Chúa Nhật XIII Thường Niên-C
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN-C
Lc 9, 51 - 62
---------------------------
Thế nào là Đức tin trưởng thành? Là đời sống với niềm tin với ý chí lấy nước Thiên Chúa, hay chính Thiên Chúa và tình yêu vô biên của Ngài là mục tiêu hàng đầu của cuộc đời người Ki-tô hữu.
Chúng ta sống hằng ngày ai mà không mong cho cuộc sống này được ấm no hạnh phúc. Vì thế những lo lắng cho cuộc sống thiết thực, quan trọng, người đời chỉ biết vậy.
Nhưng chúng được Tin Mừng soi sáng chúng ta được biết, còn một cuộc sống hạnh phúc lớn lao và trường tồn trong nước Thiên Chúa, trong tình yêu vô biên của cuộc đời người Ki-tô hữu của Người. Đó cũng là mục đích cao quý nhất chúng ta hãy cầu nguyện trong Thánh lễ này cho các em biết sống Đức tin trưởng thành thực sự.
Anh chị em thân mến!
Vì lòng thương vô biên của người, đối với nhân loại lầm lạc, đã làm mất đi hạnh phúc mà chính Chúa đã dành cho từ ngày tạo dựng. Chúa đã liều thân xuống thế và lấy cái chết của Ngài vừa lập công đền tội cho nhân loại, vừa mở đường cho nhân loại tìm về nước Ngài, đó là nước Thiên Chúa, trời mới đất mới.
Bài Tin Mừng thánh Luca hôm nay khởi đầu cho một cuộc hành trình của Chúa từ Ga-li-lê tiến về Giê-ru-sa-lem từ bắc vào nam. Nhưng vừa đi vừa rao giảng vừa đi vừa tiến tới giai đoạn cuối cùng của cuộc đời cứu độ. Lên Giê-ru-sa-lem đối với Ngài có nghĩa là đi tới tử địa, đi tới chết chóc mà các tông đồ mỗi lần nói đến là các ông rùng mình và họ còn ngăn cản Chúa đừng có đi.
Nhưng đối với Ngài đó lại là mục tiêu quan trọng nhất mà cả cuôc đời Ngài mong đợi. “Thầy đã ném lửa xuống mặt đất này, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên. Thầy còn một phép rửa phải chịu, lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất” (Lc 12, 49 – 50).
Vì lòng thương chúng ta, vì muốn thương nhân loại mau được hợp hoan trong nhà Thiên Chúa, Ngài đã khao khát, niềm khao khát bùng nổ như lửa đốt trong tim. Khao khát thập giá, khao khát cái chết vì đó là lúc tình yêu biến thành ơn cứu độ. Ngài có chết con người mới về tới Thiên Chúa.
Người kẻ trộm lành là người đầu tiên đón nhận ơn cứu độ: “Hôm nay anh sẽ ở trên Thiên Đàng với ta”(Lc 23,43). Và tiếp theo có hàng tỉ người trong đó có chúng ta.
Từ đó cửa Thiên Đàng đã mở để chờ đón chúng ta. Ngoài mục tiêu liều thân đi Giê-ru-sa-lem vì ơn cứu độ cho thế giới, cuộc hành trình này còn nhiều bài học hết sức quan trọng, Chúa để lại cho chúng ta, và đặc biệt Chúa gửi tới các em thiếu nhi hôm nay. Bài học gì đây? Bài học đầu tiên là lý tưởng tình yêu, thể hiện nơi lòng khoan dung với mọi người nhất là những người xúc phạm đến chúng ta. Chúa đi qua Sa-ma-ri-a, mà hầu hết là người ly giáo với đạo Do Thái. Thấy Chúa và các tông đồ lên Giê-ru-sa-lem mà qua đất họ thì họ rất ghét. Chúa muốn vào làng họ để rao giảng họ càng ghét hơn.
Gioan và Giacôbê biệt danh là con thần sấm sét, thấy vậy họ đòi ăn miếng trả miếng, xin Chúa lấy lửa trời đốt mấy làng đó. Nhưng Chúa rất buồn với các ông, vì Chúa đang loan báo Tin Mừng tình thương, các ông lại chủ trương hận thù chia rẽ. Chúa quở trách các ông đang mang tinh thần thế tục. Đối với Ngài chỉ có hai tiếng khoan dung và tha thứ, kinh lạy Cha luôn nhắc đến điều đó. Không biết đến khoan dung chúng ta không gặp được tình yêu Chúa.
Bao nhiêu tranh chấp đang gây căng thẳng cho thế giới, làm cho tử thần có mặt khắp nơi. Người Ki-tô giáo với Đức tin trưởng thành, luôn luôn chủ trương xây dựng cho gia đình làng xóm, bất cứ nơi đâu cũng tạo cho được bầu khí hòa bình “phúc cho ai biết xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”(Mt 5,9), là môn đệ Chúa Ki-tô, là dấu hiệu của người tin đạo Chúa.
Nhưng muốn được như vậy phải có khoan dung tha thứ.
Bài học thứ hai: Chúa đi con đường khó nghèo, Chúa không để của cải vật chất chi phối hoạt động của Ngài, có một cái gì hơn của cải một bạn trẻ rất là nhiệt tình, thưa với Chúa: “thưa Thầy, Thầy đi đến đâu tôi theo tới đó”. Lẽ ra Chúa sung sướng khích lệ anh ta. Nhưng Chúa không muốn anh ta nông cạn, hoặc nghĩ rằng theo Chúa, để Chúa làm Vua mình làm quan, hoặc theo Chúa tiền sẽ đầy túi. Không, Chúa không chủ trương tìm danh vọng, không có mục đích tìm hạnh phúc đời này, mà cuộc đời Chúa chỉ có một lý tưởng hy sinh chính mình để cứu độ thế giới. Đó là lý tưởng tình yêu của Ngài, là ngọn đuốc sáng hướng dẫn cả cuộc đời Ngài. Không có tình yêu mặt đất này chỉ là biển máu.
Cho nên trên con đường lý tưởng không biết bao chông gai đang đón chờ Chúa. Nơi Chúa đi là thập giá, con đường hẹp, con đường không cửa không nhà. “Con chồn có hang, con chim có tổ nhưng con người không có chỗ tựa đầu”. (Lc 9, 58).
Một Đức tin trưởng thành coi Nước Trời là quê hương là hạnh phúc đời đời, không để cho những cám dỗ của đời này làm mất mục tiêu cao quý đó. Nhiều cám dỗ làm chúng ta quên mục tiêu quan trọng nhất đời là nước Thiên Chúa, và quay về với vật chất. Hôm nay Chúa đang nhắc lại với chúng ta điều đó.
Bài học thứ ba: Vì Nước Trời quá cao trọng hơn mọi sự trên mặt đất này, nên người ta phải tìm Tin Mừng đó trên mọi giá. Dù phải bán hết của cải, dù phải hy sinh những tình cảm cao quý như tình gia đình, phụ tử. Chính Chúa cũng bỏ Đức Mẹ lại một mình để hiến thân vì Nước Trời. Nước Trời ơn cứu độ cho cả thế giới, cho cả vũ trụ, tái tạo lại tất cả, đổi mới lại tất cả và phục hồi số phận vinh quang cho con người. Ai cùng Chúa giúp vào công trình của Ngài, Ngài ban lại hồng ân gấp trăm trên đời và phần thưởng bội hậu mai sau.
Người có Đức tin trưởng thành, biết khao khát trở nên môn đệ Chúa, cùng Chúa đi loan báo Tin Mừng. Các em thiếu nhi, chúng con đang được Chúa kêu gọi trở nên những tông đồ, những tu sĩ, nên linh mục của Ngài. Chúng con có ai sẵn sàng không? Phần lớn chúng ta vào đời chỉ nghĩ tới một nghề nghiệp, một chỗ đứng, một địa vị trong xã hội. Ngay hôm nay, ngay bây giờ Chúa muốn mời gọi chúng con: “hãy để kẻ chết chôn kẻ chết của họ, phần con hãy đi loan báo triều đại nước Thiên Chúa”(Lc 9,40).
Kẻ chết, những người chưa biết đến Tin Mừng, chưa quan tâm đến biến cố trọng đại nhất của lịch sử. Chúng ta đã biết đã tin, cho nên chúng ta đang ở trong thế giới sự sống của Thiên Chúa. Chúa kêu mời chúng ta cùng Ngài đi cứu những người chết và đem lại cho họ sự sống đời đời.
Trong 118 vị thánh tử đạo Việt Nam có một vị người Pháp thánh Charles Cornay đã từ bỏ gia đình để theo tiếng Chúa gọi đi loan báo Tin Mừng. Trên đường đi, lúc xe lửa dừng lại ở một nhà ga gần làng cũ. Cha mẹ anh chị em ra thăm, rồi thương quá cha mẹ đã ngã lăn ra đường ngăn Ngài lại. Nhưng tình yêu Chúa và tiếng gọi của Người đã mạnh hơn mọi tình cảm khác, Cha Charles Cornay đã phải bước qua cha mẹ mà đi.
Ngày 29 - 9 - 1837 Ngài đã tử đạo với án lăng trì ở Sơn Tây.
Tổ tiên Đức tin của chúng ta như vậy đó. Còn chúng con hôm nay, chúng con trả lời Chúa ra sao?
Chốc nữa đây chúng con tuyên xưng Đức tin, rồi Cha xức dầu Thánh lên trán, mời gọi chúng “hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần, chúng con thưa: amen”. Chúng con đã thuộc về Ngài, suốt đời chúng con thuộc về Ngài để đi loan báo Tin Mừng. Amen, tức là nhận lời Ngài.
Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan