CHÚA NHẬT TUẦN XXX - MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C

130 22/10/2022
CHÚA NHẬT TUẦN XXX - MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C
CHÚA NHẬT TUẦN XXX - MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM C
Tin Mừng Lc 18,9-14

Khi ấy, Đức Giê-su kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác :  “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.  Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác : tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.  Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.’  Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : ‘Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.’ Tôi nói cho các ông biết : người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi ; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

 

NƯỚC TRỜI CHO AI

 

Mở đầu bài giảng đầu tiên, Chúa cho người ta nghe điều quan trọng nhất: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Hôm nay Chúa đem ra một dụ ngôn làm rõ mối phúc đó. Dụ ngôn được mệnh danh là người Pharisieu và người thu thuế.

Pharisieu hay là biệt phái, ta chớ vội kết án họ như là thù của Chúa và Tin Mừng của Ngài. Họ có một lý tưởng đạo đức rất cao, trung thành với lề luật, và đời sống đạo đức của họ tỏ ra nhiệt thành hơn bao lớp người khác. Luật buộc ăn Chay mỗi năm có một lần, vậy mà có người như ông biệt phái trong dụ ngôn, ông ăn Chay một tuần hai lần. Luật buộc nộp thuế một phần mười hoa lợi từ đồng ruộng như lúa miến, dầu ô liu, rượu nho v.v.. Người biệt phái tính đến cả cỏ rác họ cũng nộp cho đền thờ. Lòng sùng đạo như vậy, ai dám chê. Những người như vậy được coi là người công chính đích thực mến Chúa đi đôi với việc yêu người.

Tin Mừng hôm nay cho ta thấy tác phong con người biệt phái đạo đức này làm cho đạo đức của ông không còn giá trị gì nữa, đó là thái độ ông khinh bỉ người tội lỗi. Ông cầu nguyện với một thể đứng vẻ ta đây. Lời cầu nguyện của ông là một lời nguyện tạ ơn, nhưng tạ ơn để nâng giá trị mình lên trước mặt Chúa. “Lạy Thiên Chúa, con xin tạ ơn Chúa, vì con không như kẻ khác, tham lam, bất chính, ngoại tình hay như tên thu thuế kia…” (Lc 18,11). Tiếp đó ông kê khai công trạng của mình, ăn Chay thật nhiều và nộp thuế cao cho Đức Chúa. Nghe qua những lời cầu nguyện đó, ta nhận ngay ra ông ta bôi đen người thu thuế để làm nổi bật hình ảnh thánh thiện của mình.

Người thu thuế thì sao? Ông này biết mình tội lỗi, xã hội kết án ông, ông chỉ biết trông cậy vào lòng thương xót của Chúa, bỏ qua lỗi lầm cho ông, cho nên vào đền thờ ông nép mình trong góc, ngửa mặt lên cũng không dám. Lời cầu nguyện của ông trong thái độ thống hối, đấm ngực kêu xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con là người tội lỗi” (Lc 18,13b).

Có lẽ người này đã có những lần muốn bỏ đường tội lỗi, tham lam gian tà, ăn chơi trác táng. Nhưng mỗi lần sám hối là lại trở về đường xưa lối cũ. Ông ta không có chút công trạng gì để thưa với Chúa, ngoài tấm lòng tan nát khiêm cung. Hậu quả trước mặt Chúa ra sao? Chúa nhận lời ai? Chúa khen thưởng ai? Chúa Giê-su tuyên bố rõ ràng: “Tôi nói cho các ông biết người thu thuế về nhà, thì đã được nên công chính rồi, còn người kia, tức là người biệt phái thì không”(Lc 18,14a). Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống thì sẽ được nâng lên.

Kết quả này làm người ta không khỏi ngạc nhiên. Nhưng Thiên Chúa tình yêu có lý luận tình yêu của Ngài.

Người biệt phái tự cho mình là thánh thiện đầy đủ vì đã nhiệt thành với lề luật, cuộc sống không có gì đáng trách. Ông chỉ tạ ơn, mà không xin gì nữa. Đó là thái độ kiêu căng tinh thần. Từ vườn địa đàng A-dam, E-va đã phạm cái tội đó mà mất đi tất cả. Mặt khác thái độ phân biệt đối xử, khinh bỉ người tội lỗi. Trước mặt Thiên Chúa, ai lại dám xưng mình vô tội. Người biệt phái tự phong thánh cho mình, tự nâng mình lên. Không phải Thiên Chúa bất công, vì chính ông ta không cần tình yêu Chúa, ông trở về tay không.

Còn người tội lỗi trái lại chỉ biết xin ơn tha thứ, thì Chúa tha thứ vì Ngài là tình yêu.

Có hai bài học quan trọng cho chúng ta hôm nay. Trước hết đừng bao giờ coi mình đạo đức hơn kẻ khác. Sống càng khiêm tốn, Thiên Chúa càng thương. Chúa không kể chi tội lỗi của ta, miễn là ta biết chạy về với Ngài. Vì thế tại Fatima Đức Mẹ dặn dò ba em: “Các con hãy nói cho mọi người biết: hãy ăn Chay sám hối, hãy trở về với Thiên Chúa, để nhân loại được hòa bình”. Bài học thứ hai là đừng bao giờ ngã lòng vì thấy mình có nhiều thiếu sót. Chạy về với Chúa không sợ về không. Trong cuộc sống với nhau ta tập tôn trọng mọi người vì ai ai cũng là con Thiên Chúa.

Chúng ta cầu nguyện cho mình hằng biết tội mình mà sám hối và cuộc sống bác ái.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP