Chúa Nhật XXIII Thường Niên-A

Lời Chúa: (Mt 18,15-20)
Một hôm, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: 15 “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình. 16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. 17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế. 18 “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy. 19 “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho. 20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”.
“Anh em sum họp một nhà, bao là tốt đẹp bao là sướng vui”. Đây là một lời thánh vịnh ca tụng tình nghĩa huynh đệ giữa các người Do thái, vốn có cùng chung một tổ phụ là Apraham. Nhưng tình huynh đệ đó lại dọn đường cho một mối tình huynh đệ khác, tình huynh đệ thiêng liêng do Chúa Ki-tô tác thành và vô cùng cao quý, làm cho mọi tín hữu trên đời này trở nên anh em với nhau và đời sau sum họp trong nhà Thiên Chúa.
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta những chỉ dẫn để sống tình huynh đệ đó. Đó là xây dựng cho nhau và hiệp nhất với nhau. Đó là cách sống làm cho Chúa Ki-tô có thể hiện diện gần gũi với chúng ta.
Bài Phúc âm đang ghi lại lời Chúa dạy bảo chúng ta tinh thần yêu thương nhủ bảo lẫn nhau, và hiệp nhất với nhau trong tình huynh đệ Ki-tô giáo để cầu nguyện. Đó là cách để biểu lộ mối dây huynh đệ thiêng liêng giữa các người Ki-tô hữu với nhau. Tuy sống giữa cõi trời thiêng liêng phước lạ, Chúa Ki-tô Phục sinh vẫn ưa thích hiện diện giữa những nhóm người có tinh thần hiệp nhất đó để nghe, để nhận lấy mọi lời nguyện cầu của họ.
Vậy trước khi giải thích hai ý chính trên đây, tức là vấn đề sửa lỗi cho nhau và vấn đề hiệp nhất cầu nguyện, ta hãy tìm hiểu thế nào là tình huynh đệ Ki-tô giáo.
Có ba thứ tình huynh đệ giữa người với người, tạo nên những mối dây liên hệ mật thiết, tạo thêm niềm vui và hạnh phúc cho cuộc sống chúng ta:
- Tình huynh đệ ruột thịt.
- Tình huynh đệ tinh thần, tức là tình bạn bè thân thiết.
- Tình huynh đệ tôn giáo, tức là tình huynh đệ thiêng liêng. Và mối tình này mới thật là mối tình cao quý vô cùng, đưa chúng ta tham dự vào thế giới của Thiên Chúa, được gọi Ngài là Cha của chúng ta.
Tình huynh đệ thiêng liêng này từ đâu mà có? Thưa tất cả mọi tín hữu được mẹ Giáo hội sinh ra về đời sống thiêng liêng qua bí tích rửa tội. Từ nơi đây Thánh Thần là sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa đã được ban cho chúng ta, làm cho chúng ta trở nên con Thiên Chúa, vừa là con Thiên Chúa Cha, vừa là con mẹ Giáo hội, vừa là anh em thiêng liêng với nhau mà người anh cả là ChúaKi-tô Phục sinh. Ngài là Chúa Ki-tô, chúng ta là Ki-tô hữu, chữ Ki-tô làm cho Ngài với ta, cũng như chúng ta với nhau chỉ là một. Qua Ngài mà sự sống thần linh đến với chúng ta.
Thật là kỳ diệu, những con người phàm như chúng ta bây giờ đây được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa. Và cũng thật là kỳ diệu, những con người rải khăp cùng trái đất lại trở nên một, lại trở nên con của Thiên Chúa. Và trở nên anh em với nhau. Đây là mầu nhiệm Chúa Ki-tô muốn diễn tả bằng một hình ảnh: “Thầy là cây nho chúng con là ngành”. Ngành nào mà chẳng thuộc cây nho, ngành nào mà không chung sự sống với cây nho, ngành nào hoa quả không phải là nho? Nhưng hơn nưã đây không phải là nho vô tri vô giác, mà là những cây nho có trí tuệ để suy biết tông giống cao quý của mình, có trái tim để yêu thương nhau bằng tình yêu cao vời của Chúa Ki-tô, có những vòng tay để nối lại với nhau vững hơn vách đá tường đồng. Tình huynh đệ Ki-tô giáo, là tình yêu vạn thuở mà Chúa Cha đổ vào lòng ta ngày ta chịu phép rửa tội, để ta phát huy trong đời sống mới của chúng ta. Dòng sông tội lỗi chảy đến đâu thì mang hận thù, chia rẽ và chết chóc, đau khổ đến đó. Trái lại dòng sông ân sủng chảy đến đâu thì mang lại yêu thương hòa bình và sự sống phong phú dồi dào hạnh phúc đến đó.
Điều Chúa đang mong chờ là ta hãy làm cho mỗi cành nho sinh ra những trái nho. Nho Ngài là nho tình yêu đó. Cho nên hôm nay Ngài muốn chúng ta đơm bóng kết trái cho Ngài hai chum nho yêu mến mà Ngài yêu thích. Hai chum nho đó là sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ và hiệp nhất với nhau trong lời cầu nguyện.
Tất cả chúng ta là những người yếu đuối, không có lỗi với Chúa bằng cách này, thì có lỗi bằng cách khác. Để cho cuộc sống mỗi người đạt tới lý tưởng trong trắng, khao khát điều nhân đức chính trực. Chúa dùng hai phương thế: một là tình yêu Chúa thúc giục trong lòng người có lỗi, hai là nhờ sự giúp đỡ huynh đệ của anh em tín hữu với nhau, điều này cũng cần như ơn Chúa, vì con người mang thân xác, cần để cho thân xác nói chuyện với thân xác, rồi linh hồn nói chuyện với linh hồn, cuối cùng chính Thiên Chúa nói chuyện với linh hồn. Chúa dùng người anh em như vị tiên tri, vị cố vấn chuyển ý Ngài tới tai người sai lỗi đó.
Khi một người có lỗi, thí dụ một người hay đánh bạc, chúng ta có trách nhiệm gì về người đó không? Có, ta có trách nhiệm giúp người đó sửa lỗi. Sửa đổi cho nhau tình huynh đệ thiêng liêng là nhiệm vụ Chúa giao phó, không phải là chuyện dạy đời hay đạo đức giả, mà là mệnh lệnh Chúa truyền, là nghĩa là tình anh em trong ChúaKi-tô. Kẻ nói người nghe tin nhau một cách tri kỷ, mặc dầu đôi khi ta cũng dễ bị tự ái, hoặc do chính ma quỷ phá đám, và phải đối diện đương đầu với tình trạng “nói thật mất lòng”, người nghe phản ứng. Nhiều khi phản ứng bên ngoài mà trong lòng lại nghe.
Chúa đòi ta thương nhau, và giúp nhau từ bỏ tội lỗi, là tình thương cao cấp. Vì thế nếu không thành công ngay thì phải kiên trì, kiên trì từ cá nhân đến tập thể hai ba người, đến cả cấp trên trong Giáo hội. Không gì cao quý cho một con người tín hữu cho bằng một nếp sống trong trắng chính trực, cho nên mọi người phải cộng tác với nhau xây dựng một nếp sống như vậy.
Ở đây Chúa không dạy ta vạch lá tìm sâu, xoi mói, xía vào mọi chuyện của kẻ khác, nhưng không thiếu chi lúc tình cờ, ta phát giác một vài lối sống tội lỗi mà vì yếu đuối, hoặc không biết là sai lỗi nơi anh em. Nhất là khi sự lỗi đó có hậu quả xấu đến tha nhân, đến môi trường thì không thể để mặc họ được. Thực ra đây là vấn đề hết sức tế nhị, nhưng cũng là bổn phận phải làm nếu ta coi mình là con Thiên Chúa.
Có một thái độ ích kỷ, yên phận, không muốn quan tâm đến ai, thì đó là tinh thần phản lại tình huynh đệ Ki-tô giáo.
Chúng ta bỏ qua vấn đề chỉ bảo cho nhau, ta để ý đến lời dạy thứ hai của Chúa đó là sự hiệp nhất để cầu nguyện. Cầu nguyện là sự ta nâng tâm hồn lên tới Chúa, Chúa hiện diện với ta, chẳng khác nào một người cha ẵm bồng đứa bé trên tay để nghe nó nói chuyện, vừa nghe, vừa nhìn vừa hôn nó. Dĩ nhiên cử chỉ này dành cho những ai có tâm hồn trong trắng: Phúc cho ai có tâm hồn trong trắng vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.
Vậy đối với những người yếu đuối tội lỗi thì sao? Chúa Giê-su có cách làm cho chúng ta là những người chưa được trong trắng hoàn toàn được gặp gỡ Thiên Chúa Cha, được Người yêu thương lắng nghe nguyện vọng của ta. Đó là chúng ta hãy họp nhau, hiệp nhất với nhau và cầu nguyện.
“Khi có hai hay ba người họp nhau vì Danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ…”
Chúa là đầu thân thể nhiệm mầu, một thân thể nối kết mọi Ki-tô hữu lại với nhau và từ đầu này đến đầu kia mặt đất mọi tín hữu chỉ là một trong Ngài. Chúa Ki-tô lại là vị trung gian giữa thân thể này với Chúa Cha. Cho nên khi hai ba người họp nhau vì danh Ngài, nghĩa là họp nhau trong tình nghĩa huynh đệ Ki-tô giáo, họp nhau để học hỏi Lời Chúa, họp nhau để cầu nguyện, họp nhau để thăng tiến con người v. v… thì Chúa Giê-su với tư cách là đầu Giáo hội, Ngài lại ngự giữa cộng đoàn dù nhỏ bé đó.
Khi Ngài tập họp chúng ta trong gia đình Giáo hội, thì bản chất của cuộc tập họp này là tình yêu, là hiệp thông huynh đệ, là sự sống của Ngài tỏa lan cùng khắp thân thể Giáo hội. Cho nên Ngài luôn luôn tha thiết cho chúng ta có được sụ hiệp thông đó. Nhất là trong giờ cầu nguyện. Sự hợp nhất lại trong lời cầu nguyện như trong thánh lễ này chẳng hạn hay bất cứ nơi đâu, đó là lý do mạnh mẽ nhất để Ngài cầu nguyện với chúng ta, Ngài dâng lời cầu nguyện của chúng ta lên Chúa Cha. Và như Ngài bảo đảm: “Thầy bảo thật với anh em, nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì thì Cha Thầy Đấng ngự trên trời sẽ ban cho”. Nói vậy thì lúc ta tập họp lại cầu nguyện khác nào Chúa trao cho ta một tờ giấy trắng, Ngài ký tên vào để chấp thuận và ta cứ ghi vào đó mọi nguyện ước của ta.
Xin đừng nghi ngờ chi nữa, lời cầu nguyện cộng đồng là lời cầu xin có hiệu quả trăm phần trăm, chỉ tiếc cho ai, chỉ thiệt cho người đến với cộng đoàn mà lòng không hiệp nhất, còn vương vấn hận thù, chia rẽ, ích kỷ, tự cách biệt cô lập vì thiếu cởi mở với tha nhân, thiếu bác ái với nhau. Ước chi ngày ngày ta cố gắng tối đa để xóa bỏ hận thù xa cách nhau, lãnh đạm với nhau. Mỗi tín hữu hãy làm một cái gì đó đóng góp cho tình huynh đệ.
Hỡi các gia đình, trước lời bảo đảm của Chúa như vậy tại sao ta lại không cùng nhau tạo nên những buổi kinh trong nhà, để muôn vàn ơn Chúa có thể đổ trên gia đình ta.
Hỡi các bà mẹ, sao không hồ hởi sinh hoạt với nhau để bao ơn trời đổ xuống cho chồng cho con ta nhờ lời cầu nguyện trong hiệp nhất.
Trong xóm đạo có những buổi kinh chung như cầu hồn, những ngày trong tháng mẹ, những buổi học phúc âm, chúng ta cố gắng tham dự vì đó là dịp Chúa đến thăm.
Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan