Chiếc Áo Lễ Của Lòng Mẹ

90 16/11/2016
Chiếc Áo Lễ Của Lòng Mẹ

Trong những ngày vừa qua, ai trong chúng ta lướt facebook, sẽ bắt gặp một hình ảnh rất đẹp, rất tuyệt vời của một người mẹ còm lưng trong bộ áo dài nhà quê, nâng niu chiếc áo lễ “cẩm bào” của con trong ngày lễ phong chức linh mục. Thực sự khi nhìn thấy hình ảnh này, mắt tôi không thể rời khỏi màn hình. Hình ảnh người mẹ ấy để lại trong tôi nhiều suy nghĩ, nhiều cảm thức về đời mẹ và đời linh mục.

 

 

 

 

Một cách chủ quan, nhìn vào tấm hình, đi bên người mẹ này còn có những người mẹ của các tân chức khác. Nhưng chúng ta thấy có một sự khác biệt thực sự trong cung cách ăn mặc và dáng mẹ hao gầy còm lưng, đôi tay chỉ còn gân xanh và xương mòn, gắng hết sức của tình mẹ để cùng sánh vai dâng lên con mình phẩm phục của đời linh mục.

 

Trong hàng ngũ ấy, bà mẹ nào cũng sáng ngời son phấn, bông tai, trang sức đeo cổ và áo dài rạng ngời. Còn người mẹ của vị tân chức này, tóc trên đầu đã ngã màu trắng của cái tuổi xế chiều, đẩm chất văn hóa một thời bằng vành khăn nhung đen bối quanh đầu. Một chiếc áo dài trắng có lẽ đã cũ kỷ từ thời tân linh mục còn bé, cứ mỗi lần đi đọc kinh nhà thờ là nấp dưới tà áo dài sờn vai ấy. Cũng chẳng có trang sức bằng “hương vàng gấm ngọc” đeo trên cổ, nhưng lại là một dây bạc mang hình thập giá Chúa Giêsu, như muốn nói lên cuộc đời của tân linh mục được dệt bằng lời kinh nguyện liên lỉ của người mẹ mỗi sáng mỗi chiều.

 

Thật tuyệt vời, thật quá tuyệt vời! Sự khác biệt ấy là một sự khác biệt thánh thiện cần có. Một sự khác biệt không lập dị, nhưng là một sự khác biệt của sự khôn ngoan, của sự hy sinh và hạnh phúc tràn ngập trên khuôn mặt rạng rỡ của người mẹ già trong ngày tiến chức của con mình.

 

Đời linh mục rứa là hạnh phúc! Hạnh phúc ấy được dệt nên bởi tình mẹ và mãi mãi như vậy. Mẹ đã hao gầy, mẹ đã mặc áo cũ sờn vai đục màu để cho con được mặc “phẩm phục huy hoàng”. Đời mẹ và đời linh mục là thế!

 

Nếu được mặc chiếc áo lễ của mẹ già còm lưng lê bước chân mòn gầy dâng lên, tân linh mục ấy chắc cũng mụn lòng và cám động lắm. Hình ảnh người mẹ ấy là cả một lời nhắn nhủ cho tân linh mục trong sứ vụ mới mà Chúa và Giáo Hội trao phó. Hình ảnh ấy sẽ đi suốt cả một đời linh mục, dù trong hạnh phúc hay đau khổ, trong niềm vui hay buồn tủi cô đơn, người linh mục ấy vẫn vững một niềm tin, giám làm những điều khác biệt trong xã hội tục hóa này, giám sống một lối sống đơn giản khiêm hạ, nghèo giữa người nghèo, hy sinh muôn ngàn hy sinh, như sự khác biệt nơi mẹ hiền của mình trong ngày lễ đại triều với hàng ngàn người hiện diện. 

 

 

 

 

Tân linh mục ấy mặc chiếc áo lễ của mẹ là mặc lấy tình yêu và sự bao bọc của mẹ suốt cả cuộc đời linh mục. Từ nay, con mặc chiếc áo này là mặc lấy Đức Kitô trong chức phẩm tư tế, ngôn sứ và vương đế của Ngài. Mẹ sẽ theo con, mẹ sẽ không rời mắt khỏi con - đứa con linh mục bé bỏng của mẹ, mẹ sẽ không ngừng nhắn nhủ con để con lo chu toàn sứ vụ cao vời mà Chúa Giêsu muốn nơi con. Hãy giữ chiếc áo ấy cho đến lúc cũ màu, sờn vai để che chở đoàn chiên của con như mẹ đã lấy thân áo dài của mẹ mà che chở các con suốt cuộc đời “thân cò vất vả” của mẹ.

 

Được Chúa cất nhắc con lên hàng linh mục là một niềm tự hào và hãnh diện của mẹ, nhưng đó cũng là bao nỗi ưu tư lo lắng của mẹ. Sứ vụ Chúa giao cho con cũng chính là Chúa giao cho mẹ. Bàn tay con sẽ đụng chạm đến Mình Thánh Chúa mỗi ngày, lòng mẹ cũng sẽ luôn hướng về đó và thầm mong cho bàn tay ấy xứng đáng được như vậy luôn mãi.

 

Con hãy nhớ rằng mẹ sinh ra từ “gốc rạ” và con cũng vậy, hãy sống đời linh mục đúng chất là “con cái của đồng ruộng”, của một người mục tử chăn chiên trong cánh đồng màu mỡ đầy yêu thương, bao dung và tha thứ. Con hãy yêu cái mùi chiên và thuộc lòng từng con chiên một, nhất là những con chiên què quặt, gầy yếu và ốm đâu.

 

Mắt mẹ đã mờ, tai mẹ cũng chẳng nghe rõ, chân mẹ đã mòn gối…nhưng mẹ tin con cũng sẽ hy sinh cho đoàn chiên như mẹ đã hy sinh cho con. Những lời của mẹ dành cho con được “gói gọn” trong chiếc áo lễ như là quà tặng tình yêu mẹ quảng đại dâng con cho Chúa.

 

Cảm ơn người đã chụp lại khoảnh khắc dễ thường này của người mẹ, vì hình ảnh ấy để lại cho chúng ta nhiều ý nghĩa: nghĩa của tình mẹ cha, nghĩa của tình anh em bằng hữu, nghĩa của thầy trò, nghĩa của Mẹ Giáo Hội đầy yêu thương và đặc biệt là nghĩa của Thiên Chúa cao vời đã thương đến phận hèn của con người. 

 

                                                                                                                                                                                                         vanphongtudoan

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP