Chúa Nhật XVIII Thường Niên-A

113 01/08/2020
Chúa Nhật XVIII Thường Niên-A

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN – NĂM A
Mt 14, 13 – 21
----------------------------

 

Chúng ta thường nghĩ rằng chuyện Nước Trời là chuyện mầu nhiệm. Chuyện thiêng liêng, chuyện đời sau. Có phải vậy không? Chúa có quan tâm gì đến đời sống vật chất của chúng ta không?

 

Lời Chúa sẽ trả lời cho chúng ta rằng: Toàn bộ đời sống con người đều được Chúa quan tâm đến. Nhưng khi ta chỉ quan tâm đến đời sống thể xác mà thôi thì chúng ta có nguy cơ trở nên trần truồng như A-đam E- và xưa.

 

Phép lạ bánh hóa ra nhiều mà lời Chúa đề cập đến sẽ cho chúng ta nhiều ý nghĩa để sống một đời sống đức tin với cả xác và linh hồn.

 

Chiều hoang địa hôm nay có nắng vàng nhạt, có gió mát, có đoàn người đông đảo với các tông đồ môn đệ vây quanh Chúa Giê-su, chăm chú say sưa nghe những điều Chúa rao giảng và nhất là chứng kiến tận mắt hàng trăm trường hợp bệnh tật được Chúa chữa lành. Tiếng vỗ tay hoan hô thỉnh thoảng lại nổi lên. Nơi đây một người mù được sáng mắt, chỗ kia người bất toại đứng dậy đi, nơi khác nữa mà bà già còng lưng đã đứng thẳng lên như trẻ lại một thời.

 

Mãi đến chiều tối công việc chữa lành bệnh tật còn tiếp tục thực hiện và người ta quên đói, quên đêm đến. Chúa Giê-su cũng say sưa chữa bệnh như quần chúng say sưa chứng kiến và hoan hô, ca ngơi Thiên Chúa đang làm biết bao điều kỳ diệu trước mắt mình.

 

Một vị tông đồ phải đến nhắc nhở Chúa: “Thưa thầy nơi đây hoang vắng và đã quá muộn rồi, vậy xin thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mà mua lấy thức ăn”. Đây chính là lời mở đầu cho một phép lạ vĩ đại: “Phép lạ bánh hóa ra nhiều”. Ta hãy tưởng tượng sau lời tạ ơn, Chúa Giê-su cầm bánh bẻ ra cho các tông đồ phân phát. Lẽ ra càng phát càng mất, nhưng ở đây phát mãi không hết, các tông đồ phát, dân chúng phát cho nhau mà cứ thế mãi, hầu như ai cũng làm phép lạ hóa bánh được.

 

Có một số ý nghĩa quan trọng ta cần ghi nhớ trong phép lạ này. Thứ nhất Chúa Giê-su là vị mục tử nhân lành ở giữa đàn chiên. Ngài đến đây tập trung muôn dân lại thành một cộng đoàn tình yêu. Và Ngài quan tâm yêu thương chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của đoàn chiên. Ngài chữa lành bệnh tật, Ngài nuôi sống người thiếu thốn, Ngài nâng đỡ tâm hồn. Ta chưa có cảm giác đặc biệt để nhận ra Ngài trong đời sống, nhưng xin hãy tin đi Giê-su và tôi là một. Vì không tin ở tình yêu đó, vì không biết đón nhận. Vì chúng ta quá mù lòa. Còn Ngài, Ngài chờ ta, đợi ta từng phút từng giây đó. Cứ yêu Ngài đi, cứ sống tốt với tha nhân đi rồi bạn sẽ có kinh nghiệm. Có lẽ hôm nay có nhiều người bệnh tật đói khổ, sao không thấy Chúa đến cứu. Một người bị tù tám năm trời, trong đó anh ta bị bệnh kiết lị hai năm. Anh cầu xin Chúa mấy cũng không được, anh ta ngã lòng trách Chúa sao không cứu anh ta. Và anh ta tự hỏi tại sao lại phải tin Chúa. Rồi một hôm có một người bạn tù cho anh ta một viên thuốc, anh ta uống và lành ngay. Anh ta kết luận chỉ một viên thuốc mà Chúa không cho nổi, may mà có người bạn tù tốt bụng. Anh chị em nghĩ sao về viên thuốc cứu mạng đó? Người bạn tù hay Chúa đem đến. Anh đã cầu nguyện, anh đã được nhậm lời, và chính Chúa dùng người bạn tù làm trung gian đem thuốc đến. Đừng bắt Chúa trực tiếp giúp đỡ ta.

 

Vì Ngài đã đi vào cõi linh thiêng và chưa đến lúc Ngài xuất hiện trở lại đâu.

 

Vì thế ta cũng cần để ý đến vai trò của Giáo hội, của cộng đoàn trong phép lạ này. Ý Chúa lập nên cộng đoàn Giáo hội để đem Tin mừng đi khắp thế giới, nhưng bản chất của cộng đoàn này là một cộng đoàn đức tin, và cũng là cộng đoàn tình yêu.

 

Tình yêu Chúa bao trùm lên cả cộng đoàn, và cộng đoàn nhờ tình yêu Chúa mà gắn bó nối kết với nhau.

 

Các tông đồ muốn Chúa ngừng chữa bệnh để cho người ta giải tán, đi kiếm thức ăn. Vậy mà Chúa lại nói: “Các con hãy cho họ ăn.” Chúa quá biết các ông chỉ có hai con cá và năm chiếc bánh, làm sao các ông lại cho họ ăn được? Thật là một mệnh lệnh khó hiểu. Nhưng đây là bài học rất đặc biệt Chúa đang dạy các tông đồ, Giáo hội là bàn tay Chúa nối dài. Ngài mới là chủ cộng đoàn cái gì làm được, không làm được do Ngài quyết định. Các tông đồ phải mãi mãi ghi nhớ điều đó. Cái mà cộng đoàn luôn luôn phải thi hành là quan tâm tới nhau, có trách nhiệm tới nhau, giúp đỡ nhau. Dù ta bất lực tuyệt đối nhưng Chúa lại đầy quyền năng để hoàn tất tốt đẹp điều mà chúng ta đã khởi đầu vì thương yêu nhau.

 

Mỗi giáo xóm của chúng ta là một cộng đoàn sinh hoạt cơ bản. Xin mọi người hãy gạt bỏ mọi tinh thần chia rẽ. Cần làm cho đầy đức thương yêu, để thăng tiến đời sống vật chất cũng như tinh thần. Tuy ta bất lực, nhưng hễ biết thương nhau là có Chúa ở đó, để trợ giúp sự bất lực của chúng ta.

 


Giáo hội là thế: Chúa dùng người này như chủ chăn, kẻ kia như miệng lưỡi giáo huấn của Người, kẻ khác nữa như con tim của Người để chia sẻ nỗi niềm của kẻ khác. Bạn phải chọn lấy một trong những thái độ đó của Người, và hãy trở nên phần tử sống động của cộng đoàn.

 

 

Lời Chúa hôm nay kêu gọi ta hãy làm lớn mạnh tình yêu trong cộng đoàn. Người tín hữu mang tên tình yêu. Người phản Ki-tô mang tên hận thù ghen ghét. Hãy chọn lấy một tín hiệu để anh em lương dân nhận ra hình ảnh Chúa trong đời ta.

 

Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP