CHÚA NHẬT XXII TN – NĂM A
CHÚA NHẬT XXII TN – NĂM A
Mt 16, 21 – 27
------------------------------------------------------
Đau khổ như món nợ đời không ai không phải trả, đau khổ còn là mầu nhiệm Thiên Chúa dùng để cứu độ chúng ta. Tin mừng thánh Mat-thêu hôm nay đề cập đến lời loan báo lần thứ nhất của ChúaGiê-su về cuộc khổ nạn của Người, một cuộc khổ nạn cần thiết phải có để cứu độ thế giới. Hơn nữa bất cứ ai muốn đón nhận ơn cứu độ này cũng phải vác thập giá mình mà đi theo.
Hôm nay chúng ta cùng nhau chia sẻ những suy tư chung quanh vấn đề đau khổ và tìm ra những các sống mầu nhiệm đau khổ của chúng ta hôm nay theo thánh ý của Thiên Chúa.
Bài Tin mừng đề cập đến việc Chúa Giê-su lần đầu tiên loan báo cuộc thương khó của Người sẽ chịu. Đây là lời loan báo gây ngạc nhiên, có thể nói là gây sửng sốt cho các tông đồ. Các ông không thể tưởng tượng được một vị Thiên sai, quyền năng vô biên như Ngài lại có thể để cho người ta bắt bớ nhục mạ và giết chết. Dù có chết rồi sống lại đi nữa, thì nguyên việc bị hành hạ cho đến chết đã là một thất bại đau đớn ghê gớm vô cùng. Vì thế Phê-rô thay vì chấp nhận lời loan báo của Chúa, ông đã đứng ra can gián Người.
Hành động can gián ấy dù chân thành mấy thì Chúa Giê-su đã đọc thấy bàn tay lông lá vô hình của satan. Satan vốn đã đánh ngã con người bằng âm mưu thiện chí, đã hòng cản lối Chúa trong sa mạc, bây giờ cản lối Chúa trên đường đón nhận cuộc khổ nạn của Người_ một kế hoạch chính ThiênChúa đã phác thảo ra.
Lời nói của Chúa buộc tội ông Phê-rô rất nặng dù có phải làm mất mặt ông, con người hùng của Đức tin, trước mặt các tông đồ khác. Vì thực ra khi quở trách ông Ngài đang đánh satan. Trong sa mạc Ngài tuyên bố thẳng với satan: “Hãy xéo đi khỏi mặt Ta” khi satan đòi Chúa quỳ xuống thờ lạy hắn. Bây giờ Chúa cũng nói với Phê-rô: “Hãy lui ra đàng sau Thầy…” vì cản đường Chúa là cản đường thánh ý Chúa Cha, đó quả là một tội tày trời do satan gây ra.
Sau đó Chúa lại tiếp tục nói về thập giá, về đau khổ như một quy luật, mà ai cũng phải gánh vác, chính Ngài không đi ra ngoài qui luật đó. Ai biết theo tinh thần của Chúa mà gánh vác sức nặng của cuộc đời, mới có thể tìm thấy cuộc sống mới bất diệt.
Biến cố Chúa loan báo cuộc khổ nạn là một biến cố lớn, biến cố quan trọng. Biến cố Chúa đánh satan trước mặt Phê-rô cũng quan trọng không kém. Và lời dạy người tông đồ, môn đệ và các tín hữu cũng là lời dạy căn bản nhất trong các lời dạy của Chúa.
Bây giờ ta cùng nhau suy tư ít nhiều về mầu nhiệm thập giá. Chúa đã chọn giữa muôn ngàn giải pháp để cứu thế giới này.
Con đường thập giá là con đường đau khổ, đau khổ thì ai cũng tránh, nhưng tại sao Chúa lại ôm ấp nó vào lòng?
Nhưng trước hết: đau khổ từ đâu mà đến? Chúa không hề tạo thành đau khổ. Chúa dựng nên mọi tạo vật và con người trong tình trạng tốt đẹp tuyệt vời và tuyệt vời vô cùng nơi con người. Đau khổ đã đến sau khi con người phạm tội. Đau khổ là hậu quả của tội lỗi. Khi con người mất Chúa, mất nơi nương tựa bình an của mình. Từ ngày A-đam Eva phạm tội thì đau khổ thành quy luật sống cho con người. Vừa sinh ra là cất tiếng khóc để chào đời. Rồi tội lỗi càng tăng trên mặt đất, thì đau khổ cũng tăng dần. Thế giới đã bị lụt hồng thủy tiêu diệt một lần vì tội lỗi. Ngày nay thế giới bắt đầu run rẩy, thấy mặt đất không còn là chỗ ở an toàn nữa, ấy cũng là vì tội lỗi đang tăng thêm. Tăng khiếp khủng như ta đang thấy vào thời đại này.
Khi Chúa Giê-su loan báo cuộc khổ nạn của Ngài, ta có thể nhận ra tại sao Chúa chịu đau khổ?
Trước hết cuộc khổ nạn không do Chúa tạo ra mà do chính tâm địa tội lỗi con người gây ra. Các thượng tế, luật sĩ, kỳ lão, biệt phái tuy họ thượng tôn lề luật, nhưng họ cũng tự coi mình như là chúa của lề luật. Họ đặt điều này bớt điều kia do những suy tư nhân loại mà nhiều khi trái nghịch Thiên Chúa. Khi Chúa Giê-su đến để điều chỉnh mọi sự thì họ coi Ngài như một lực lượng đối lập không đội trời chung. Họ quyết tâm tiêu diệt Ngài. Họ như con sói dữ bên cạnh con chiên hiền lành. Trước sau gì thì con chiên cũng bị giết.
Nhưng Chúa không tránh được hay sao? Có thể lắm nhưng Chúa không thỏa hiệp với tội lỗi, Ngài đương đầu đến cùng để chống tội lỗi, phải bênh sự thật dù phải chết. Vì Ngài sự thật phải chiến đấu với dối trá giả hình. Ngài tiếp tục đả kích thứ đạo sai lạc lỗi thời, tôi có ý nói thời cứu độ, và cuối cùng họ dùng quyền lực trần thế để áp đảo Ngài. Đó là lý do đưa đến cái chết.
Dù sao Chúa còn nhiều phương thế để tránh sự chết mà Ngài không làm, tại sao vậy? Đây chính là mầu nhiệm của thập giá: Thiên Chúa từ trước muôn đời có ý dùng mầu nhiệm thập giá để cứu độ thế gian. Thiên Chúa biến đau khổ, hậu quả thảm khốc của tội lỗi, để làm cho đau khổ thành ơn cứu độ. Đây là việc lạ lùng trong bàn tay Thiên Chúa. Ngài chịu đau khổ để hủy diệt đau khổ, ngài chết để hủy diệt sự chết, Ngài phục sinh để dứt khoát chấm dứt thân phận đen tối cho con người. Ngài không muốn coi đau khổ như hình phạt cho con người tội lỗi nữa mà biến nó thành phương tiện để con người tìm được hạnh phúc đích thật. Không phải hạnh phúc giả tạo, chóng qua mau hết của đời này, mà là cuộc sống hạnh phúc đời đời.
Đau khổ tạo nên tiếng than trời ơi, hay nói cách khác đau khổ đẻ ra sự cậy trông, đẻ ra sự sám hối, tạo ra lời cầu nguyện, tạo nên lòng yêu mến, lòng tin tưởng. Từ những tâm tình đó người ta mới có cơ hội biết đến trời, biết đến Đấng Cứu Độ mình. Phao –lô bị té ngựa mù mắt mới nhận ra Chúa.
Chúa Giê-su nói đến đau khổ như là một chương kế hoạch Thiên Chúa định đoạt nơi Ngài. Ngài sẵn sàng chu toàn thánh ý Cha một cách tuyệt vời. Cuộc khổ nạn càng dữ dằn bao nhiêu, Ngài càng tuyệt đối trung thành với Chúa Cha bấy nhiêu. Đó là tinh thần vác thập giá của Ngài. Ngài vác thập giá hay chịu đánh đòn, chịu xỉ nhục, chịu đóng đinh, dù đau đớn cực độ, Ngài càng tỏ ra tình Ngài mến Cha, yêu thương con người kể cả các thù địch, Ngài càng tở ra nhẫn nhục hy sinh và phó thác.
Vác thập giá theo Ngài hay là gánh vác sức nặng cuộc đời trong tâm hồn cậy trông yêu mến, phó thác nơi cha và yêu thương an bình với mọi người. Đó là vác thập giá đi theo Chúa sự hy sinh nhẫn nhục của chúng ta ngày ngày trong niềm phó thác là việc đền tội vô cùng quan trọng, là kết hợp với Chúa Ki-tô trên thập giá để cùng Ngài chung hưởng vinh quang.
Không phải ta biến đau khổ thành vinh quang được, nhưng chính Thiên Chúa làm điều đó cho chúng ta. Đau khổ vừa là lò lửa luyện tội, vừa là của lễ yêu mến để được bình an đời đời cho cuộc sống tương lai của chúng ta. Đường thập giá là con đường yêu thương, nhưng vì cần xây lại tình thương cho người khác mà Chúa vác lấy thánh giá. Chúa đi vào chính giữa hận thù, ghen ghét ích kỉ để trồng vào đó hạt giống yêu thương tha thứ và hiệp nhất. Trên thập giá con người nhục mạ Chúa tột độ, nhưng ngược lại Chúa đã trân trọng thăng tiến và yêu thương tuyệt đối.
Cho nên những ai nhìn ngắm thập giá Chúa hãy biết ngừng tay bạo động, hãy dừng ngay những lời nói súc phạm đến con người. Hãy dẹp ngay hiềm khích hận thù, hãy để cho con tim biết rung động với trái tim Ngài. Những ai đã bắc tay lên trán làm dấu thánh giá, hãy để cho miệng lưỡi mình biến thành miệng lưỡi hòa bình, hãy để cho bàn tay mình thành bàn tay phúc hậu và phục vụ nhân lành.
Như vậy hướng sống thiêng liêng của tuần lễ này thật rõ rệt, đó là ta hãy tập nhìn mọi đau khổ như mảnh đất có một kho tang quý giá của nước trời. Chúng ta đón nhận đối phó với mọi đau khổ trong tinh thần yêu mến, phó thác trong thánh ý Thiên Chúa trong tinh thần hy sinh đền tội cho mình và cho thế giới.
Ta nhìn gương tiên tri Giêrêmia dù ngán ngẩm cuộc đời làm tiên tri cho Chúa vì phải đương đầu với trăm nghìn đau khổ, thế mà tiên tri lại nghiệm ra một sức thu hút lạ lùng. Tại sao vậy? Thật khó mà diễn tả mầu nhiệm này, nhưng mỗi lần găp Chúa trong nước mắt, lại thấy vị ngọt ngào mừng vui và đau khổ.
Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan