Chúa Nhật XXIX Thường Niên-C

85 19/10/2019
Chúa Nhật XXIX Thường Niên-C

CHÚA NHẬT XXIX TN – NĂM C
Lc 18, 1-8
--------------------------------

 

Lời cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Như lời Chúa phán : "xác thịt nặng nề và linh hồn yếu ớt, phải cầu nguyện luôn khỏi sa chước cám dỗ".

 

Vì thế Chúa cho ta thây nhiều lợi ích của sự cầu nguyện, nhiều hiệu quả của sự cầu nguyện. Sự cầu nguyện làm cho ta đầy sức mạnh thiêng liêng phần hồn, cuộc sống phần xác sẽ được nhiều nâng đỡ.

 

Hôm nay có câu chuyện dụ ngôn để cho ta niềm tin tưởng về kết quả của việc cầu nguyện. Chúa không nói dối, Chúa chỉ mong ta biết tin tưởng yêu mến và cậy trông.

 

Một ông quan tòa quyền thế, thua một bà già bất lực, tại sao ? Tại vì bà này có sự kiên trì đòi hỏi, xin van và ông quan tòa không chịu đựng được sự kêu nài giai dẳng của bà.

 

Thiên Chúa không thể bị coi như ông quan tòa xấu xa này được, nhưng lòng thương yêu của Người không thể bỏ qua mọi lời kêu xin của con cái Ngài. Ngài không muốn để cho ta cứ phải kêu xin Ngài mãi. Đứa con khóc là mẹ phải cho bú, không thể nghe tiếng khóc của nó mãi được.

 

Nhưng điều kiện của lời cầu nguyện là phải nhận biết Ngài là Cha của chúng ta. Ta có thể kêu xin đòi hỏi Ngài vì chúng ta là con. Không phải một người con vô nghĩa, mà là người con biết yêu mến, biết tin tưởng biết cậy trông. Thiên Chúa không phải như một ai đó xa cách chúng ta, mà khi cần là ta cầu.


Nhiều khi chúng ta than trách sao cầu nguyện hoài mà có được gì đâu ? Nhưng chúng ta lại không xét mình xem ta có sống như người con của Ngài không ? Sớm chiều, ta có biết tỏ ra lòng tôn kính tri ân Ngài không ? Ngày sống ta có biết tuân giữ giới răn của Ngài, nhất là điều răn thương yêu không ? Ta có sống quảng đại với nhau không ? Trong khi ta sống với tâm tình và hành động trái thánh ý Ngài, ta tỏ ra không muốn làm con chân thật của Ngài, thế mà khi có nhu cầu ta lại đòi Ngài ban ơn như ta yêu cầu. Thà rằng là người ngoài cầu xin, vì họ có lòng thành tín, nhưng thực tế cuộc sống họ tỏ ra biết kính sợ ông trời, thì Chúa dễ dàng nghe tiếng họ kêu xin, hơn chúng ta tuyên xưng Ngài là Cha mà lại sống phản bội lại Ngài.

 

Hôm nay ngày lễ truyền giáo còn cho ta thấy điều này : thánh ý Ngài là muốn cho mọi người được nhận lấy Ngài là Cha. Ngài có nhu cầu là làm cho hết mọi người được ơn cứu độ. Là người con hiếu thảo, ta có dám đáp lại thánh ý Ngài không? Nếu lơ là trong nhiệm vụ này, đó là dấu hiệu ta không muốn sống như người con. Để thực hiện nhiệm vụ này : một là chúng ta trực tiếp tham gia vào công việc tiếp xúc, gây ý thức cho anh em lương dân biết Chúa là Cha.

 

Hai là ta sống một đời sống nhiệt thành theo tiêu chuẩn của Tin Mừng : công bằng, bác ái, các nhân đức của tám mối phúc thật. Nghèo khó, khiêm nhường, hiền lành, vâng ý Cha định liệu cuộc đời, kể cả trong lúc gian truân. Biết thương người, biết sống với tấm lòng đơn sơ trong trắng biết sống hòa bình. Sống được như vậy, mỗi cá nhân, mỗi cộng đoàn sẽ tạo nên một mẫu đời sống Ki-tô giáo đích thực. Và đó là giới thiệu linh đạo của chúng ta.

 

Ba là cầu nguyện, làm việc lành và dâng những việc nhỏ hy sinh hằng ngày. Với phương pháp này đặc biệt cho người bệnh trên giường cũng loan Tin Mừng được. Người mẹ nuôi con trẻ vất vả cũng truyền giáo được.

 

Cuối cùng là góp công của cho các hoạt động truyền giáo. Tuy nó dễ dàng đối với người khá giả nhưng một đồng xu của người đàn bà góa nghèo cũng được đánh giá hơn cả những người bỏ tiền trăm bạc triệu. Vấn đề là ở nơi lòng mình. Của ít nhưng lòng nhiều, làm cho của dâng tăng biết bao là giá trị. Vậy trong Thánh lễ này, ta vừa dâng lời cầu nguyện trong tinh thần hiệp nhất, vừa dâng cúng tiền bạc, vừa quyết tâm sống hằng ngày cho xứng đáng làm con Thiên Chúa.

 

Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP