Chúa Nhật XXXI Thường Niên-C

89 01/11/2019
Chúa Nhật XXXI Thường Niên-C

TIN MỪNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
Lc 19,1-10
---------------------------------------

 

Câu chuyện Chúa đến nhà ông Gia-kêu, dưới mắt người Do Thái quả là một hành động không chịu được, vì Chúa là Đấng Tiên tri thánh thiện, lại tìm đến nhà một người tội lỗi bị loại trừ, một gương xấu công khai, làm ăn tham lam khét tiếng.


Nhưng Ngài là Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Chúa đến trần gian tìm người tội lỗi để tha thứ, tìm người đau khổ để an ủi, tìm người đau yếu để chữa lành, tìm người lạc bước về nẻo chính đường ngay…

 

Gặp được Gia kêu Chúa coi như người chủ chăn tìm được con chiên lạc, như người Cha tìm được đứa con hoang đàng trở về. Chúa đón nhận tất cả mọi người tội lỗi, cả người lương dân, cả những thù địch đóng đinh Chúa. Người được Chúa đem về thiên đàng trước tiên lại là người trộm cắp giết người, cũng bị đóng đinh với Chúa.

 

Trở lại câu chuyện ông Gia kêu ta thấy tình yêu Chúa “ngọt ngào hơn áng mật”, “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”.

 

Là một người chủ thu thuế giàu có, làm ăn phát đạt nhờ cộng tác với người La mã, có nhiều mánh khóe bất chính để làm giàu. Vì thế người Do Thái nào cũng coi ông là người tội lỗi, phản lại Dân Chúa, người ta tẩy chay, loại trừ ông, tránh né ông. Và như Chúa từng nói “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên đàng” (Mt 19,24), thì Gia kêu là người bị kết án hỏa ngục trước tiên. Dĩ chí có người Do Thái quá khích gặp ông trên đường họ coi ông như gặp đồ uế tạp. Họ nhắm mắt cho ông đi qua rồi nhổ nước bọt sau lưng ông.

 

Hôm ấy, Chúa vừa ra khỏi Giêrikhô, ông Gia kêu nghe tiếng ồn ào, và được biết tiên tri Giê-su đang đi qua đó. Vì tò mò hay vì lương tâm thúc đẩy, ông tìm cách nhìn thấy Chúa tận mắt. Nhưng đoàn người theo Chúa quá đông đảo, ông Gia kêu lại thuộc hạng người vừa mập vừa lùn. Ông thất vọng quá không biêt làm cách nào để gặp Ngài.

 

Bên cạnh đường gần đó, có một cây sung lớn, bất chấp sự tò mò và khinh bỉ của mọi người, Gia kêu vén áo leo lên và từ trên chảng ba của cây sung, ông chăm chăm nhìn từng bước đi của Chúa.

 

Thật bất ngờ, vừa đến cây sung, Chúa dừng lại, Chúa nhìn Gia kêu, Gia kêu nhìn Chúa. Hai cặp mắt như có một luồng điện chảy sang nhau. Chúa vui vẻ nói với ông: “Ông Gia-kêu, xuống mau đi vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông”. Và Gia-kêu được lời như mở tấm lòng, “ông vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón rước người” (Lc 19,5 – 6).

 

Cử chỉ của Chúa lập tức bị lên án: “Nhà người tội lỗi ông ấy cũng vào trọ”.(Lc 19,7). Nhưng Chúa Giê-su lại có dịp cho người ta thấy lòng thương xót của Ngài. Vì qua một đêm trò chuyện với Chúa, Gia-kêu đã trở nên một con người mới hoàn toàn như ta thấy. Đó là phép lạ của tình yêu.

 

Nếu chỉ gặp gỡ để gặp, Chúa không phải mất thời giờ để gặp một người như vậy. Nhưng đây là tình yêu gặp một người tội lỗi, một người đang chìm đắm trong của cải, một người mà ai cũng tuyệt vọng. Họ nhìn ông bằng cái nhìn khinh bỉ, thù ghét. Nghĩ về ông, nói về ông không ai tiếc lời chê trách và kết án.


Nhưng trước mặt Chúa ông là con chiên lạc của người chủ đầy tình thương. Ông là đứa con hoang đàng đem tấm thân trở về với Cha.

 

Cặp mắt Chúa nhìn ông là cặp mắt khoan dung, tha thứ, là biển chứa đầy tình thương, đề cao giá trị con người, dù là người ai cũng chê trách.

 

Sau khi được Chúa soi dẫn chỉ đường, thắp lên cho đời ông một ánh sáng mới, Gia-kêu đã sẵn sàng đối xử với mọi người bằng con tim mới. Ông đặt con người nghèo lên trên của cải, ông công khai nhận mình đã phạm tội bất công và làm những gì có thể làm được để trở về với Chúa. Ai cũng biết ông đang học bài học tình thương của Chúa.

 

Đi theo lý tưởng tình yêu, chúng ta cũng phải chân chỉnh cái nhìn của mình về mọi kẻ chung quanh, làm sao có cái nhìn khoan dung quảng đại, thông cảm và đề cao giá trị con người. Đồng thời đừng bao giờ kết án ai. Đừng bao giờ khép cõi lòng để đón nhận tha nhân. Bác ái thì dung thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.

 

Cuộc sống chung cần có những quy luật, nhưng quy luật cũng vì con người, như Chúa đã nói với người biệt phái: “Sabat vì con người, không phải con người vì Sabat” (Mc 2,27).


Con người được nhìn trong hoàn cảnh cá nhân cũng như xã hội. Con người được ưu tiên đòi nơi kẻ khác sự khoan dung của Đức bác ái Ki-tô giáo.

 

Một kết luận đem lại cho mọi hoàn cảnh, bất cứ hoàn cảnh nào cũng là dịp cho người ta trở nên con người mới, con người trở vế với Thiên Chúa. Câu nói kỳ diệu thánh Luca ghi nhận: “Hôm nay ơn cứu độ đên với nhà này” (Lc 19,9a). Xã hội Do Thái loại trừ Gia-kêu, nhưng Chúa giơ hai tay ra đón nhận ông ta. Tình yêu luôn là hy vọng tất cả.

 

Gm. Phaoô Nguyễn Thanh Hoan

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP