Chúa Nhật I Mùa Vọng - B

110 28/11/2020
Chúa Nhật I Mùa Vọng - B
TỈNH THỨC TRƯỚC NGÀY CHÚA ĐẾN
 
Mc 13,33-37
....................................
 
 
Khi Chúa Giêsu đã sắp sửa hoàn tất công trình cứu độ trần gian của Ngài mà về trời, thì Ngài cũng báo trước ngày Ngài trở lại, ngày tận thế, ngày lịch sử trần gian chấm dứt – Lúc đó Ngài sẽ giải thoát những ai tin Ngài và đưa vào cõi hạnh phúc đời đời – Vì thế Giáo Hội hằng tuyên xưng « Tôi tin xác loài người sống lại, tôi tin sự sống muôn đời… »
 
Nhưng Chúa cũng cho biết trước, điều sẽ xảy đến, đó là ngày chấm dứt đột ngột mọi sinh hoạt của con người và vũ trụ: chuyện ăn uống, chuyện cưới vợ gả chồng và bao nhiêu chuyện hoạt động khác của loài người đã hết, toàn thể nhân loại đứng trước ngưỡng cửa đời đời, chờ một trong hai lời phán quyết của Ngài :
 
- Với những người được chọn, Ngài phán: « hỡi những người được Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thời tạo thiên lập địa – Vì xưa ta đói các ngươi đã cho ăn…. » (Mt 25, 34 - )
 
- Với những người bị loại khỏi Nước Trời, Ngài phán những điều ngược lại: « Quân bị nguyền rủa, đi đi cho khuất mắt ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên quỷ và các sứ thần của nó, vì xưa ta đói các ngươi không cho ăn…. (Mt 25, 41…)
 
Vì tính chất đột ngột, bất ngờ và dứt khoát, không còn một khiếu nại van xin nào cả - cả cuộc đời con người là một tấm vé vào cửa đời sống vĩnh hằng. Lúc đó tất cả từ cõi chết sống lại cho đến người đang sống đều được biến đổi thành: hoặc là người được chọn thì sống lại sáng láng vinh quang, hoặc là người bị loại thì xấu xa tăm tối. Cả cuộc đời trần gian của mỗi người tạo nên con người mới đó. Dù ta có cảm tưởng ngày đó xa vời. Chúa cũng nói Ngài đến chậm nhưng cả cuộc đời trần thế của ta tổng kết lại vào ngày đó.
 
Vì thế bài Tin Mừng thánh Marcô hôm nay nhắc lại Lời Chúa mà ta phải sống làm sao để ngày phán xét được trở thành con người sáng láng vinh quang. Cuộc đời trần thế của chúng ta không thể lãng quên được cái giờ phán xét kinh hoàng đó. Chúa đã dùng tiếng « tỉnh thức » để giáo huấn chúng ta – Và chữ « tỉnh thức » đi theo chữ « coi chừng » - Với hai cụm từ này anh em phải « coi chừng », phải « tỉnh thức », Chúa như muốn chúng ta có một thái độthiêng liêng giống như người lính canh đêm phải đề phòng kẻ địch xuất hiện bất ngờ. Đề phòng và sẵn sàng chiến đấu. Kẻ thù ta ở đâu? Cuộc chiến đấu của ta như thế nào?
 
Kẻ thù của chúng ta trông không nguy hiểm mà còn dễ thương và cần đến kẻ thù đó nữa là khác. Thánh Luca ghi lại hai kẻ thù đó: một là những thú vui thể xác như là chè chén say sưa, say mê sắc dục, tham lam của cải v.v…Hai là sự lo lắng nhu cầu cho cuộc sống đời nầy. Đó là sống, sống không vui thì còn gì, sống mà không biết sắp đặt lo liệu, Chúa không cấm ta vui với cuộc sống nhưng Chúa nói « Coi chừng – Tỉnh thức ». Hai kẻ thù đó ban đầu như là nhu cầu cho cuộc sống, dần dần biến thành kẻ thù vì chúng làm cho chúng ta không còn nghĩ đến chuyện ngày Chúa trở lại phán xét kẻ dữ người lành. Trong khi đó chính cuộc sống ăn làm, làm ăn đó đang dệt nên số phận đời đời của chúng ta.
 
Chúa đã nói đến thái độ, đến tư thế chiến đấu mà chúng ta không coi thường được: « Phải coi chừng, phải tỉnh thức », thế nghĩa là gì?
 
Phải coi chừng khi nào? Bốn trường hợp phải đề phòng:
 
1. Trước tiên là khi nghe Lời Chúa – Vì Lời Chúa hướng ta đi đúng đường Chúa dạy, nhưng ta rất dễ dàng để Lời Chúa ngoài tai : « Nhiều người trố mắt nhìn mà không thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu » (Mc 4,12)
 
2. Thứ hai phải đề phòng khỏi « men người biệt phái », đạo hình thức, phô trương, không phải đạo từ cõi lòng, từ cuộc hoán cải đối với tội lỗi : « Không phải ai nói lạy Chúa, lạy Chúa là vào được Nước Trời, mà phải làm, phải sống theo ý Cha Ta ».
 
3. Thứ ba phải đề phòng tiên tri giả, những mặc khải tư rất nhiều, có khi ma quỉ phù giúp cho ai đó làm vài việc lạ lùng, và cuối cùng nó bày cho nói dối thiên hạ.
 
4. Thứ tư phải đề phong tính mê nết xấu, những cái đó như thuốc phiện ma túy giết chết linh hồn ta : kiêu căng, ích kỷ, mê ăn uống, giận hờn, ghen ghét, tham lam của cải, sắc dục….
 
5. Riêng cho người có trách nhiệm : lãng quên, làm gương xấu
Trong bài Tin Mừng này, Chúa cũng đề cập đến bổn phận phải chu toàn của mọi đấng bậc trong Giáo Hội. Ai cũng có những nhiệm vụ của mình trong Giáo Hội. Từ bậc làm cha mẹ trong gia đình, đến cấp hội đồng mục vụ, đến cha xứ, Đức Giám Mục, đến Đức Giáo Hoàng, tất cả như những người gác cổng để lo an toàn cho cả nhà. Không thể vì cách sống bê tha, gương xấu, đem đến sự lơ là nhiệm vụ, chúng ta đều có trách nhiệm vào ngày Chúa đến.
 
6. Đề phòng đêm tối trần gian : Cuối cùng chúng ta đừng quên chúng ta đang sống giữa thế gian đầy dẫy những cảm bẫy của xác thịt, của thế gian, của ma quỉ - Đó là đêm tối – Trái lại Lời Chúa là ánh sáng dẫn ta đi về cuộc gặp gỡ Chúa Ki tô lú cuối cùng của lịch sử.
 
- Phương thế sống Lời Chúa: Năm sống Lời Chúa mở ra có mục đích tạo nên sự quan tâm đặc biệt nơi mọi người đối với Lời Chúa. Đó là Ánh Sáng cho cuộc đời đức tin – cho nên sự coi chừng chính là đừng để cho mình coi thường Lời Chúa, Lời để sống, Lời để thực hành.
 
Công anh đi lễ hàng tuần
Anh chê Lời Chúa, anh còn được chi
Đời nầy anh đã mất đi
Đời sau cũng mất còn gì không anh?
 
- Bí Tích Thánh Thể: Chúa trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ dữ người lành. Đó là giờ phút đặc biệt mà cả lịch sử con người và cả vũ trụ hướng về đó. Nhưng để nâng đỡ cuộc soongsyeeus đuối nặng nề của chúng ta, Chúa lại đang ở đây với chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể. Có nhiều cách Ngài đang hiện diện với Giáo Hội, nhưng đặc biệt là nơi Bí Tích Thánh Thể.
 
Vừa ban sự sống đời đời, sự sống Thiên Chúa lại vừa là nơi ta gặp gỡ để Ngài bồi dưỡng đức tin, đức cậy, đức mến cho chúng ta – « Hỡi những ai nặng gánh đường đời, hãy đến đây ta bổ sức cho ».
 
Chầu Thánh Thể ta ca ta hát nhiều lắm, nhưng hát cho nhiều mà chính cuộc sống không hoán cải, không yêu thương bác ái cũng vô ích thôi. Chúa muốn chúng ta nhìn ngắm tình yêu thương, sự hiền lành khiêm nhường của Ngài để sống.
 
Cần có những phút thinh lặng, tâm sự riêng tư với Ngài để tự kiểm điểm, nhìn Ngai, nhìn mình và tự hỏi Chúa muốn con làm gì? Lúc đó Ngài sẽ cho ta thấy hướng đi cuộc sống – Đức tin trưởng thành, Đức mến nồng nhiệt, lúc đó ta mới có tương lai – Lúc đó ta mới có cuộc trông đợi.
 
 
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức trong từng giờ từng phút. Tỉnh thức để vượt ra khỏi những cám dỗ của danh lợi thú, của những đam mê thấp hèn, hầu xứng đáng là người tôi trung luôn cầm đèn dẫn dắt anh em đi trong chân lý và hồng ân của Chúa. Amen.
 
 
Gm. Phaolô Nguyễn Thanh Hoan

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP