố gắng mỗi ngày để sống Tin Mừng. Một Tin Mừng không phải là một lý thuyết suông nhưng là tình yêu Thiên Chúa chia sẻ với chúng ta. Tin Mừng là của ăn tinh thần để hoán cải cuộc đời ta. Không được có đạo hình thức, chỉ biết dâng của lễ, mà không sống được thánh ý Thiên Chúa. Mỗi ngày Chúa nhật, chúng ta vẫn đi dâng lễ đó, nhưng về nhà ta vội quên đi Tin Mừng Chúa gửi đến cho ta làm chất liệu cho cuộc sống đức tin. Và như thế tư tưởng lời nói việc làm của ta chỉ có một sự hướng dẫn duy nhất là sống theo thói thế gian.

 

Công anh đi lễ hàng tuần
Anh chê lời Chúa anh còn được chi
Đời này anh đã mất đi
Thiên đàng cũng mất còn gì không anh


Phần thứ hai của Tin Mừng này là : Số phận Giáo hội và người tín hữu chân chính luôn gắn liền với số phận của Chúa Ki-tô, đó là thập giá.

 

Thập giá Chúa không mến, không thương mà Chúa đã xin Cha cất đi cho Ngài. Nhưng thập giá không tránh được vì thế gian thì sống theo điều khiển của Satan, Chúa thì sống theo thánh ý Cha, Satan chống Chúa không được thì Satan thù ghét với số phận con người, "giận cá chém thớt", Satan dùng con người giết người, tàn phá Giáo hội. Cho nên thập giá đến với Chúa và đến với chúng ta.

 

Nhưng Thiên Chúa toàn năng, Ngài có kế hoạch, có biện pháp của Ngài nơi bản thân Ngài, Ngài dùng tình yêu mà chiến thắng. Nơi chúng ta Ngài dùng quyền năng của Thánh Thần Ngài đem chiến thắng đến cho chúng ta. Ngài kêu gọi chúng ta hãy "đừng sợ", vững niềm tin giữa gian nan thử thách.

 

Hôm nay mừng các thánh tử đạo Việt Nam, lại một lần nữa Giáo hội kính mừng những người mẫu mực của đức tin. Những người tuyệt đối trung thành với đức tin đó, đã cho chúng ta thấy các Ngài không nhờ sức mình mà được can đảm. Có vị chối đạo trước như thánh Gẫm nhưng thánh Gẫm lại tử đạo sau. Có người như bà thánh Lê, thánh Thành chỉ là những bà nội trợ yếu đuối. Vậy thì can đảm các Ngài lấy ở đâu? Chỉ có Chúa Thánh Thần, mà Chúa Giê-su gửi đến cho các Ngài, để từ một người yếu đuối mọn hèn trở thành người dũng sĩ của đức tin.

 

Kẻ thù đức tin chúng ta hôm nay chính là tính nhát sợ đem lời Chúa vào đời để sống. Yêu thương nhất là yêu thương người nghèo khổ hơn mình. Sống cho có sự tôn trọng tha nhân, đừng vì bất cứ một đòi hỏi nào mà xâm phạm đến những quyền lợi chính đáng kẻ khác. Đừng vì những đam mê như rượu chè sắc dục mà làm đau khổ cho gia đình. Đừng vì tính ích kỷ mà không muốn giúp đỡ lẫn nhau. Đừng vì ghen tương mà đâm ra phá hoại nhau, phá hoại công ăn việc làm của nhau. Đừng vì dại dột mà phá thai, vì phá thai là giết người. Thanh niên đừng vì tự ái kiêu căng mà thử ma túy.

 

Đi theo tiếng "đừng sợ" của Chúa, có biết bao tiếng "đừng" mà lương tâm Ki-tô giáo buộc chúng ta phải đem ra thực hành, mà nếu chúng ta không dám từ bỏ thói đời để theo Chúa, thõa hiệp với thế gian thì đó là sống một thứ đức tin dối trá, sống theo tiên tri giả.

 

"Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì có nhiều người mạo danh thầy đến nói rằng : chính ta đây".

 

Nói cách khác đừng thờ Chúa mà không phải Chúa. Chúa ta thờ phải là Cha đức Giê-su, người Cha muốn ta về với Ngài, tin tưởng vào Ngài vì Ngài yêu thương và quyền năng. Người Cha đau lòng chờ đợi khi ta bỏ nhà ra đi. Người Cha âu yếm đón lấy ta vào lòng Ngài khi ta sám hối trở về. Nếu ta tin và thờ một Chúa như vậy thì ta đừng sống tinh thần nô lệ, xa cách, thiếu tình thiếu nghĩa. Đừng để Cha đau lòng vì ta đang để cho ma quỷ dày bừa cõi lòng mình.

 

Nếu tôn thờ một Thiên Chúa là Cha thì ta sống làm sao cho danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến. Sống làm sao cho đẹp ý Cha hằng ngày.

 

Ngày lễ tử đạo việt nam nguyện xin các Đấng cầu thay nguyện giúp cho chúng con nên những nhân chứng của thời đại mới. Những nhân chứng không chạy theo thời đại với bao nhiêu tệ đoan của nó, nhưng luôn luôn trung thành với đức tin, với luân lý Ki-tô giáo, với nếp sống Tin Mừng, nếp sống tình yêu.

 

Gm. Phaolô NGuyễn Thanh Hoan

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP