Chúa Nhật XXII Thường Niên-C

348 31/08/2019
Chúa Nhật XXII Thường Niên-C

TIN MỪNG VỀ ĐỨC KHIÊM TỐN VÀ PHỤC VỤ VÔ VỊ LỢI
Lc 14, 1.7 - 14
----------------------

 

Bài Tin Mừng hôm nay có hai dụ ngôn khác nhau với hai mục đích khác nhau, nhưng cùng chung bối cảnh trong một bữa tiệc do một người lãnh tụ của biệt phái thiết đãi Chúa.


Đây là bữa tiệc trưa sau giờ phục vụ ở hội đường. Bữa tiệc có tính long trọng. Ở đây người ta sống tinh thần anh em đồng đảo, gặp gỡ vui vầy, có khi còn kéo dài những bình luận, bài chia sẻ của các vị được mời hôm đó. Và nếu là bài chia sẻ của Chúa thì dư âm còn kéo dài. Vì Lời Chúa mới mẻ, hấp dẫn, đầy uy tín, có tính thuyết phục rất lạ lùng.

 

Người ta mời Chúa đến đó, là người ta nghĩ tới uy tín của Ngài đã đành, mà nhiều người còn mong Chúa chia sẻ thêm nữa. Đối với Chúa lúc nào cũng sẵn đề tài Tin Mừng để rao giảng, nhất là rao giảng bằng dụ ngôn, Ngài có tài chia sẻ rất vắn, nhưng ý nghĩa thì rất rõ ràng và sâu xa.

 

Người ta đang xôn sao xếp chỗ ngồi cho Khách dự tiệc, vì mới vào người ta không biết phải ngồi ở đâu, nên người chủ khách phải lịch sự chỉ chỗ ngồi cho người ta. Cũng có người ưa tìm chỗ cho vừa ý mình, đó là chỗ danh dự. Nhân cơ hội này Chúa loan báo một Tin Mừng quan trọng trong nước Thiên Chúa.

 

Trước hết Chúa lấy một vài ý tưởng trong sách luật để mời gọi mọi người chú ý. Đó là khi người ta mời bạn đến ăn tiệc, không nên tìm chỗ danh dự, khỏi khi chủ tiệc xếp chỗ lại thì cũng không vui sướng gì. Vì mất chỗ, mất cả uy tín.


Nếu trước hết mà tìm chỗ Khiêm tốn để ngồi, để khi chủ tiệc mời lên thì càng thêm vinh dự.

 

Áp dụng dụ ngôn cụ thể vào Nước Trời, Chúa muốn người ta hiểu rằng, cũng như cái chỗ ngồi trong bữa tiệc do ông chủ xếp đặt, thì ân huệ Nước Trời là ân ban của Thiên Chúa. Và đối với Thiên Chúa, “Chúa hạ bệ kẻ Kiêu căng lòng trí và Chúa nâng cao kẻ Khiêm nhường” (Lc 1, 52), người khó nghèo, người yếu hèn, kẻ nhìn nhận tội lỗi của mình, Lòng thương Chúa là như vậy. Chính Chúa Ki-tô từ danh vị cao sang vô tận trên trời, Ngài đi vào trần thế chúng ta như bao người lữ hành khiêm tốn. Người hạ mình vâng lời Chúa Cha, cho đến nỗi sẵn sàng chịu chết và chết trên thập tự như người tội lỗi xấu xa.

 

Đón nhận một thân phận như vậy vì tình yêu tuyệt đối của Ngài. Ngày nay, ta lấy hình ảnh Ngài quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, làm biểu tượng cho tnh thần phục vụ khiêm tốn, quả thực là một biểu tượng sáng ngời cho chúng ta chiêm ngắm và hành động. Chúng ta hãy khiêm tốn, hãy vui vẻ khi phục vụ mọi người. Cũng trong bối cảnh bữa tiệc hôm nay, Chúa lại dạy thêm một Tin Mừng, Tin Mừng cho người nghèo khó.

 

Vâng, Chúa đang ngồi trong bữa tiệc thịnh soạn của ông “Cha xứ” hội đường thiết đãi. Nhưng lòng Ngài lại đang hướng về những người nghèo khó không đủ miếng cơm, không đủ áo mặc, không có chút thuốc khỏi bệnh tật. Người nghèo lại bị người ta khinh bỉ, nhưng Chúa lại tôn vinh họ và ưu tiên dành Nước Trời cho họ. Chúa công bố mối phúc hàng đầu có người nghèo khó. “Phúc cho anh em là những người nghèo khó vì Nước Trời là của anh em – Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì anh em sẽ được no lòng”. (Lc 6, 20-21).

 

Chúa loan báo Tin Mừng cho người nghèo, Chúa cũng loan Tin Mừng cho những người biết yêu thương họ nữa.


“Khi bạn đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em hay bà con láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại bạn, và như thế bạn được đền đáp rồi. Trái lại khi bạn đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đền đáp, và như thế ông thật có phúc, vì sẽ được đền đáp lại khi các người công chính sống lại.”(Lc 14, 12-14).

 

Một dụ ngôn, một lời dạy quá tuyệt vời, Chúa là tình yêu, Chúa là ánh sáng, Chúa là sự thật. Chúa cho người ta thấy chính Ngài sẽ đền đáp và đền đáp cách bội hậu, là Nước Trời, cho những ai biết yêu thương người nghèo đói trên đời này.


Trong phần đầu của dụ ngôn ta nghe như Chúa muốn xóa bỏ tập tục bà con láng giềng đoàn kết yêu thương mời mọc nhau ăn bữa cơm đoàn kết. Chúa không có ý xóa bỏ cái tập tục tốt đẹp đó đâu, nhưng Chúa nói để đề cao hành động giúp đỡ người nghèo đói. Chuyện vui đời này thì sẽ qua đi, nhưng tình thương dành cho người nghèo, Chúa còn giữ lại cho đến tận thế. Chúa biến những hành động đó nên phần thưởng đời đời, vinh quang đời đời cho chúng ta. Hành động bác ái quý giá biết bao.

 

Đó là giúp đỡ thể xác còn cao quý như vậy, thì giúp đỡ tinh thần còn cao quý hơn nữa. Thiên Chúa là tình yêu, thấy đứa con hoang đàng trở về, ông quên ngay quá khứ xấu xa của nó, để ôm chặt nó vào lòng và thương quý nó hơn vàng. Khi chúng ta thấy người anh em có lỗi mà gúp họ trở về, đó là dọn tiệc cho người đói tinh thần, là thương nhau thật, còn chỉ trích, phê phán, nhắn gửi xa gần thì chỉ có hậu quả là làm mất sự hợp nhất giữa cộng đoàn. Trách nhiệm rất là lớn.

 

Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP