Chúa Nhật XII Thường Niên-A

CHÚA NHẬT XII TN – NĂM A
Mt 10, 26 – 33
----------------------------------
Tin mừng Cứu Độ được đưa tới trần gian là vì con người, nhằm cứu vớt thân phận con người khỏi cảnh trầm luân hỏa ngục đời đời. Tin mừng này đã được Chúa Giê-su công bố, nó cần được tiếp tục công bố cho đến tận thế qua Giáo hội. Giáo hội là Đức Giáo hoàng, là Đức Giám mục, là tôi, là bạn… Ai ai cũng có nhiệm vụ làm cho Tin mừng cứu rỗi đến với mọi người. thế nhưng chúng ta vẫn vô tình, ngại ngùng sống chết với Tin mừng . Lời Chúa hôm nay ba lần nói với chúng ta đừng sợ đừng sợ, đừng sợ. Chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao lại đừng sợ.
Tin mừng Cứu độ, tức là Tin mừng báo cho nhân loại biết Thiên Chúa đã quyết định mở cửa Nước Trời, ban ơn tha thứ để loài người được về với Thiên Chúa, về với nguồn sống, nguồn hạnh phúc mà con người hằng khao khát. Tin mừng đó phải được công bố giữa muôn dân và bất cứ ai tin vào Tin mừng đều được Chúa đón nhận.
Tin mừng đó được Chúa Chúa Ki-tô công bố, rồi đến Giáo hội qua các tông đồ, cũng như mọi tín hữu tương lai. Chúa Giê-su biết rõ trên dòng thời gian. Việc công bố loan báo Tin mừng không dễ dàng và thường gặp nhiều bất lợi: những chống đối bách hại từ bên ngoài, những lo sợ bi quan từ bên trong, hoặc những mâu thuẫn trong nội bộ Giáo hội, làm cho các tông đồ, làm cho Giáo hội ngại ngùng không dám dấn thân. Nhưng dù bất cứ trở. Ngại nào lớn hay nhỏ, từ bên ngoài hay bên trong, không có gì có thể ngăn cản được Tin mừng.
Ba lần Chúa nhấn mạnh với tiếng đừng sợ: “Anh em đừng sợ người đời, anh em đừng sợ những kẻ giết được xác mà không giết được linh hồn…; Anh em đừng sợ anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ (Mt 10, 28 – 29).
Tại sao mà đừng sợ? Có thể có ba lý do để sợ, lý do thứ nhất là sự yếu hèn nhỏ bé của công trình rao giảng ơn cứu độ trước mặt người đời. Chúa thì bị đóng đinh, đoàn mười hai thì dốt nát yếu đuối, kẻ nghe và tin vào Tin mừng thì ít, kẻ chống đối thì nhiều. Nhìn vào đó thì thấy tương lai Giáo hội thật mờ mịt. Ngay giữa thời đại chúng ta, Giáo hội dù có tiếng nói quốc tế, vẫn không đáng gì với trào lưu vật chất, với sự lấn át của bao phong trào tục hóa, Phi tôn giáo.
Trước tình trạng Tin mừng triền miên bị lép vế, bị nghi ngờ chống đối, có đáng cho chúng ta sợ sệt mà nghĩ rằng: Loan báo Tin mừng thật vô ích.
Không thể sợ sệt chi hết, Chúa nhấn mạnh như vậy vì lý do: Chúa cha đã quyết định công bố Tin mừng Cứu độ, thì dù satan vẫy vùng, dù loài người đem toàn lực tiêu diệt cũng không thể ngăn cản nổi. Sức mạnh nhiệm mầu của Thiên Chúa thường dùng cái yếu đuối để thắng cái mạnh mẽ oai hùng. Điều đó chắc chắn, điều mà loài người cho là sức mạnh bách chiến bách thắng, đối với Chúa nó như giọt nước bám miệng thùng, tan lúc nào không biết.
Cho nên Chúa dạy các tông đồ và hôm nay Chúa còn dạy ta: “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày ban mặt, điều anh em nghe rỉ tai thì hãy lên mái nhà mà công bố”(Mt 10, 27).
Nếu Chúa nói như vậy thì tất cả chúng ta ở đây thấy có cần cộng tác với Giáo hội để giúp vào công việc loan báo Tin mừng không? Chúa phán xét thiên hạ và ngày tận thế theo tiêu chuẩn nào? Tiêu chuẩn này là chúng ta có cho kẻ đói ăn khát uống không? Đói thể xác đã đành mà còn đói tinh thần, đói thiêng liêng, đói Tin mừng nữa.
Tin mừng đòi sức mạnh dũng cảm, chúng ta không thể chỉ có một niềm tin yếu đuối, ủy mị, liệt lào. Một tuần lễ gắng lắm đi lễ được một giờ với phẩm chất tối thiểu.
Chúa muốn nói riêng với những người liệt lào đó: đừng sợ mà hãy dám vươn lên, cất cánh lên.
Tiếng đừng sợ thứ hai Chúa ngỏ lời với ai sợ bị bách hại: “Đừng sợ kẻ có thể giết thể xác mà không giết được linh hồn”. Trong chiến tranh, tù đày, cải tạo làm cho ai nấy đều phải sợ khi thể xác, mạng sống chúng ta bị đe dọa, ai cũng sợ. Nhưng Chúa muốn nói với chúng ta rằng bị bách hại về vật chất, thể xác trên đời này không phải là tuyệt vọng cho đời người. Thể xác và sự sống đời này chỉ là một phần nhỏ trong toàn thể thân phận con người. Con người còn có một giá trị lớn lao mà chỉ có Thiên Chúa nắm giữ và quyết định, loài người không đụng chạm đến được.
Các Thánh Tử Đạo đã bị tước hết quyền sống trên đời nhưng Cha trên trời không có để cho ngài bị thiệt thòi trong kiếp sống ngàn thu, một sợi tóc, một cái lông chân cũng không mất.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho bản thân chúng ta, cho cả Giáo hội, nhất là những phần tử Giáo hội đang khổ đau, đang bị bách hại, được ơn đừng sợ, được ơn dũng cảm để chiến đấu cho đức tin, cho Tin mừng .
Cuối cùng Chúa Giê-su muốn nói với các tông đồ tiếng đừng sợ cuối cùng, vì với những ai dám dấn thân sống chết vì Tin mừng , vì công cuộc loan Tin mừng của Ngài, người đó được Ngài bầu cử cho trước Chúa Cha. Một lời bảo đảm như vậy quả thực quý giá hơn vàng muôn bạc triệu. vì đó là lời bảo đảm cho ta sống trọn vẹn hạnh phúc của đời người.
Thưa anh chị em.
Hầu hết chúng ta ai cũng ngại khó, nhất là giới trẻ là những người có tiềm năng làm việc nhiều nhất trên bất cứ phương diện nào: kinh tế, tôn giáo, chính trị. Nhưng chúng ta lại thích cầu an hưởng thụ. Nói đến chuyện đem Tin mừng Cứu độ đến với anh em, ta lại càng lãnh đạm hơn nữa, tựa hồ như là việc của ai.
Ngày chịu phép Rửa Tội, dầu đã xức lên đầu ta để làm tiên tri cho Chúa, để thông báo kế hoạch cứu độ của Chúa cho muôn người. Là người tín hữu ta không được phép quên đi nhiệm vụ tiên tri này.
Lời Chúa hôm nay muốn đánh tan sự ngại ngùng vẫn có nơi chúng ta? Chúng ta đáp ứng ra sao?
Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan