Chúa Nhật XXI Thường Niên-A

120 22/08/2020
Chúa Nhật XXI Thường Niên-A

CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN-A
Mt 16, 13 – 20
----------------------------------

 

Giáo hội là một cộng đoàn Đức tin, được hình thành từ niềm tin của các tông đồ vào Chúa Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa hằng sống. Một niềm tin dẫn đưa chúng ta từ cõi đời này đi vào thế giới của Thiên Chúa.

 

Niềm tin đó được hình thành ra sao? Giáo hội là mẹ đức tin của chúng ta, có vai trò nào trong cuộc sống đức tin của chúng ta hôm nay? Lời Chúa trong Chúa Nhật XXI này thắp sáng lên ý nghĩa niềm tin của chúng ta và sự liên hệ giữa người tín hữu và Giáo hội.

 

Bài Tin mừng vừa tường thuật cho chúng ta cuộc kiểm điểm về kết quả cuộc rao giảng của Chúa Giê-su vào cuối đời của Ngài. Cuộc rao giảng nhằm bày tỏ cho dân Do thái sứ mệnh cứu độ của Ngài và Nước trời do Ngài thiết lập. Ngài có sứ mệnh cứu độ, vì Ngài là Con Thiên Chúa, được Thiên Chúa ủy phái đến trần gian này. Nếu người ta nhận biết Ngài, tin vào Ngài thì mới tham dự được vào công trình cứu độ, một công trình độc nhất đem con người đi về nguồn cội của mình là chính Thiên Chúa. Không có Ngài thì như lời Thánh Phê-rô rao giảng, không có ơn cứu độ nào khác ở dưới gầm trời này.

 


Cuộc kiểm điểm nhằm hai đối tượng: dân chúng và các môn đệ. Đối với dân chúng thực ra Ngài mới khêu gợi được sự chú ý của họ. Họ vẫn hỏi nhau: ông ấy là ai vậy? Ông ấy là một tiên tri nào đó, mặc dầu lời nói và việc làm của Ngài không tiên tri nào sánh kịp. Họ chỉ biết đến đó là cùng. Sau phép lạ hóa bánh, người ta đã ngỡ Ngài là Đấng Thiên Sai Thiên Chúa hứa ban, rồi họ toan tính bầu Ngài làm vua. Nhưng sự từ chối bằng cách lánh mặt đi của Ngài làm họ cụt hứng. Vì đối với họ Đấng Thiên sai phải hành động trên phương diện chính trị trần thế.

 

Đối tượng thứ hai là các tông đồ, họ nghĩ gì về Chúa Giê-su. Ở với Chúa gần ba năm trời, các tông đồ chẳng những được chứng kiến công khai những hành động chữa bệnh kỳ diệu của Chúa, được nghe những lời rao giảng mới mẻ và thấm nhuần chân lý cao vời của Chúa. Họ còn có nhiều thời giờ để gần gũi tâm sự, hấp thụ những lời giáo huấn cao siêu, được quan sát những giờ cầu nguyện của Ngài. Cho nên họ khám phá con người của Ngài hơn người ngoài. Và nhất là họ nhận ra một mối liên hệ lạ lùng giữa Ngài và Thiên Chúa, mà Ngài gọi bằng danh hiệu thân thương nhất: Cha _ suốt bao đêm trường Ngài nói chuyện với Cha, cầu nguyện với Cha, dâng hiến phó thác công việc mình cho Cha… như vậy thật không lạ lùng gì khi ta thấy tông đồ Phê-rô tuyên xưng rằng: “Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống”. Nhưng dầu sao một niềm tin như vậy chỉ hoàn toàn sau khi Chúa sống lại và các tông đồ nhận được Thánh Linh mới có thể tuyên xưng một cách không sai lầm được. Hôm nay lời tuyên xưng của Phê-rô chưa có đủ ý nghĩa nhiệm mầu của nó. Sở dĩ lời tuyên xưng đó trở nên quan trọng là vì đó là mạc khải, là sự soi sáng của Chúa Cha.

 

Có phải các tông đồ đã bầu ông Phê-rô làm đại diện để nói không? Có lẽ trừ Giu-đa thì mười một tông đồ đều có một cảm nhận về Chúa Giê-su như nhau. Nhưng Phê-rô đã phát ngôn thay cho anh em vì Ngài là tông đồ được Chúa gọi đầu tiên, là anh cả của đoàn tông đồ. Mặt khác Phê-rô vốn tên gọi là Simon, vậy mà Chúa đã đổi tên cho ông thành Phê-rô. Điều này có nghiã ông là người quan trọng bậc nhất trong đoàn, khi Chúa đổi tên ông để chuẩn bị cho một sứ mệnh tương lai. Hơn nữa Phê-rô là người nhạy cảm, nôn nóng, ưa nói mau làm liền.

 

Lời tuyên xưng của tông đồ Phê-rô là lời tuyên xưng đức tin chân chính về bản tính sâu thẳm nhiệm mầu của Chúa Giê-su. Chính mầu nhiệm đức tin đó là đá tảng của Giáo hội. Phê-rô có thể ví như hòn đá hữu hình, Chúa dùng để xây dựng Giáo hội, mà niềm tin căn bản là “ Đức Giê-su là Con Thiên Chúa Hằng sống”, Ngài sẽ ban phát sự sống đời đời, Ngài sẽ đem nhân loại tới nguồn sống là Thiên Chúa. Dù Ngài sẽ bị giết chết tạm thời, thì Ngài vẫn sống mãi mãi.

 

Chúa sẽ xây Giáo hội trên đá tảng Phê-rô, có nghĩa là Phê-rô sẽ trở nên lãnh tụ đức tin, sẽ giáo huấn đức tin cho cả Giáo hội. Rồi qua dòng thời gian bao nhiêu tư tưởng mới, bao vấn đề mới. Chẳng hạn thời sơ khai có vấn đề người ngoại có được nhận vào Giáo hội không? Chính thánh Phê-rô rồi đến các vị Giáo hoàng sẽ có Chúa Thánh linh soi sáng để hướng dẫn Giáo hội. Ngày nay vai trò là Thầy dạy muôn dân”, là ánh sáng Chúa Ki-tô” của Giáo hội còn vô cùng quan trọng hơn nữa. Vì thế giới chúng ta đầy những khám phá mới kéo theo những vấn đề nan giải, kéo theo những chống đối đức tin, kéo theo những khủng hoảng tinh thần rất là lớn. Bên cạnh đó hàng ngàn giáo phái, những tiên tri giả lôi cuốn con cái Giáo hội và nhân loại vào đường lầm lạc v.v…

 

“Thầy sẽ trao cho con chìa khóa Nước Trời…”, thánh Phê-rô vị giáo hoàng đầu tiên được ví như người giữ cửa không phải trên thiên đàng mà là Giáo hội trần gian. Giữ chìa khóa cửa Giáo hội hay quyền tha buộc không có ý nói quyền thâu nhận hay từ chối ai vào Nước Chúa, mà chính là quyền giáo huấn, phán quyết điều gì đó phù hợp hay không phù hợp giáo lý đức tin mà ChúaGiê-su đã rao giảng. Quyền phán quyết tối hậu này sẽ được Chúa Thánh linh bảo đảm cho khỏi sai lầm.

 


Từ đầu lễ ta đề cập đến vấn đề: Đức tin của Giáo hội được hình thành như thế nào? Bây giờ ta thấy cũng dễ trả lời. Đức tin được hình thành từ việc các tông đồ đã gặp gỡ Đức Ki-tô, đã khám phá ra mầu nhiệm nơi chính Ngài là con Thiên Chúa hằng sống. Chỉ mình Ngài có đủ khả năng và tư cách cứu độ thế giới, nghĩa là đem con người từ chốn lưu đày này về với Thiên Chúa. Ai muốn đạt được mục đích đó, cần phải đến với ChúaKi-tô qua Giáo hội.

 

Phần chúng ta hôm nay đang được thụ hưởng niềm tin đó. Nhưng không bao giờ hết sức tấn công của satan và của loài người vào đức tin Ki-tô giáo thật khiếp khủng. Phong trào vật chất đang làm cho con người lìa xa tôn giáo. Lìa xa rồi lại thấy khao khát và chạy theo các giáo phái lầm lạc.

 

Chúng ta phải làm gì đây? Trước hết làchia sẻ với Giáo hội trong tình trạng bị tấn công, bị đau thương nhục mạ. Ngay bây giờ ở pháp nhiều người biểu tình chống việc Đức Giáo Hoàng đi thăm Pháp. Giáo hội là người mẹ đau khổ vì người ngoài mà vì cả đàn con của mình. Những tư tưởng lầm lạc thì ngày nay được lan truyền mau chóng, làm tăm tối bao cõi lòng. Chúng ta phải biết thương Giáo hội, và cầu nguyện với Giáo hội.

 

Chúng ta cũng phải sống đức tin của chúng ta cho nghiêm chỉnh đúng đắn. Giáo hội bị khinh rẻ vì con cái Giáo hội sống tồi tệ. Chúng ta không muốn được giáo huấn đúng mức mà chỉ giữ đạo lai rai hờ hững. Thánh Phê-rô là đá tảng hữu hình, nhưng chính Chúa Ki-tô mới là đá tảng nhiệm mầu của đức tin. Nếu không có cuộc sống gắn bó với Ngài, thì niềm tin của chúng ta cũng phai nhạt.

 

Ngoài ra chúng ta cũng phải xây dựng một cộng đồng giáo xứ sống động, nhiệt tình. Phải tạo cho được một hình ảnh đẹp trước mặt người đời: hình ảnh một giáo xứ đoàn kết, yêu thương, một giáo xứ loại bỏ những tệ nạn xã hội, một giáo xứ có cuộc sống văn minh tiến bộ v.v… một cộng đoàn như vậy sẽ làm rạng danh Giáo hội gấp mấy những nhà thờ nguy nga sáng chói.

 

Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP