Chúa Nhật - Tuần XXV Thường Niên-A

113 20/09/2020
Chúa Nhật - Tuần XXV Thường Niên-A

 

Đọc Tin mừng hôm nay, có người có cảm tưởng không mừng chi cả vì ta bắt Thiên Chúa phải có cái công bằng như chúng ta. Vì thế ta phải hiểu rõ chủ đích của dụ ngôn nhằm nói cho ai và nói cái gì.

 

Ta cứ nói ngay cái bất mãn của những người thợ làm từ sáng sớm, mà nghe qua ta cũng đồng tình với họ.

 

Bất mãn thứ nhất là ông chủ phát tiền ưu tiên cho người đến sau, lẽ ra người làm trước họ phải nhận trước, về trước. Bất mãn thứ hai, bất mãn ra mặt, họ lẩm bẩm kêu trách ông chủ vì họ làm từ sáng sớm mà coi họ bằng những người mới đến. Ông chủ trả cho họ một đồng như người đến muộn. Nếu ông chủ này là thiên Chúa, thì thiên Chúa này cũng thật là bất công hay.

 

Ở đời này ai làm nhiều, đáng hưởng nhiều, kẻ làm ít được hưởng ít. Ai làm công việc nặng nhọc hơn, nguy hiểm hơn thì được hưởng nhiều hơn. Bao nhiêu cuộc biểu tình xuống đường, cách mạng đến đổ máu bao nhiêu người cũng vì hay chữ công bằng và bất công. Thiên Chúa mà làm tổng thống có lẽ giữ ghế không được lâu.

 

Nhưng những tư tưởng trên đây chỉ là tư tưởng phàm nhân. Để hiểu rõ cái công bằng của thiên Chúa. Trước hết ta nên nhớ rằng câu chuyện về dụ ngôn về người cha nhân từ, ở đó thằng anh cả đã mắng nhiếc cha nó vì cha nó đã ưu đãi đón tiếp thằng con phung phá, ăn mừng nó trong khi nó chỉ là đứa con phá của, bất hiếu bất trung. Còn nó đứa con chăm lo làm việc, trung thành ở với cha già, thì ông lại không tỏ ra chút quan tâm nào. Ở đây cũng vậy, nếu người cha già đây là Thiên Chúa, thì cũng là Thiên Chúa bất công.

 

Thực ra trong cả hai dụ ngôn, Chúa Giê-su không có ý trình bày một thứ công bình xã hội như chúng ta suy nghĩ, mà đây là công bằng nước trời. Công bằng xã hội rất là tương đối, chúng ta thấy trên thế giới biết bao cuộc đấu tranh cách mạng nhân danh công bằng, nhưng công bằng lại cứ bị xúc phạm, lại cứ đấu tranh tiếp tục không ngừng.

 

Công bằng nước trời là công bằng thế nào? Là công bằng tình thương chứ không nhằm công bằng dựa trên công trạng, tiền tài hoặc tài năng chuyên nghiệp của chúng ta, cho nên dụ ngôn này trước tiên nhằm đánh đổ cái bất công của người do thái vì họ đã có thái độ kỳ thị với những người lương dân, người thu thuế, người tội lỗi, người nghèo khó. Họ trách Chúa đã đi lại ăn uống với phường tội lỗi thu thuế mà họ khinh bỉ. Họ trách Chúa dám công bố phường tội lỗi, đĩ điếm vào nước Thiên Chúa trước cả những người thánh thiện, đạo đức như là luật sĩ, biệt phái.v..v..Những lời công bố đầy khiêu khích này đã làm cho người do thái chống đối Chúa kịch liệt, cho rằng giáo lý của Chúa là giáo lý giả hiểu.

 

Cho nên, với những dụ ngôn như người cha nhân từ, dụ ngôn đi tìm con chiên lạc, hay như dụ ngôn "thợ làm vườn nho" hôm nay nhằm làm sáng tỏ công bằng nước trời. Nước trời là quà tặng Chúa ban nhưng không cho tất cả mọi người. Tuy nước trời ở đây được ví như tiền công nhất cho người thợ, nhưng một đồng tiền công này hoàn toàn vô giá sánh với bao nhiêu của cải quý giá trên đời này, mà có gộp tất cả lại cũng không bằng.

 

Người Do Thái nói chung và riêng là thành phần ưu tú của đạo cũ, là những người thợ đến sớm trong dòng lịch sử cứu độ. Họ cũng được ưu tiên nghe và thấy công trình cứu độ Chúa thực hiện trước mọi dân tộc. Người tội lỗi trong dân Chúa, các dân tộc là những người đến sau, ai ai cũng có quyền được đón nhận ơn cứu độ, đón nhận nước trời như nhau. Không ai được coi mình là ưu tiên, điều ta cần ghi nhớ là ơn cứu độ mà đấng "mà đồng tiền công tượng trưng" lại là ân huệ ngoại thường và nhưng không, vượt xa sự xứng đáng của ta muôn trùng. Thiên Chúa yêu thương ta trước khi ta liên hệ với Ngài và tặng ban nước trời do tình thương của Ngài. Ông chủ nói với người bất bình đến sớm "hay là anh bất bình vì tôi nhân lành" chúng ta có thể bất bình với lòng thương thiên Chúa.

 

Nhưng nếu dụ ngôn nhằm nói với người Do thái trong phần ông chủ trả tiền công, còn chúng ta, Chúa nói với chúng ta điều gì không?

 

Hôm nay Chúa muốn nói với chúng ta hãy nhìn rõ trong cách hành xử của Ngài, đó là hành xử theo tình thương. Và rất nhiều khi ta không thấy rõ tình thương ở chỗ nào? Trời sao trời ở, chẳng cần người ăn không hết, người mần không ra, trên đời ta thấy vô số bất công, cả với chúng ta là con cái Chúa nữa, Chúa cũng tỏ ra không quan tâm. Rồi tại sao Chúa không phạt ngay bọn trộm cắp giết người đi, để chúng gây tội ác mãi. Xin hãy bình tĩnh, Chúa khôn ngoan vô cùng, công bằng vô cùng yêu thương vô cùng, hãy để cho Ngài hành động theo sự khôn ngoan, công bằng và yêu thương của Ngài. Đừng bắt Chúa lấy trước ta của ta mà đòi sự công bằng, tình thương ta không có hoặc rất ít. Thập giá không điên rồ hay sao?

 

Trong phúc âm, ta thấy người Do Thái đem ra nhiều chất vấn rất độc rất hữu lý, nhưng Chúa chỉ trả lời một câu vắn tắt, tất cả đều tịt miệng. Đừng bao giờ nghi ngờ việc làm trong yêu thương của Ngài.

 

Mặt khác bài phúc âm cũng nhấn mạnh điều này! Hãy tỉnh thức để nắm lấy cơ hội khi Chúa gọi ta vào làm việc. Đối với cuộc đời Chúa gọi vào những tuổi khác nhau, tuổi trẻ, tuổi thanh niên, tuổi già một vài phút nữa Chúa sẽ gọi.

 

Đối với một ngày biết bao cơ hội để ta vào làm vườn nho nước trời. Hãy đi ngay đừng lãng phí, bỏ mất cơ hội. Chúa chờ ta mọi lúc mọi nơi và Ngài cũng không muốn bỏ quên ai "cả anh nữa hãy đến làm vườn nho cho tôi" mỗi lần gặp thử thách bất kỳ, dù lớn hay nhỏ, lại có tiếng gọi "hãy vào làm vườn nho của ta" làm vườn nho nước trời, tức là đem lời Chúa ra thực hành.

 

Gm. Phaolô Nguyễn ThanH Hoan

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP