CHÚA NHẬT II MÙA CHAY – NĂM C
VINH QUANG THIÊN CHÚA
Lc 9, 28b – 36
------------------------------------
Vinh quang Thiên Chúa là đất hứa của người tín hữu, cũng như ngày xưa Palestin là đất hứa của dân Do Thái. Tuy nhiên đất hứa của trời mới đất mới là nơi hạnh phúc tuyệt đối cho những ai được tuyển chọn.
Hôm nay Chúa nhật thứ hai mùa Chay. Cũng gọi Chúa nhật Chúa biến hình. Đó là hình ảnh của con người Phục Sinh, con người của trời mới đất mới. Con người vinh quang làm cho cả khung cảnh xung quanh thành nơi hạnh phúc.
Nơi vinh quang ấy đang chờ đợi chúng ta, miễn là chúng ta biết đón nhận thập giá của mình hằng ngày theo ý Chúa Cha.
Sau ba năm rao giảng, mà phần lớn là miền Galile, miền bắc xứ Palestin, Chúa bắt đầu tiến về Gierusalem để hoàn tất sứ mệnh cứu độ của Ngài qua cuôc thương khó và Phục Sinh của Ngài. Thánh Phê-rô đã từng tuyên xưng Ngài là Đấng Ki-tô con Thiên Chúa. Nhưng trái với quan niệm sai lầm, người ta thường có, hoặc coi Đấng thiên sai là ông vua bách chiến bách thắng hoặc là nhà giải phóng dân tộc, Chúa Giê-su đã đem ra một hình ảnh mới, Đấng thiên sai là người tôi tớ đầy đau khổ của Thiên Chúa, Ngài báo trước cho các tông đồ cuộc thương khó của Ngài. Đây là một cái tin thật đáng buồn cho các tông đồ. Họ nghĩ nhiều đến cái chết như là một ngõ cụt, là sự thất bại đến tuyệt vọng. Họ không thể tưởng tượng Chúa chết mà sống lại được.
Cái chết sẽ dẫn Chúa Giê-su về đâu? Hôm nay Chúa dẫn ba tông đồ thân tín lên một ngọn đồi quen gọi là núi Tabore, cho họ thấy con người vinh quang của Ngài sau cái chết đau thương nhục nhã của Ngài. Đây là chứng cớ cụ thể cuộc Phục Sinh tuy chưa đến nhưng đã có trong chương trình của Thiên Chúa. Như vậy ý nghĩa của cái chết trên thập giá của Ngài là gì nếu không phải là cuộc vượt qua, cuộc xuất hành về Thế giới mới như Mô-se và Êlia đã đàm đạo với người. Hơn nữa cuộc xuất hành còn đem theo những ai biết vâng nghe lời Ngài, nghĩa là biết tin và sống Tin mừng Ngài rao giảng. Đó là mục đích tối hậu của cái chết đau thương của Ngài.
Cuộc biến hình đã loan báo những gì thì như ta đã biết mọi sự đều được thực hiện. Chúa đã chết, đã Phục Sinh, đã lên trời, đã đi vào Thế giới mới. Nhưng còn một vấn đề Chúa để dành cho chúng ta quyết định đó là chính thân phận chúng ta rằng: “hãy nghe lời người”, để có thể xuất hành với người.
Hãy vâng nghe lời người để Chúa Giê-su đi tới đâu ta cũng đi tới đó. Cũng nhờ Chúa Giê-su chúng ta được nhận làm con yêu quý của Cha ngày chịu phép rửa tội.
Chúng ta có một con tim để yêu thương như Chúa Ki-tô. Chúng ta có thập giá mình để vác đi mỗi ngày. Chúng ta cũng có cái chết để vượt qua về phương diện siêu nhiên là cái chết và Phục Sinh, trong Bí tích Rửa tội. Về phương diện thể xác là cái chết của ngày cuối đời.
Cũng như Chúa Giê-su đang tiến về Giêrusalem với bản án tử hình, nhưng cũng còn mang theo cuộc sống vinh quang mà các tông đồ được thấy. Chúng ta tuy đang sống trong thân xác yếu hèn này nhưng chúng ta cũng có sự sống vinh quang của Thiên Chúa trong chúng ta. Cho nên nói cho cùng không ai có niềm danh dự và hạnh phúc như người Ki-tô hữu. Chỉ cần chúng ta tin tưởng và vâng nghe Tin mừng của Đức Ki-tô. Loài người đi tới đâu chúng ta cũng đi tới đó. Có những điểm thực hành cần ghi nhớ qua bài Tin mừng này. Đặc biệt ta ghi nhận hai điều. Trước hết ta cần tập sống tinh thần cầu nguyện, tâm sự, kết hợp với Chúa Cha hằng ngày. Đó thái độ của người con hiếu thảo. Trong cuộc biến hình này Chúa cũng cầu nguyện tha thiết. Và có thể nói phép lạ biến hình nơi Ngài là kết quả của buổi cầu nguyện hết sức sốt sắng trước đó.
Bên cạnh Chúa cầu nguyện là ba môn đệ đang ngủ say. Hình ảnh con người trần tục, vừa say mê sự đời, vừa nặng nề trong xác thịt. Không muốn cầu nguyện mà lại muốn kéo dài mãi giờ phút hạnh phúc của biến hình. Phê-rô đã xin làm lều để mãi mãi hưởng lấy niềm vui khôn tả. Không thể được, Chúa bắt các ông rời khỏi nơi đó ngay để trở về cuộc sống bình thường. Tập sống cầu nguyện để có thể hoán cải trở nên người của Thế giới vinh quang.
Mùa Chay chính là mùa cầu nguyện, mùa sống chân tình thắm thiết với Chúa Cha. Núi Tabore có thể ví với thánh lễ, ở đây ta cầu nguyện với Chúa Giê-su. Nhưng cả cuộc sống hằng ngày ta hãy tập sống kết hợp với Ngài trong lo âu, trong yêu thương vất vả, trong tình liên đới với anh em.
Ngày xưa ông Mô-sê và Êlia đã đến với Chúa để bàn về cuộc xuất hành của Ngài. Ngày nay chính Chúa Ki-tô thường xuyên nói với ta về cuộc xuất hành của chúng ta. Hãy vâng nghe lời Ngài.
Điếm thứ hai xin chia sẻ với anh chị em, Chúa Giê-su dù là con yêu dấu của Cha, thì khi đến mặt đất này không phải là người con sung sướng, mà là người con cực khổ hơn ai hết, cho nên ta đừng than vãn khi gặp đau khổ bất cứ hình thức nào. Trái lại mọi nỗi khổ là hạt giống vinh quang. Đau khổ là hạt giống vinh quang. Hãy bắt chước Chúa Giê-su biến đau khổ thành của lễ, yêu mến và đền tội. Hãy biết vâng lời ý Chúa Cha, dù đôi khi phải vâng trong đau khổ.
Chúng ta tạm kết thúc bài suy niệm ở đây để quyết tâm thực hành tinh thần siêng năng cầu nguyện trong yêu mến và đón nhận mọi hoàn cảnh cuộc sống theo thánh ý Chúa. Vì đó là khởi điểm, là nguyên lý cho bình an, cho niềm vui và hạnh phúc đời này và đời sau.
Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan