Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi-C

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI-C
Ga 16, 12 - 15
-----------------------------
Mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm cao siêu vượt qua mọi diễn tả suy tư của con người. Khi còn sống, Chúa Ki-tô không hề nói đến mầu nhiệm này. Vì như ta thấy trong Tin Mừng, trong đêm tiệc ly Chúa đã nói với các tông đồ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ anh em không có sức hiểu nổi. Khi nào thần chân lý đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật vẹn toàn” (Ga 16, 12 - 13).
Tuy Chúa chưa nói đến mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi, mà chỉ nói Chúa Cha là Đấng là Cha Ngài, cũng là Cha các môn đệ, và Cha của cả nhân loại, nhân loại là tạo vật đặc biệt được dựng nên giống hình ảnh Ngài. Ngài cũng đề cập đến tình yêu vô biên của Chúa Cha đối với nhân loại. Tình yêu cao vời khôn ví. Khi nhân loại đã rời xa Cha, thì Cha đã cho Con Một đến trần gian này để đưa nhân loại về với Cha.
Từ chỗ đó, Chúa Ki-tô lại cho chúng ta biết chính Ngài là Con Cha từ thủa đời đời. Trước khi có đất trời và muôn vật muôn loài mà Chúa Cha đã tạo dựng. Ngài đến dạy dỗ nhân loại, cho nhân loại biết mầu nhiệm về Thiên Chúa, về Nước Trời. Và cho biết thân phận con người, dù đang sống kiếp trần ai khổ lụy, vì đã lìa xa Cha. Thì chính Ngài, Chúa Ki-tô là Đường dẫn con người về lại làm con Cha, về với hạnh phúc đời đời.
Ngài đề cập đến Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ cho các môn đệ, là thầy dạy chân lý, là sức mạnh giúp các ông đối phó với mọi khó khăn, là Đấng thánh hóa và ban sự sống đời đời cho chúng ta.
Qua các hoạt động của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và còn nhiều giáo huấn nữa, nhất là Chúa Thánh Thần soi sáng, trong hai cuộc họp công đồng Nicea năm 325 và tại Chalcédoine năm 451, Giáo hội mới công bố tín điều một Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi ngôi có một hoạt động riêng biệt, nhưng Ba Ngôi có sự hiệp nhất kỳ diệu và tuyệt đối của tình yêu, trong danh xưng một Thiên Chúa duy nhất.
Bức hình của họa sĩ người Nga tên là Roublev đã diễn tả cách tuyệt vời mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi hiệp nhất thành một. Bức hình có ba vị thiên thần ngồi chung quanh một cái bàn. Ba vị đó tượng trưng cho Ba Ngôi Thiên Chúa. Các Ngài như có cùng một khuôn mặt, chỉ khác nhau ba màu áo. Đặc biệt là hình ảnh ba cái đầu như chung một ý nghĩ. Chúa Thánh Thần là vị thứ ba, đầu ngài nghiêng về hai ngôi kia cách âu yếm, nhưng cặp mắt lại nhìn xuống cái bàn ở giữa có một cái chén, tượng trưng cho nhân loại đang cần ơn Cứu độ.
Tựa đề của bức hình là: “Chung Chén Cứu Độ”.
Cả ba ngôi thiên Chúa, mỗi vị mỗi phần hành, trong tình yêu hiệp nhất tuyệt đối để cứu độ nhân loại.
Thánh lễ hôm nay vừa mừng kính mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải cho chúng ta. Chúng ta còn tạ ơn Chúa với tất cả lòng biết ơn, vì Ba Ngôi Thiên Chúa đã đem đến ơn Cứu độ cho chúng ta, đưa chúng ta về với gia đình cao sang thánh thiện vô cùng của Ngài. Đưa ta về Nhà Ngài, là đem về cuộc sống đời đời bất diệt của chính Thiên Chúa. Đưa ta về gia đình tình yêu vô cùng kỳ diệu, đưa ta về hạnh phúc vô biên. Thánh Phao-lô khi còn sống đã được Chúa cho cảm nghiệm cách đặc biệt hạnh phúc vô biên đó, thì Ngài chỉ biết nói: “Đó là điều mắt chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng trí chưa hề nghĩ tới” (1 Cr 2, 9).
Giá trị vô song của con người là được Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài. Ngài nhiệm mầu, làm sao ta biết được hình ảnh đó. Nhưng Ngài đã cho Con Một đến trần gian để cho ta thấy chính Thiên Chúa. Hình ảnh đó là tình yêu nơi Đức Giê-su Ki-tô. Một tình yêu đến điên dại, một tình yêu dám chết cho người mình yêu, một tình yêu đem danh dự của vì Thiên Chúa cao sang vô tận bán đi trên thập giá, để giải thoát con người khỏi vòng nô lệ tội lỗi và Satan.
Và để có thể đón nhận ơn Cứu độ, để được sống vinh quang, Chúa chỉ đòi hỏi: “Chúng con hãy yêu nhau như Thầy đã yêu chúng con” (Ga 13, 35).
Lời trăn trối vàng ngọc đó, đang bao trùm lòng trí cả cuộc đời chúng ta đây. Xin Chúa Thánh Linh đốt lửa yêu mến, bừng lên trong cõi lòng tuổi trẻ chúng ta.
Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan