Chúa Nhật XXVII Thường Niên-C

176 05/10/2019
Chúa Nhật XXVII Thường Niên-C

KÍNH ĐỨC MẸ MÂN CÔI
Lc 17, 5 – 10
--------------------

 

Hôm nay nhân bài Tin Mừng truyền tin chúng ta đề cập đến một vấn đề đặc biệt: Đức mẹ sống lời Chúa trong mầu nhiệm truyền tin cũng như trong cuộc đời Mẹ. vì trong Giáo hội ngày nay các Đức Thánh Cha, các Đức Giám mục thế giới đang cố gắng làm sống lại phong trào đọc và sống lời Chúa. Nhưng đọc nghe và sống như thế nào cho có hiệu quả. Đừng làm cách máy móc nhưng trong Đức tin, Mẹ Maria là gương mẫu đặc biệt cho chúng ta trong việc nghe lời Chúa với Đức tin. Bởi vì lời Chúa khác với lời loài người. Lời Chúa là chính Chúa, như Bí Tích Thánh Thể là chính mình máu Chúa. Cho nên khi ngôi hai nhiệm mầu, đi vào lịch sử chúng ta, thánh Gioan đã ghi: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta, chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của người” (Ga 1, 14). Thiên Chúa nhiệm mầu lại đang ở trong Đức Giê-su, trong lời Ngài. Cho nên gọi Ngài là Ngôi lời.

 


Trong biến cố truyền tin, khi đức sứ thần Gaprien đem lời Chúa đến cho mẹ: “Này đây bà sẽ thụ thai sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su…” (Lc 1,31). Đức Mẹ chưa hiểu rõ sự thụ thai nhiệm mầu này và xin sứ thần giải bày thêm. Khi biết rõ đó là hành động của Chúa Thánh Thần, Mẹ đã thưa lại tôi đây là nữ tì của Chúa, xin người thực hiện cho tôi như lời thiên sứ nói: “Và chốc ấy ngôi thứ hai đã xuống thế trong lòng mẹ”. Chỉ cần một lời từ Thiên Chúa với một niềm tin đáp lại của Đức Mẹ. Ngôi hai nhiệm mầu đã trở nên người phàm và bắt đầu một kỷ nguyên lớn lao cho lịch sử: Kỷ nguyên cứu độ. Biến cố này Thánh Thần Chúa đã soi sáng cho bà Elisabet biết và bà nói: Em thật có phúc vì đã tin những gì Chúa đã nói với em.

 

Hằng ngày chúng ta nghe Lời Chúa, chúng ta bắt chước Đức Mẹ, cứ tin đi, cứ hành động đi, lúc đó ta mới nhận ra Ngài đang ở giữa chúng ta, đang nói với chúng ta, đang chờ đợi chúng ta đáp lại. Và có một cách nói đặc biệt, nếu ta biết “Xin vâng” như Đức Mẹ, thì chính Chúa đang đầu thai, đang sinh ra đang lớn lên trong chúng ta.

 

Thánh Luca ghi lại hai trường hợp làm chúng ta hiểu Đức Mẹ ân cần giữ lấy Lời Chúa, giữ lấy biến cố xảy đến trong đời Mẹ để tiếp tục hai tiếng xin vâng. Lần thứ nhất khi mục đồng đến viếng Chúa ban đêm và kể lại việc mục đồng được các Thiên Thần loan báo cho họ. Thánh Luca viết: “Còn bà Maria hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19).

 

Còn trong biến cố tìm lại Chúa trong đền thờ Giê-ru-sa-lem, gặp Chúa đang hỏi thưa với các tiến sĩ. Rồi câu trả lời của Chúa với Đức Mẹ và Thánh Giuse: “Sao cha mẹ lại tìm con, cha mẹ không biết con có bổn phận ở nhà Cha con sao?” (Lc 2,49). Thánh Luca ghi thêm: Riêng mẹ người, thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Ba mươi năm trời mẹ vẫn một niềm tin gắn bó với tiếng xin vâng của mình. Cho nên, khi nghe một bà phụ nữ nói với Chúa: “Phúc thay cho người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm” (Lc 2,49). Chúa đã đính chính lại và cho thấy cái đỉnh vinh phúc của mẹ là mẹ đã đón nghe và giữ lời Chúa, Chúa cho người ta thấy cái hạnh phúc sâu xa cao quý không ai thấy được, nơi Mẹ là mẹ đã nghe lời Chúa và trung thành tuân giữ.

 

Trong đời tu, ta nghe Lời Chúa hằng ngày, nhưng nghe quen quá, rồi coi thường như một thủ tục làm xong rồi thôi. Hãy xác nhận lại, lời Chúa là chính Ngài, nghe lời Ngài là nhận Chúa vào tâm hồn ta, để sức sống của tâm hồn ta là sự sống của Lời Chúa đó. Đây là một hoạt động linh thiêng quan trọng nhất trong ngày sống của ta. Tư tưởng, cảm nghĩ cho đến hành động cái gì cũng có ánh sáng Lời Chúa soi chiếu vào hết. Ánh sáng Ngài đã thắp sáng trong lòng đời của ta rồi. Chúa có một câu nói thật mạnh. Khi người ta tin cho Chúa có Mẹ và anh em Chúa còn chờ bên ngoài đám đông. Chúa trả lời “Mẹ và anh em tôi, chính là những người nghe lời Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21). Nói vậy Chúa không có ý coi thường Đức Mẹ đâu, nhưng Ngài muốn mời gọi mọi người hãy bắt chước Mẹ nghe và tuân giữ thực hành Lời Chúa. Họ sẽ trở thành Mẹ Chúa, thành anh em Chúa còn vinh dự nào bằng. Chúa đang xây dựng một đại gia đình cho những người biết nghe và thực hành Lời Chúa, trong đó Mẹ là số một.

 

Đức Mẹ đã sống kinh nghiệm này quá nhiều, cho nên mẹ muốn truyền đạt lại cho chúng ta. Trong tiệc cưới Cana Mẹ phát giác ra một sự cố không ai ngờ rằng giữa bữa tiệc mà rượu đã hết rồi. Mẹ cho Chúa biết tình hình nguy ngập đó của cô dâu chú rể. Nhưng Chúa như tỏ vẻ không đồng tình giúp đỡ “Giờ còn chưa đến”. Vậy mà Đức Mẹ lại nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ làm theo” (Ga 2, 3 – 5).

 

Nói như vậy vì Đức Mẹ tin và biết rõ không bao giờ Chúa thiếu tình thương với bất cứ ai rồi. Nên mẹ chỉ nhấn mạnh là cứ tin đi, Chúa nói sao làm vậy là được. Chúa bảo lấy nước lạnh đổ đầy chum. Họ làm vậy, Chúa bảo lấy nước cho quan tiệc nếm, “trời ơi rượu đâu mà ngon quá”.

 

Ở đây Mẹ muốn nhắc nhở chúng ta rằng: Lời Chúa phải được gắn kết với hành động: “Người bảo sao các anh cứ làm vậy”. Cho nên mỗi khi nghe lời Chúa, ta lại phải cầu xin Chúa Thánh Thần hỗ trợ chúng ta thực hành lời Chúa. Mỗi khi nghe lời Chúa rồi, ta hãy quên chính mình, để ghi nhớ những gì Chúa muốn nói với mình. Chúa nói với ta là Chúa đi vào đời ta, Chúa thâm nhập cõi lòng trí ta và Chúa chờ đợi ta hành động, sinh hoa trái.

 

Dụ ngôn người đi gieo giống cho ta thấy ba loại đất hạt giống gieo không có kết quả. Đó chính là những yếu tố tiêu cực đang xâu xé ta hằng ngày. Nếu dừng lại đó thì đâu còn mùa màng. Cho nên mỗi ngày ta phải làm cho cõi lòng tinh tuyền như cõi lòng Đức Mẹ, lúc đó ta mới có gieo có gặt.

 

Tháng Mân Côi, chúng ta hướng vế Mẹ, suy niệm các mầu nhiệm Mẹ đã sống với Chúa. Chúng ta có cơ hội chăm lo đời sống thiêng liêng của chúng ta bên cạnh Mẹ. Đây là mùa hồng ân đang đến với chúng ta. Chúng ta siêng năng lần hạt, đó là gieo giống Đức tin. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng ta là những người đầy yếu đuối. Mẹ không bỏ ta bao giờ.

 

Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP