Chúa Nhật XXVIII Thường Niên-C

150 12/10/2019
Chúa Nhật XXVIII Thường Niên-C

NIỀM TIN VÀ LÒNG TRI ÂN
Lc 17, 11 – 19
---------------------

 

Bài học đức tin luôn nhắc đi nhắc lại cho chúng ta như điều kiện để ta đón nhận Nước Trời cũng như bao ân huệ khác. Lời Chúa hôm nay cũng đề cập đến niềm tin và một hệ quả kèm theo là lòng tri ân của ta trước tình thương yêu của Thiên Chúa. Đó là câu chuyện của Tin Mừng về 10 người phong cùi được Chúa chữa lành cả 10 mà chỉ có một người trở lại tạ ơn người.

 

Ta hãy xem xét lại thái độ tạ ơn chúng ta hằng ngày như thế nào.

 

Mười người phong cùi cùng chung một lời cầu nguyện, cùng chung một niềm tin, là Chúa Giê-su có thể chữa lành họ, dù cuộc đời họ đã tuyệt vọng và họ đang chết dần chết mòn.

 


Chúa đã nói với họ: “hãy đi trình diện với tư tế” để các ông ấy chứng nhận cho là đã lành sạch và được gia nhập cộng đồng trong các sinh hoạt hằng ngày. Họ vâng lời và tin mình sẽ được chữa lành và đã đi ngay. Và quả thực trên đường đi họ đã được chữa lành mặc dầu Chúa chỉ nói với họ từ xa. Cho nên từ cái kinh nghiệm này ta hãy tập cách sống hằng ngày của chúng ta.

 

Nhiều xứ đạo có thói quen khi gặp khó khăn, khi đau yếu nguy hiểm ta thường tập họp lại để cầu nguyện. đó là một thói quen rất tốt vừa sống niềm tin, vừa biểu dương sự hiệp nhất đoàn kết với nhau và Chúa vui thú biêt bao khi thấy con cái Ngài có được tình yêu thương hiệp nhất đó. Dĩ nhiên Ngài sẽ ban những ơn lành cần thiết ấy cho chúng ta mặt khác ta còn thấy điều này: với niềm tin dù người lương vẫn được Chúa nhậm lời. Người ta thường thấy nơi các trung tâm hành hương đức mẹ hay các thánh, rất nhiều người lương được ơn lạ.

 

Trong câu chuyện từ đầu mọi sự đều tốt đẹp. Nhưng không ngờ một sự bất ngờ xảy ra: mười người được chữa lành mà chỉ có một người trở lại tạ ơn Chúa. Người ấy lại là một người Sa-ma-ri-a người ngoại đạo. Chúa giê-su vừa buồn vừa ngạc nhiên nói: “không phải là cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17, 14), cả câu chuyện muốn hướng chúng ta về đức tin từ đầu, nhưng đến đây ta còn thấy một điều kèm theo đức tin đó là lòng tri ân Thiên Chúa hằng ngày.

 

Thái độ vô ơn của chín người Do Thái này thật đáng trách, nếu bạn được chữa lành khỏi một cơn bệnh khiếp khủng như vậy bạn sẽ làm gì trước tiên, phải chăng là tạ ơn người chữa lành cho mình? Thái độ vô ơn thật đáng trách, đặc biệt với người có niềm tin còn đáng trách hơn nữa. Vì chúng ta biết toàn bộ cuộc sống chúng ta thuộc về Thiên Chúa, là ân huệ của Ngài. Vô ơn với Thiên Chúa là tội vô ơn lớn nhất trên đời. Chúng ta đang sống đầy đủ sướng vui hay cực khổ chúng ta vẫn mang ơn lớn với Thiên Chúa. Ngài đã nhận chúng ta làm con Ngài rồi. Ngài đang chuẩn bị cho chúng ta một tương lại hạnh phúc bất diệt. Chỉ nghĩ tới đó cũng đủ để ta vui sướng cả đời mình và tạ ơn Chúa không ngừng.

 

Ngày kia có một nhà thi sĩ đi qua cánh rừng ông nghe một tiếng lạ, tiếng ai đập: “cộp”, cám ơn nhưng sao lại có tiếng cám ơn? Lần mò tìm nơi xuất phát tiếng lạ đó, thì ra: “cộp” là tiếng búa đập đá cám ơn lại là tiếng người đập đá. Thi sĩ ngạc nhiên hỏi:

 

- Anh cám ơn ai vậy?
- Ồ, tôi cám ơn Chúa chớ ai nữa
- Cuộc đời anh vất vả cực nhọc thế này, thì Chúa để ý gì đến anh? Người ta giàu sang mà cám ơn cho đáng. May ra thì Ngài để ý đến anh một lần là khi tái tạo nên anh, bây giờ thì Ngài để anh vất vả cả đời nên giận Ngài hơn là cám ơn chứ?
- Ông bạn ơi, Thiên Chúa là ai, tôi là ai? Một người phàm hèn như tôi mà được Chúa để ý một lần, một lần thôi cũng đủ, là phúc cho tôi cả đời rồi. Tôi phải cám ơn Ngài mãi mãi. Nói xong người thợ đá lại tiếp tục “cộp, cám ơn”.

 

Lời Thánh vịnh (103, 2) hát: “chúc tụng Chúa đi hồn tôi hỡi, chớ khả quên mọi ân huệ của người”.

 

Cho nên bổn phận hàng đầu của chúng ta là cần phải biết chân thành ngợi khen và cám ơn Chúa hằng ngày, nhất là vào những thời điềm quan trọng như sớm mai khi bắt đầu ngày mới, hay lúc tối ngay trước khi đi ngủ. Cả ngày sống chúng ta là ân huệ của Chúa.

 

Cả vũ trụ đều biết ca ngợi, mà con người lại ngậm miệng làm thinh sao? Giọt sương mai óng ánh, làn gió nhẹ ru êm, tiếng chim ca thánh thót, hoa lá tỏa hương thơm, khoe màu sắc đẹp… tất cả đang tạ ơn Chúa.

 

Nếu ta quên Chúa, quên chúc tụng tạ ơn Ngài, đó là dấu hiệu ta không có đức tin đâu. Satan tìm mọi cách giúp ta xa cách Chúa, và kế hoạch hàng đầu là làm cho ta coi thường sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa trong đời ta. Từ chỗ coi thường đó mà đi đến chỗ : "gần chùa kêu phật bằng anh" và tội nào ta cũng phạm được. Thay vì lấy Chúa làm vinh dự, làm nơi ta tựa nương, là Chúa tể của mình, người ta đi tìm những thần tượng khác để tôn thờ. Tin vơ thờ quấy đã đành còn dấn thân vào con đường tội lỗi mà không có sức nào ngăn cản ta được.

 

Một khi không biết tri Cha trên trời, thì ta cũng không có nghĩa gì với cha mẹ dưới đất. Người đời cho cái tội bất hiếu là tội đáng ghét. Người con bất hiếu nhưng không biết kính trọng yêu thương cha mẹ già là người con đang làm cho tương lai và tuổi già của mình đi vào vực thẳm. Ông Khổng Tử lập ra đạo hiếu, hay là đạo ông bà. Đạo hiếu hợp với ý trời đến nỗi trời phải thương con người có hiếu. Và người Trung Hoa coi ông bà qua đời là các vị có thể ban ơn cho mình.

 

Đã vô ơn với Thiên Chúa, rồi vô ơn với ông bà cha mẹ, người ta còn vô ơn với những kẻ làm ơn cho mình. Vào ngày 30 tết tôi gặp một vị y tá làm thuốc đông, chị ta đứng khóc. Hỏi sao chị khóc? Người ta không chịu trả tiền uống thuốc chịu. Không có tiền ăn tết, lại còn bị chưởi.

 

Lành bệnh rồi là người ta quên ơn kẻ giúp mình. Thứ người “ăn cháo đá bát” không phải là ít.

 

Ngày nay các trường có ngày hiến chương các nhà giáo, cũng có thể là ngày biết ơn các thầy cô. Thật là hay. Cha mẹ tập cho các em thực tập cái bài học biết ơn đó.

 

Tiếng cám ơn, biết ơn là tiếng đẹp trên đời, làm cho cuộc đời ta thêm vui thêm đẹp, làm cho cha mẹ thêm sung sướng, làm cho Thiên Chúa lại muốn ban thêm ơn cho chúng ta.

 

Chúng con thân mến !

 

Lãnh Bí Tích Thêm Sức để làm gì vậy các con ? Để đón nhận Chúa Thánh Thần ? Chúa Thánh Thần làm gì cho ta ?

 

Ngài giúp ta sống đức tin, tuyên xưng đức tin, làm chứng cho Tin Mừng mà mình được nghe rao giảng.


“Phúc cho ai nghe và giữ lời Thiên Chúa”.

 

Nghe chưa đủ mà phải thực hành lời Chúa. Nghe mà không thực hành đó là hạt giống gieo mà không mọc.

 

Chúng con nghe chuyện người thợ đá, nghe chyện bao vị thánh. Đó là những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa.

 

Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP