1. Trang Chủ
  2. Giới Thiệu
  3. Giới Thiệu Khác
  4. Bergoglio một giáo hoàng rất “Dòng Tên”

Bergoglio một giáo hoàng rất “Dòng Tên”

97 20/03/2016
Bergoglio một giáo hoàng rất “Dòng Tên”

Chương 1 – Bergoglio một giáo hoàng rất “Dòng Tên” (tiếp theo)

 

Vào buổi tối ngày 13 tháng 3 năm 2013, Jorge Mario Bergoglio vừa được bầu chọn, vừa xuất hiện trong chiếc áo chùng trắng ở ban công đền thờ Thánh Phêrô là ngài đã bắt đầu thu gom các “lần đầu tiên”. Ngài là giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ, giáo hoàng đầu tiên chọn tên Phanxicô, giáo hoàng đầu tiên Dòng Tên. Trong quá khứ, Giáo hội Công giáo cũng đã có các giáo hoàng thuộc các dòng khác, Phan Sinh và nhất là Đa Minh. Nhưng chưa bao giờ có giáo hoàng Dòng Tên, một dòng do Thánh I-Nhã sáng lập vào thế kỷ thứ XVI. Một dòng tu có thế giá và có ảnh hưởng, đã trải qua những giai đoạn khó khăn trong quan hệ với giáo hoàng. Trong thời Giáo triều Đức Gioan-Phaolô II, Dòng cũng bị thất sủng1.

Trở thành lãnh đạo Giáo hội Công giáo, đương nhiên Đức Bergoglio vẫn giữ dấu ấn của một nền đào tạo lâu dài về mặt trí thức và thiêng liêng của mình trong Dòng Tên. Cái gì đã làm ngài là một giáo hoàng “Dòng Tên”? Cái gì nơi nền văn hóa, đạo đức của ngài là một trong những chìa khóa quan trọng để hiểu phong cách giáo hoàng đặc biệt của ngài, và cách ngài điều khiển Giáo hội Công giáo? Đối với triết gia và nhà thần học Juan Carlos Scannone, Đức Phanxicô “cai quản bằng sự nhận định”. Sự nhận định này – đi tìm và gặp ý Chúa -, là trụ cột của linh đạo Dòng Tên. Có được sự gởi gắm mà các hồng y trao cho ngài lúc họ bầu ngài, Giáo hoàng Phanxicô vừa tiến tới vừa “đi”, ngài lắng nghe cả những người ngài không cùng quan điểm và ngài dùng thì giờ để tìm con đường.

***************************

Khi Bergoglio vào Dòng Tên thì các tu sĩ Dòng Tên ở Argentina như thế nào?

Đứng về phương diện trí thức và thiêng liêng thì các tu sĩ Dòng Tên ở Argentina luôn có một địa vị quan trọng. Họ có trường trung học, trường đại học, có nhà xuất bản… Vào thời đó, trong Dòng Tên có một bầu khí thuận lợi cho trào lưu làm mới lại Giáo hội Công giáo, có tinh thần sẵn sàng đón nhận các thay đổi của Công Đồng Vatican Vatican II. Dĩ nhiên ở Argentina cũng có các tu sĩ Dòng Tên bảo thủ. Còn phần tôi, gần như tất cả các giáo sư của tôi đều theo học với các giáo sư Âu châu nên họ thuộc về trào lưu canh tân Giáo hội, một vài người trong số đó ở Rôma. Những người đã học ở Đại học Louvain thì ở trong đường hướng của Joseph Marechal, một tu sĩ Dòng Tên người Bỉ, cha cố gắng giải hòa giữa người theo học thuyết của Thánh Tôma và người theo triết lý hiện đại, triết lý siêu việt của Kant, một triết gia người Đức. Tôi học với các giáo sư theo học thuyết Tôma cởi mở, có tinh thần canh tân.

Bergoglio vào Dòng Tên sau tôi. Về mặt trí thức, tất cả đều đã ổn định đến mức sẽ sai, như một vài người đã sai, khi cho rằng Bergoglio nhận một nền thần học rất khép kín. Không đúng! Đa số các giáo sư đều theo trào lưu canh tân cả về mặt thánh kinh cũng như phụng vụ. Hồi đó đã có một bầu khí thay đổi khá mạnh.

Về phần tôi, tôi được gởi đi học với giáo sư Karl Rahner ở Innsbruck. Tư tưởng của ngài đã chuẩn bị cho Công đồng và nền thần học của ngài đã có dấu ấn mạnh trên Công đồng Vatican II.

Theo cha, khi Đức Bergoglio là giáo hoàng, ngài còn giữ tính chất rất Dòng Tên không?

Đương nhiên và chắc chắn. Rõ ràng, Đức Phanxicô cai trị bằng nhận định. Trong truyền thống Dòng Tên, nếu người nào cảm nhận có bình an nội tâm sâu đậm theo mô tả của Thánh I-Nhã trong Phân định Thần loại thì người đó đã có một quyết định đúng. Trong một cuộc gặp gỡ sau khi được bầu chọn, Đức Bergoglio thố lộ với tôi, ngài cảm nhận mình có một sự bình tâm sâu đậm.

Thế nào là nhận định?

Tìm và thấy được ý Chúa. Nhưng điều này không chỉ giới hạn cho đời sống thiêng liêng riêng của mình. Nó cũng giúp để làm cho người khác tìm và thấy được ý Chúa. Trong trường hợp của Đức Bergoglio bây giờ, nhận định sẽ hữu ích cho ngài để cai quản Giáo hội, để hướng dẫn đường đi của Giáo hội.

Có quan trọng để hiểu Đức Phanxicô không?

Đó là cách ngài cai quản. Là giáo hoàng, ngài lắng nghe mọi người nhưng không có định kiến trước. Đó là điều ngài nói với tôi trong cuộc gặp gỡ. Ví dụ chúng ta thấy điều này trong cách ngài điều hành các buổi họp của Thượng Hội đồng về Gia đình.

Qua bảng câu hỏi, trước hết ngài tham vấn Dân Chúa. Sau đó, trong lần họp Thượng Hội đồng ngoại thường tháng 10-2014, ngài tham vấn các giám mục. Trước là Dân Chúa sau là giám mục… Dần dần, ngài thấy, và theo tôi nghĩ, ngài thấy cách nào để đi tới. Nhưng ngài chờ. Ngài để một năm trọn giữa hai kỳ họp Thượng Hội đồng, kỳ đầu là tháng 10-2014 và kỳ thứ nhì là tháng 10-2015.

 

Các Bài tập Linh thao có phải là trọng tâm của nhận định không?

Thánh I-Nhã nói rằng Các Bài tập được làm ra để tìm, cảm nhận, nếm và gặp ý Chúa. Thực hành các Bài tập là chiêm nghiệm trong hành động2.

Tại sao phải theo các Bài tập Linh thao? Bài tập Linh thao dùng vào việc gì?

Là để học cầu nguyện, để nhận định ý Chúa trong đời mình, chẳng hạn để khẳng định ơn gọi. Triết gia Pháp Maurice Blondel đã cho biết, ông đi linh thao một tuần chứ không phải một tháng để hiểu xem Chúa có muốn mình làm linh mục hay không. Và sau đó, ông lập gia đình, làm giáo sư Đại học. Sự “lựa chọn” của ông là làm giáo sư.

Thánh I-Nhã đã “thai nghén” các Bài tập Linh thao như thế nào?

Chính Chúa đã hướng dẫn ngài trong khi ngài tĩnh tâm ở Manrèse3. Nhưng trước kinh nghiệm này, ngài đã suy nghĩ rất nhiều. Khi ngài bị thương trong trận chiến với người Navarrai, ngài về gia đình mình ở Loyola để dưỡng bệnh. Ngài rất thích được ở trong quân đội và ngài đọc rất nhiều tiểu thuyết, kiếm hiệp. Vào thời đó, ngài yêu một cô gái ở triều đình. Nhưng ngài thấy tất cả những chuyện này không làm cho ngài vừa lòng. Ở Loyola, ngài bắt đầu đọc hạnh các thánh, các hạnh trong sách Huyền thoại vàng son của Jacques de Voragine, và Đời Chúa Kitô của Ludolphe le Chartreux. Khi ngài đọc những sách này thì ngài thấy mình hạnh phúc. Vì thế ngài đặt câu hỏi để biết vì sao điều này đã xảy ra. Đúng ra trong lòng ngài bắt đầu nhận định các cảm nhận khác nhau. Một vài chuyện ngài thấy lòng mình dửng dưng, một vài chuyện khác ngài thấy lòng hân hoan và lòng hân hoan này được kéo dài. Và chính ở Loyola, mà lần đầu tiên ngài sống kinh nghiệm thế nào là nhận định. Sau đó, ngài đào sâu vấn đề này. Thánh I-Nhã đã truyền kinh nghiệm này cho người khác và ngài bắt đầu viết ra cảm nghiện này.

Tại Paris, ngài gặp Pierre Favre và Phanxicô Xaviê. Từ đó Dòng bắt đầu thành hình. Sẽ không có cái gọi là quản lý theo cách của Thánh Phanxicô chẳng hạn. Đó là kinh nghiệm thiêng liêng được chia sẻ. Nhưng cũng có một phương pháp và điều này rất thích thú. Đặc điểm riêng của Thánh I-Nhã là phương pháp tìm và gặp ý Chúa của ngài khi đi theo đời sống Chúa Kitô, chiêm nghiệm đời sống Chúa Kitô để có một nhận định thiêng liêng.

Theo cha, vì sao các Bài tập Linh thao đã trường tồn qua bao nhiêu thế kỷ?

Theo tôi nghĩ, đó là một phương pháp rất hiệu quả để gặp Chúa.

Các tu sĩ Dòng Tên họ nhận định như thế nào?

Trong khi thực hành các Bài tập Linh thao và qua kinh nghiệm của mỗi người thì khi nhận định, họ biết Chúa đòi hỏi ở họ cái gì: là tu sĩ Dòng Tên hay không, là linh mục hay không, là nhà truyền giáo đi Trung quốc hay không, sống ở Âu châu hay không… Nhưng tôi lặp lại, điều này là cũng để giúp người khác tìm con đường của họ. Thánh I-Nhã nói đến ba thời kỳ của Lựa chọn4. Thời kỳ thứ nhất là khi một cách rõ ràng, không nghi ngờ gì được, một xác tín là có cảm nhận điều này đến từ Chúa. Đây không phải chỉ là một cảm nhận. Không. Điều này là vừa cả quả tim, cảm nhận và hiểu biết. Linh thao viên không nghi ngờ gì về ý Chúa ở đây. Và đó là điều mà Thánh I-Nhã giải thích trong trường hợp của Thánh Phaolô trên đường Đamát.

Nhưng kinh nghiệm bình thường nhất và thường xảy ra nhất là ở thời kỳ thứ hai của lựa chọn, và chính Thánh I-Nhã cũng đã chứng nghiệm cho mình và như tôi đã giải thích ở trên, đó là tâm trạng đi từ sầu khổ qua an ủi, một cái gì đang xảy ra cho tâm hồn theo Pascal hay theo các tình trạng tâm hồn của Platon.

Thời kỳ thứ ba của lựa chọn thì lý tính hơn. Với lý lẽ, linh thao viên cân nhắc cái được cái mất. Nhưng một khi chọn lựa đã xong, linh thao viên dâng lên Chúa để có sự khẳng định cuối cùng, theo kiểu tình cảm, qua an ủi và qua sầu khổ để biết mình có cảm nhận hân hoan hay xao xuyến. Rất quan trọng là phải có xác nhận này.

Nhận định có phải là dấu ấn của Dòng Tên không?

Nhận định trước hết là nhận định theo tinh thần Kitô. Theo tinh thần Kitô giáo có nhiều loại linh đạo. Nơi các tu sĩ Dòng Tên, đúng là nhận định có một chỗ đứng rất quan trọng. Linh hướng “năm ba”5 (năm thử luyện) của tôi ở Saint-Martin d’Ablois, Pháp là linh mục Antoine Delchard, ngài nói nhận định là một hành vi chiêm nghiệm6. Có thể nói nhận định là ước ao thể hiện ý Chúa để mỗi người thực hành một cách nhân bản và thiêng liêng.

Vì sao cha đến Pháp để làm “năm ba”?

Trong Dòng Tên, linh mục Antoine Delchard được toàn cầu biết đến như “nhà linh hướng”, đó là thuật ngữ chúng tôi dùng trong Dòng Tên. Ngài có dòng tộc Ý nhưng gia đình ngài ở Lorraine. Vào thời đó, ở Pháp có hai nơi để làm “năm ba”: một là ở Paray-le-Monial và một là ở Saint-Martin d’Ablois, dưới sự điều khiển của linh mục Delchard. Phải xin nhiều năm mới đến được Saint-Martin d’Ablois. Được sự hỗ trợ của cha giám tỉnh, tôi mới có một chỗ ở đó. Tôi đến Pháp vào mùa hè năm 1963. Trước hết, tôi đến Beaugency để học tiếng Pháp, và tôi dâng thánh lễ bằng tiếng Latinh ở Dòng Ursuline. Tôi vào Saint Martin d’Ablois tháng 9 năm 1963 và tôi kết thúc tháng 7 năm 1964.

Năm này là một năm hồng ân, một kinh nghiệm tu trì sâu đậm với ba mươi ngày linh thao dưới sự hướng dẫn của cha linh hướng Delchard. Tôi có một bức thư của cha mà tôi giữ cho đến bây giờ. Khi còn là chủng sinh 17 tuổi ở chủng viện Dòng Tên, tôi đã đi linh thao nhiều ngày. Nhưng trong cương vị linh mục và sau khi đã học thần học với Karl Rahner, kinh nghiệm thiêng liêng mà tôi có được với cha Delchard đã có một tác động lớn trên cả cuộc đời của tôi.

Tại sao điều này lại quan trọng đến như thế?

Vì sự gặp gỡ với Thiên Chúa… linh mục Delchard đã vô cùng giúp tôi trong việc nhận định, dù trên nền tảng, đó là hành động của Chúa. Trong thời gian tôi ở Saint-Martin d’Ablois, tôi học rất nhiều điểm về mặt thiêng liêng. Nó đánh dấu trọn đời tôi và cho đến bây giờ… Tôi có linh mục Miguel Angel Fiorito, giáo sư triết Dòng Tên người Argentina; tôi có giáo sư thần học là Karl Rahner, nhưng về mặt thiêng liêng thì linh mục Antoine Delchard là nền tảng của tôi.

Tại sao Thánh I-Nhã thiết lập “năm ba” trong Dòng Tên?

Năm 1537, sau khi khấn đức khó nghèo, Thánh I-Nhã và các bạn của ngài gặp lại nhau ở Venise7. Từ đó họ có dự định đi Đất Thánh. Nhưng họ gặp rắc rối khi nghe tin đồn sẽ có chiến tranh với người Thổ Nhĩ Kỳ. Họ hẹn nếu trong vòng một năm mà không đi được Đất Thánh thì họ sẽ quyết định thuần phục giáo hoàng8.

Ở Venise, đó là năm chờ, một năm thiết yếu dành hết cho đời sống thiêng liêng và phục vụ người khác, một năm làm tông đồ gần người nghèo ở Venise và những vùng lân cận. Và đó là điều đã cho Thánh I-Nhã có ý tưởng làm năm thử luyện. Ngài muốn tất cả các tu sĩ Dòng Tên có kinh nghiệm này. Và chính vì thế mà chúng tôi gọi đó là trường của quả tim, trường của lòng trìu mến sâu đậm. Còn về phần linh mục Delchard thì ngài nói, đó là lòng trìu mến của một đức tin sâu đậm. Các đức tính đối thần (tin, cậy, mến) quả thật là dư âm của một đời sống trìu mến sâu đậm. Thánh I-Nhã nói, sau nhiều năm học hành, tâm hồn sẽ bị khô héo. Ở Venise, ngài và các bạn của mình có một kinh nghiệm thiêng liêng sâu đậm. Không phải do suy tư, không, đó là lý lẽ của quả tim, theo nghĩa của Pascal.

Trong “năm ba” chúng tôi cũng làm việc tông đồ. Vào thời đó chung quanh Saint-Martin d’Ablois có những người thợ Tây Ban Nha làm việc trên các cánh đồng. Tôi ở gần họ, tôi giải tội và dâng thánh lễ cho họ. Linh mục Delchard gởi tôi đến làm tông đồ một tháng ở Valence, Tây Ban Nha, tôi giảng tĩnh tâm Mùa Chay ở đó. Sau Phục Sinh tôi về lại St-Martin d’Ablois để kết thúc “năm ba,” sau đó tôi đến Munich để học tiến sĩ.

Đức Bergoglio theo “năm ba” ở đâu?

Ở Alcala, Tây Ban Nha. Ngài có cha linh hướng là linh mục Arroyo. Linh mục Arroyo có đến Saint-Martin d’Ablois để gặp linh mục Delchard và linh mục Delchard xem ngài là một nhà linh hướng giỏi.

Chính cha nói Thánh I-Nhã là bậc thầy của nghi ngờ. Tại sao?

Chắc chắn Thánh I-Nhã là bậc thầy của nghi ngờ. Trong đời sống thiêng liêng, người ta “nghi ngờ” các ảo tưởng. Mỗi người thường “tự thuyết phục mình” – tự đánh lừa mình -, và đó là ảo tưởng. Marx gọi đó là ý thức hệ; Freud gọi là hợp lý hóa, Nietzsche gọi là quyền lực của ý chí. Ảo tưởng không phải nói dối, cũng không phải sai lầm. Nói dối là đánh lừa người khác và trong sai lầm là tôi tự đánh lừa mình không hơn không kém, tôi gần như đã có sự thật. Triết gia Ricoeur phân biệt ảo tưởng với sai lầm và nói dối.

Thánh I-Nhã có một phương pháp để biết thế nào là ảo tưởng. “Các bậc thầy của nghi ngờ” đã ghi lại theo kiểu thế tục. Chẳng hạn triết gia Sartre nói đó là ý xấu. Thực chất ý xấu là một ảo tưởng. Bình thường không ai muốn mình xấu. Phải rất yếm thế mới nói: “Tôi làm việc xấu và tôi biết tôi làm việc xấu”. Chung chung chúng ta có khuynh hướng “tự ảo tưởng”, và ít nhất là bề ngoài qua chính cái nhìn của mình, chúng ta cho mình có “ý tốt”.  Ở Argentina, dưới chế độ độc tài, đại tướng Videla đã giết rất nhiều người. Nhưng ông nghĩ, ông làm điều tốt, ông giúp xứ sở, ông bảo vệ văn minh Kitô giáo. Đương nhiên chỉ có Chúa mới biết đó là ý tốt hay ý xấu. Cá nhân tôi, tôi nghĩ đại tướng Videla không giết chỉ để giết; mà đúng hơn: “Sự dữ đã trở thành thường” như triết gia Hannah Arendt đã mô tả. Và thực chất, đó là “tự ảo tưởng”. Thánh I-Nhã đã biết tìm các phương pháp thiêng liêng để chống lại ảo tưởng, các phương pháp cho phép chúng ta nhận định cho đến khi có được sự gặp gỡ đích thực với Chúa.

Đức Phanxicô với cha Paquito trong bữa trưa với các cha dòng Tên tại trường Javier ở Guayaquil

Có những chỉ trích chống Đức Phanxicô cho rằng ngài ít quyết đoán, hoặc ít nhất là để các việc kéo dài. Cha nghĩ ngài để thì giờ để nhận định?

Ngài “tinh ý” thấy các sự việc. Tôi nghĩ ngài biết sự việc sẽ đi đến đâu nhưng ngài tinh tế tiến dần dần… Dân Chúa cũng tinh ý và đó là điều mà trong danh từ thần học người ta gọi là cảm thức người tín hữu (sensus fidelium).

Cách mà Đức Bergoglio tiến hành có thể gặp rắc rối trong một Âu châu chủ trương duy lý và đặc biệt ở Pháp, một xứ sở theo học thuyết Đề Cát, cha có nghĩ vậy không?

Truyền thống Pháp có Đề Cát nhưng cũng có Pascal, theo tôi, Emmanuel Levinas cũng ở trong truyền thống Pascal; triết gia Maurice Blondel cũng vậy. Tôi nghĩ Pascal đã trở lại trong tư tưởng Pháp. Paul Ricoeur là tín hữu Tin lành người Pháp cũng trích dẫn các trạng thái tâm hồn của Platon và đối với ông quả tim của Pascal cũng vậy… ông ghi lại một cách rõ ràng với sự hiểu biết, do có đồng bản chất của những nhà triết học kinh viện. Về phần triết gia Tây Ban Nha Xavier Zubiri thì ông nói về một năng lực nhận thức “cảm được”. Ông tạo từ mới này để định nghĩa cái gì thuộc về tâm hồn, theo Pascal. Các triết gia kinh viện, trước tiên hết là Thánh Tôma, nói đến sự hiểu biết do đồng bản chất9. Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Phanxicô trích dẫn nhiều lần sự hiểu biết đặc biệt này. Khi ngài nói đến dân chúng và thần nghiệm bình dân, ngài quy chiếu đến sự “hiểu biết được ban cho vì tình yêu”.

Cảm nhận này không thuần túy là cảm xúc. Đó là một cảm nhận trí tuệ, một năng lực nhận thức “cảm được” như Zubiri nói, vậy lý lẽ không phải là lý luận theo chủ thuyết cartêsiên của Đề Cát nhưng lý luận của quả tim theo Pascal, những xúc động sâu xa. Những năm gần đây trong ngành triết học có một suy tư về giá trị của hiểu biết mà những xúc động sâu xa có. Và nó ở trong đường hướng của Thánh I-Nhã. Khoa trưởng phân khoa triết lý “công giáo” của Paris đã suy nghĩ về vấn đề này, những cảm nhận thiêng liêng – tôi nghĩ đến tác phẩm của ông, Thiên Chúa, thịt da và người khác (Dieu, la chair et l’autre)10 – dù ông liên kết nhiều hơn về linh đạo Phan Sinh (thánh Bonaventure) cho rằng da thịt và nhập thể có một tầm mức quan trọng rất lớn.

Theo cha, Giáo triều của Đức Bergoglio mang tính “tình cảm”?

Chính Đức giáo hoàng nói đến cách mạng của lòng dịu dàng. Chủ đề lòng thương xót là chủ đề trọng tâm ở Giáo triều của ngài.

Người ta có thể nối kết chủ đề này với truyền thống Dòng Tên không?

Tôi nghĩ là có. Chủ đề cảm nhận thiêng liêng, xúc động sâu xa của đức tin như linh mục Delchard định nghĩa về vấn đề này. Các đức tính đối thần cũng đóng một vai trò vì nó giúp chúng ta cảm nhận thực tế một cách thiêng liêng. Con người và con vật cùng nhận thức thực tế. Nhưng điều phân biệt giữa con người và con vật là chúng ta nhận định thực tế như một thực thể, không, thực tế.

Một tu sĩ Dòng Tên, cần phải có thì giờ?

Đúng, thì giờ là nền tảng. Gaston Fessard trong quyển sách viết về các Bài tập Linh thao có nói về thì giờ của tự do, của ơn sủng11. Chính vì vậy mà Đức Giáo hoàng đã lập ra Thượng Hội đồng về Gia đình. Giữa hai kỳ họp, ngài dành một năm trọn để suy nghĩ.

Hội đồng các hồng y giúp giáo hoàng trong việc cải cách Giáo triều cần có thời gian, tại sao?

Bởi vì thì giờ là cần thiết để biết cải tổ sẽ đi đến đâu. Trong bốn nguyên tắc lớn Đức Phanxicô đưa ra, có một nguyên tắc này: thời gian thì cao hơn không gian12.

Bốn nguyên tắc này là từ các Bài tập Linh thao?

Không, tôi không nghĩ như vậy. Nhưng có những liên kết. Theo tôi, các nguyên tắc này được rút ra từ một bức thư của một chính trị gia ở Buenos Aires, ông Juan Manuel de Rosas nói về cách trị dân… Đúng, thời gian rất quan trọng. Chính vì vậy mà Fessard đã làm một phụ đề trong tập đầu tiên tác phẩm của ông nói về các Bài tập Linh thao: tự do, ân sủng, thì giờ. Ân sủng cần có thời gian. Tuần thứ ba và tuần thứ tư của Bài tập Linh thao là một khẳng định cho những gì mà linh thao viên đã nhận định đúng trong tuần thứ nhì.

Nhưng điều này có đi ngược với thời buổi bây giờ khi mọi sự phải nhanh, càng nhanh càng tốt…

Đúng, hoàn toàn đúng. Nhưng Đức Giáo hoàng nói, quan trọng không phải là có nhiều quyền nhưng là mở các tiến trình ra với thời gian để quan tâm đến người khác. Triết gia Franz Rosenzweig, người Do Thái-Đức, một trong những nguồn của Lévinas, nói đến một “tư duy mới”, tư duy đề cao tha nhân và thời gian. Tôi không nghĩ Đức Bergoglio biết đến tác phẩm của Rosenzweig… Nhưng ngài có “họ hàng”. Nếu tôi quan tâm đến người khác và không tự giới hạn theo quan điểm của mình, thì tiến trình này cần thì giờ. Người khác phải đọc tham luận và tôi không kiểm soát họ. Chính vì vậy mà cần phải có thì giờ. Đức Bergoglio quan tâm đến người khác vì thế ngài cần có thì giờ, không phải cho nhận định riêng của mình nhưng cho người khác, để họ tác động.

Thật ra cách cai trị của ngài gây sốt ruột. Theo cha như vậy có bất công không?

Cho người khác một khoảng không gian (các hồng y, Dân Chúa, Thượng Hội đồng, vv…) đòi hỏi có thời gian. Đức Bergoglio muốn lắng nghe. Ngài yêu cầu những người không đồng ý với ngài nói ra. Ngài không muốn áp đặt. Nhưng Đức Bergoglio không phải là Hamlet! Thái độ của ngài không phải là thái độ của người không biết mình nên lấy quyết định nào. Ngài lấy quyết định của mình và ngài đi tới. Ngài quan tâm đến người khác và đến thời gian. Đức Bergoglio nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta đều nắm giữ một cái gì thật. Dù người nào đó bị lừa, họ cũng có một phần sự thật. Ngài nói vấn đề này rõ ràng trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng. Chính vì vậy mà quan điểm của Đức Bergoglio là phải lắng nghe mọi người. Ngài không muốn áp đặt nhưng muốn lắng nghe, nhận định, không phải chỉ riêng cho ngài nhưng để cho mọi người.

Đối với một giáo hoàng, đối với một chính trị gia, đối với người có quyền lực, có khó để điều hành theo cách này không?

Có, nhưng cai trị thật sự có đúng là như vậy không? Nhà tư tưởng học tiến hành một cách khác, một cách chuyên quyền. Đức Bergoglio cũng nói thực tế thì cao hơn ý tưởng. Người cai trị đích thực là người biết chờ và lắng nghe. Nhiều ít họ biết mình sẽ đi đâu, về hướng nào. Nhưng họ lắng nghe và chờ đợi. Lucio Gera, nhà thần học gia Argentina rất được mến chuộng của giáo hoàng, nói, đặc tính riêng của chính trị gia và của ngôn sứ là họ biết nhận định. Có một cái gì sáng tạo khi lấy cơ hội, vào đúng lúc và biết mình đi về đâu. Nó được nhận ra, được cảm nhận nhiều hơn là thu gọn trong tư tưởng.

Cha có nghĩ Đức Phanxicô là người có trực giác không?

Tôi nghĩ ngài có khả năng này, khả năng mà người ta gọi là khả năng chính trị, có nghĩa là khả năng nhận ra những con đường mới mình phải đi, không cậy vào một chương trình đã được thiết lập. Và đó sẽ là ý thức hệ. Đức Giáo hoàng vừa đi tới vừa tìm. Maurice Blondel trích Thánh vịnh số 118 (105): “Một ánh sáng cho đôi chân của tôi”. Còn về phần thi sĩ Antonio Machado người Tây Ban Nha thì ông viết, con đường được làm ra khi đi. Con đường chưa có dấu vết trước đó, nhưng nó được làm ra khi đi, khi tiến tới… Chắc chắn, tôi biết ít nhiều con đường, đó là con đường hòa bình, công chính, con đường cổ động cho lợi ích chung. Nhưng dù vậy tất cả vẫn còn trừu tượng. Nhà ý thức học đã dự trù trước tất cả, giống như chương trình của cộng sản chẳng hạn. Cuối cùng Lucio Gera nói rằng, ngôn sứ là người có khả năng nhận định các dấu hiệu của thời gian, về mặt giáo dân thì đó là chính trị gia.

Thần học gia Lucio Gera có ảnh hưởng nhiều trên Đức Phanxicô không?

Tôi nghĩ là có, Lucio Gera và nhóm COEPAL (Hội đồng Giám mục Mục vụ) được thành lập ở Buenos Aires sau Công đồng Vatican II. Và đừng quên Rafael Tello. Nhưng theo tôi, Đức Bergoglio không phải chỉ áp dụng tư tưởng của Gera và của Tello. Ngài có cảm nghiệm từ đó nhưng ngài cũng phát triển suy tư riêng của mình.

Trong mật nghị, trước khi chấp nhận làm giáo hoàng, theo cha, hồng y Bergoglio có nhận định trong giây phút quan trọng này theo tinh thần của các tu sĩ Dòng Tên không?

Tôi không thể nói ý kiến riêng của tôi, phải đặt câu hỏi với Đức Phanxicô! Thành thật mà nói, tôi không biết tâm trạng của ngài lúc đó. Dù sao, Đức Bergoglio cũng không có nhiều thì giờ để nhận định. Nhưng tôi nghĩ là có, ngài đã làm trước khi quyết định. Để nói về chuyện này, tôi dựa trên những gì ngài kể riêng cho tôi nghe. Ngày 13 tháng 3 năm 2013, khi ngài ra chào giáo dân ở ban công đền thờ Thánh Phêrô, tâm hồn ngài thật bình an. Ngài thật sự không chuẩn bị gì để ra nói với giáo dân.

Người ta có thể hình dung một cách hợp lý ngài đã trải qua giai đoạn mà các tu sĩ Dòng Tên chúng tôi gọi là thời kỳ đầu của lựa chọn. Cảm nhận mình được gọi và cảm thấy mình có bình tâm sâu đậm để nhận tiếng gọi này. Như tôi đã giải thích, để hiểu điều này, Thánh I-Nhã lấy ví dụ của Thánh Phaolô trên đường Đa Mát. Đó là lúc mà một người lòng tràn ngập Thiên Chúa và họ không nghi ngờ gì rằng đó là Ý Chúa.

Đức Phanxiô với cha Paquito tại cộng đoàn dòng Tên ở trường Javier ở Guayaquil

Chương 1: Bergoglio một giáo hoàng rất “Dòng Tên”

1 – Đức Gioan-Phaolô II rất dè dặt trước đường hướng chọn lựa của Dòng Tên mà trong những năm 70, Dòng đã chọn ưu tiên cho các hoạt động của mình là dấn thân làm việc xã hội. Mặt khác, Dòng không thấy bản sắc của mình phù với căn tính tái khẳng định của triều Giáo hoàng Gioan-Phaolô II. Xung đột lên cao điểm khi năm 1979, Đức giáo hoàng đã áp đặt một người thay thế tạm thời cho linh mục Arrupe bị tai biến mạch máu não.

2 – Dưới hình thức tĩnh tâm bốn tuần hay một tuần theo các Bài tập Linh thao của Thánh I-Nhã Loyola, quyển sách ghi lại kinh nghiệm thiêng liêng của ngài và là trọng tâm linh đạo của các tu sĩ Dòng Tên.

3 – Năm 1522, Thánh I-Nhã đã sống nhiều tháng như một ẩn tu trong một hang động ở Manrèse, gần Barcelona.

4 – Chữ “tuần” ở đây không phải là một ý niệm thời gian nhưng đúng hơn là ba lúc, ba cách để lấy một quyết định.

5 – Đó là giai đoạn tối hậu trong vì đào tạo về mặt thiêng liêng của một tu sĩ Dòng Tên, một thời kỳ vài tháng sau những năm tháng học hành và trước khi tuyên khấn vĩnh viễn vào Dòng Tên.

6 – Saint-Martin d’Ablois cách Eùpernay mười mấy cây số. Trong rất nhiều năm, Saint-Martin d’Ablois là nhà tập của các tu sĩ Dòng Tên.

7 – Trong thời gian chờ ở Venise, Thánh I-Nhã và một vài bạn được chịu chức linh mục năm 1537.

8 – Đó là những gì họ làm vào mùa thu 1537. Dòng Tên được chính thức thành lập tại Rôma.

9 – Theo thánh Tôma, nếu ai thụ đắc được một đức tính, chẳng hạn đức khiết tịnh, thì thói quen này sẽ hành động nơi người đó như một bản chất thứ nhì và sẽ giúp họ nhận định nếu một hành vi tự nguyện đó có phù hợp với họ không (khi nó trái tự nhiên) hay hành vi đó ngược với họ.

10 – Emmanuel Falque, Dieu, la chair et 1’autre, d’Irénée à Duns Scot, Paris, PUF, 2008.

11 – Gaston Fessard, La Dialectique des Exercices spirituels de saints Ignace de Loyola, Paris, 3 vol., Desclée de Brouwer, 1992.

12 – Đức Phanxicô đã triển khai trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng. Ngài cũng đã nêu ra trong bản văn về chính trị năm 2010: Nosotros como ciudadanos, noso-tros como pueblo (Chúng ta là công dân, chúng ta là dân tộc”). Bốn nguyên tắc là: thời gian thì cao hơn không gian, hiệp nhất thì cao hơn xung đột, thực tế thì cao hơn ý tưởng và tổng thể thì cao hơn là bộ phận.

còn nữa

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

TOP