Chúa Nhật XXI Thường Niên-C
VÀO NƯỚC TRỜI QUA CỬA HẸP
Lc 13, 22 – 30
---------------------------------
Vào Nước Trời là vào chốn hằng sống trong vinh quang đời đời với Thiên Chúa. Nghe điều đó ai mà không ao ước được vào. Nhưng Chúa lại nói với các thính giả của Ngài rằng: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13, 24). Sở dĩ Chúa đề cập đến vấn đề này vì có người đã đặt với Ngài một câu hỏi: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít có phải không ?” (Lc 13, 23). Có lẽ người có đạo không ai mà không mơ ước, trên thiên đàng mọi người trong gia đình đều có mặt, thì vui biết bao! Hoặc bạn bè với nhau, cùng nghề nghiệp làm ăn với nhau, sau này lại gặp nhau trên trời nữa, thì niềm vui Thiên đàng thỏa tình biết mấy! Thánh Phao-lô cũng nói với người môn đệ quý yêu là Ti-mô-thê rằng: “Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người được cứu độ” (1Tm 2, 4). Cái nhìn lạc quan đó làm cho cuộc sống người Ki-tô hữu tràn trề hy vọng, nhưng khi Chúa trả lời câu hỏi: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?”(Lc 13, 23). Chúa đã nói : “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người tìm cách vào mà không thể được”.(Lc 13, 24).
Tại sao lại có vấn đề cửa hẹp, tại tình yêu Chúa bao la đã muốn cho mọi người được cứu độ. Vậy lòng Chúa hẹp hay chính chúng ta hẹp lòng, không coi phúc lộc đời đời đáng mọi giá.
Thực ra câu hỏi người ta đặt ra có tính cách tò mò, mà cũng có cả vấn đề muốn tìm giải pháp dễ dãi cho cuộc sống đức tin đó thôi. Vì vấn đề được vào Nước Trời nhiều hay ít còn tùy vào cuộc sống từng người, và điều này gắn liền với sự tự do của con người nữa. Trong ba năm rao giảng Nước Trời, Chúa cho thấy có nhiều phương diện, có nhiều cách để vào Nước Trời, thí dụ Chúa dạy: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ, phúc cho ai hiền lành vì sẽ được Nước Trời làm gia nghiệp…”
Vì thế Chúa không trực tiếp trả lời nhiều hay ít người được vào Nước Trời, trái lại Chúa yêu cầu người ta phải tự hỏi mình, hay như có người đã hỏi chính Chúa: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt lành, để được sự sống đời đời”.
“Nghe và giữ Lời Chúa” hay nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, đó là điều răn chắc chắn sẽ được vào Nước Trời, nhưng đây là cuộc chiến đấu, vì chính lòng ta mới là cái cửa hẹp vì ta đang bám sát cuộc sống ở đời này. Muốn biến đổi cho cuộc sống đó từ tâm tư, đến lời nói và hành động, sao cho hợp với Thánh ý Thiên Chúa, qua Tin Mừng của Ngài, đây mới là cuộc chiến đấu cam go, là cửa hẹp thực sự.
Bậc Thánh hiền như Thánh Phao-lô còn phải thú nhận rằng: “Điều tôi muốn làm, thì tôi không làm, điều tôi không muốn làm tôi lại làm”. Ngài phải nói với môn đệ Ti-tô của mình: “Tôi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy đua hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin”.(2Tm 4, 7).
Luôn luôn Ngài bị cám dỗ bỏ cuộc trên đường vừa hoàn thiện chính mình, vừa đem Tin Mừng tới muôn dân, Ngài gọi đó là cái mũi kim nhọn đang đâm vào Ngài. Ngài van xin Chúa cất đi và Chúa trả lời: “Ơn của Thầy đã đủ cho con”.(2Cr 12, 9).
Chính Chúa đã có lần nói đến sự cần thiết phải có một sức mạnh từ bên trong để chống lại sự ươn lười dễ dãi trong hành trình đi về Nước Trời, Chúa nói: “Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11,12).
Người Do Thái cố chấp cứ đòi rằng Nước Thiên Chúa phải dành riêng cho họ và phải là một nước theo kiểu trần gian. Tư tưởng đó xa lạ với Chúa, vì Nước Thiên Chúa là nước phổ quát, mời gọi mọi dân tộc tham gia vào. Và đây là nước thuộc về thế giới mới, cho nên dù họ có kể có kể ra những liên hệ bề ngoài như Chúa sống giữa họ, giảng dạy tại công trường của họ, để đòi vào nước Ngài. Lúc đó, ông chủ tiệc thay Lời Chúa, nói với họ rằng: “Ta không cần biết các anh từ đâu đến, cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính”. Vì họ đã từ chối Tin Mừng của Ngài trên mặt đất này rồi, Chúa còn nhấn mạnh thêm rằng: “Thiên hạ từ đông, tây, nam, bắc đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa”. Trong khi….. lại bị đuổi ra ngoài.
Bạn thân mến!
Nghe lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy tự do so sánh hoàn cảnh của chúng ta với người Do Thái xem có gì tương tự không?
Chúng ta cũng được loan báo Tin Mừng như họ, chúng ta cũng được đồng bàn với Chúa qua các Thánh lễ, chúng ta còn là người được ưu tiên vào Nước Chúa như các Tông đồ của Ngài. Sức mạnh chiến đấu của chúng ta từ bàn tiệc thánh thể rất lớn, ta cũng được Chúa nói với Thánh Phao-lô: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh” (2Cr 12, 9).
Hơn thế nữa chúng ta có một tập thể để hỗ trợ nhau, đó là một lời hứa hẹn rất lớn, Chúa đã nói: “Ở đâu có hai ba người họp nhau vì danh Ta, thì có Ta ở giữa” (Mt 18,20). Chúa ở giữa chúng ta, còn gì hạnh phúc sung sướng cho bằng.
Chúa khuyến khích chúng ta: “Hãy vào cửa hẹp”. Nghĩa là hãy làm cho đời sống chúng ta đồng hóa với Tin Mừng của Ngài, Tin Mừng của Tình yêu, của phục vụ vô vị lợi. Chúng ta đừng mỏi mệt, nắm tay nhau thành vòng tròn lớn để Chúa Ki-tô ôm vào lòng, những ai còn thiếu tình thương, những ai chưa biết Chúa, những ai cần đến sự săn sóc của chúng ta. Chính Chúa Ki-tô sẽ là ông chủ tiệc, sẽ mở cửa Nước Trời cho chúng ta.
Đi tu chính là đi vào cửa hẹp. nhưng muốn tu cho thành công, cần phải tập trung ý chí và nghị lực hằng ngày vào con đường Chúa đã đi như Chúa đã đi như Chúa nói rõ: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” cho ai muốn vào Nước Thiên Chúa. Nếu rập theo thói đời này, để đua tranh với thế gian, cuối cùng ta chỉ gặp con số không nơi cửa vào cõi đời đời mà thôi.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, lời Chúa là ánh sáng dẫn đường con đi, là tình thương đem con vào Nước Trời vĩnh cửu, là hồng ân đem chúng con, ban cho chúng con từ tình yêu bao la Chúa. Xin cho chúng con biết yêu mến lời Chúa, tin vào Lời Chúa và cố gắng thực hành sao cho chu đáo.
Lạy Chúa, giữa lúc tình đời phôi phai đang quyến rũ tuổi trẻ, thì tiếng Chúa mời gọi chúng con đi vào cửa hẹp. Xin cho chúng con đủ quyết tâm hướng về lý tưởng Tin Mừng, vì chính Tin Mừng mới đem lại sự sống đời đời cho chúng con. Amen
Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan